Báo động nạn nhân viên trộm tài liệu mật của công ty

Chủ Nhật, 05/12/2004, 16:29

Thế giới hàng năm có tới 40% doanh nghiệp (DN) than phiền bị nội gián tấn công hoặc nghi ngờ bị lấy cắp dữ liệu. Bắc Mỹ là nơi có số DN bị nội gián nhiều nhất, thứ đến là châu Á, chiếm khoảng 13%. Bình quân mỗi vụ thiệt hại khoảng 35.000 đến 40.000 USD.

Đội giải quyết tình trạng khẩn cấp trong DN ở Hồng Kông mới đây đã công bố rằng, chỉ riêng năm 2003 đã có khoảng 900 vụ nội gián. Mới đây, Đài Loan cũng đã tiến hành xét xử Jeffrey Chang, cựu Giám đốc điều hành của Công ty phần mềm D-Link Corp. Ông ta đã phải ngồi tù vì tội đánh cắp mật mã của công ty để bán cho công ty cũ của mình là VIA.

Tình trạng trộm cắp dữ liệu do người trong công ty gây ra không chỉ dừng lại ở đó. Mới đây, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của thế giới đang làm ăn tại châu Á cũng đã phải đau đầu trước thực trạng nội gián trong DN mình mà rất khó kiểm soát. Khi có nguy cơ bị phát hiện, các nhân viên “tình báo” này sẵn sàng "nhảy dù" sang các công ty khác.

Phát hiện bị nội gián, không phải công ty nào cũng mạnh dạn đứng ra tố cáo vì sợ “động rừng”. Theo nghiên cứu thì rất nhiều công ty ở châu Á làm ăn mờ ám, vi phạm bản quyền sản phẩm và sở hữu trí tuệ, khi đứng ra tố cáo, các cơ quan điều tra vào cuộc thì bản thân họ cũng gặp nhiều rắc rối. Tại Hồng Kông chẳng hạn, nơi có tình trạng nội gián diễn ra thường xuyên, nhưng chỉ có vài phần trăm  DN mạnh dạn đứng ra tố cáo. Nhiều DN lớn khi bị nhân viên lấy cắp bí quyết của công ty đi nơi khác đã không dám kiện tụng bởi vì chính họ cũng đã từng ăn cắp của người khác. Qua đây cũng cho thấy, chuyện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở châu Á chưa được quan tâm đúng mức nên mỗi khi ra tòa kiện tụng, các cơ quan luật pháp chẳng biết đường nào mà lần.

Một thực trạng ở châu Á hiện nay là, giám đốc điều hành ngày càng khan hiếm, các DN đối thủ luôn tìm cách giành giật nhân sự của nhau không chỉ nhằm mục đích tìm được nhân sự giỏi, mà còn biết được bí quyết làm ăn của đối thủ nhằm hạ gục nhau dễ dàng hơn.

Trong thời đại thông tin hiện nay, một tay nội gián không cần phải siêu sao về máy tính nhưng vẫn có thể lấy cắp tài liệu của cơ quan mình cho các cơ quan khác dễ dàng. Thực tế cho thấy, khi phát hiện công ty mình có nội gián, công ty muốn kiện ra tòa cũng không lấy gì làm chắc chắn. Theo công ty chuyên đi kiện về tình trạng nội gián có tiếng ở Đài Loan là Taylor-Smith, tỉ lệ thắng kiện là rất thấp, xác suất là 50/50 trong khi chi phí đi kiện không phải là nhỏ.

Hiện nay, rất nhiều công ty đã có chiến lược an ninh trong việc bảo vệ tài liệu mật tránh bị nội gián, trong đó có biện pháp gài vào bản hợp đồng của các nhân viên những điều cảnh giác của công ty, nhưng xem ra điều này chưa đem lại kết quả khả quan. Biện pháp hiệu quả, theo các chuyên gia, vẫn là hạn chế người tiếp xúc với các thông tin được xem là có nhiều vấn đề nhạy cảm, có tính quan trọng sống còn của công ty

V.V. (tổng hợp từ FEER)
.
.