“Bảo trợ khủng bố” hay áp lực kiểu Mỹ?
- Mỹ - Hàn "mạnh tay" điều 230 máy bay đến tập trận gần Triều Tiên
- Động thái mới của Mỹ khiến Trung Quốc và Triều Tiên tức giận
- Mỹ trừng phạt 13 cá nhân và tổ chức của Triều Tiên và Trung Quốc
Ngay lập tức, Triều Tiên lên tiếng phản đối, gọi đây là một “hành động khiêu khích nghiêm trọng” và cảnh báo các lệnh trừng phạt của Washington sẽ không bao giờ buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Những tuyên bố trên dường như đã dập tắt hy vọng mong manh về một biện pháp ngoại giao có thể xoa dịu tình trạng căng thẳng đang gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên cũng như đẩy lùi được cuộc “khẩu chiến” Mỹ-Triều.
Trở lại danh sách
Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách trên là để buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt hành động mà nước này đã thực hiện và là bước đi mới nhất trong hàng loạt biện pháp của chính quyền Mỹ nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Bình Nhưỡng. Hơn nữa, việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ cho khủng bố cho phép Mỹ có thể đưa ra các yêu cầu cấp phép chặt chẽ hơn đối với các giao dịch tài chính theo Bộ pháp điển các quy định của cơ quan hành chính liên bang (CFR) 31, phần 596, và loại bỏ quyền miễn trừ chủ quyền của Triều Tiên khỏi các nghĩa vụ pháp lý dân sự đối với các hành động khủng bố.
Bên cạnh đó, việc tái “gán mác” này cho Bình Nhưỡng cũng đòi hỏi chính quyền Mỹ phải phản đối các khoản vay mà các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Phát triển châu Á cấp cho Triều Tiên. Việc này góp phần bồi thêm sức nặng về mặt đạo đức cho những nỗ lực quốc tế nhằm cô lập Triều Tiên cả về mặt ngoại giao và kinh tế.
Thực tế những năm gần đây cho thấy ngày càng nhiều quốc gia, ngân hàng, doanh nghiệp đã ngừng giao dịch thương mại với Bình Nhưỡng. Vì vậy, việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ cho khủng bố sẽ khiến các đối tác thương mại mới ngần ngại khi quan hệ với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách trên không giải quyết được vấn đề hạt nhân Triều Tiên hoặc có thể khiến Bình Nhưỡng tiến hành các hoạt động đáp trả gay gắt hơn như tiến hành thêm nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa, thậm chí tấn công quân sự. Thế nhưng, đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử như vậy để hoàn thiện quá trình phát triển chương trình vũ khí của mình cũng như để cho Mỹ thấy được khả năng của Bình Nhưỡng trong việc đe dọa Washington và các đồng minh của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Đối với những lập luận cho rằng việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố sẽ làm phức tạp nỗ lực đưa Triều Tiên trở lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, thì bản thân Bình Nhưỡng lâu nay vẫn một mực tuyên bố rằng đàm phán 6 bên đã chết. Triều Tiên cũng khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố hôm 20-11. |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á Joseph Yun từng nói rằng bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của Mỹ nhằm đối thoại với Triều Tiên, “Mỹ đã không có bất kỳ mối liên hệ nào từ Triều Tiên… không nhận được bất kỳ tín hiệu nào từ phía Triều Tiên”. Việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố là cần thiết.
Nhấn chìm các nỗ lực ngoại giao
Giới phân tích cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố có thể nhấn chìm các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng đang gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên.
Trên thực tế, Triều Tiên trước đây từng nằm trong danh sách các nước bảo trợ khủng bố, nhưng đã được đưa ra khỏi danh sách này vào năm 2008. Động thái này là để mở đường cho Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc tổ chức đàm phán với chính quyền Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của nước này (còn gọi là cơ chế đàm phán 6 bên). Mặc dù cơ chế này đã bị “phá sản”, nhưng Triều Tiên từ đó đến nay vẫn được đứng ngoài danh sách này.
Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Seoul và Tokyo, đều ủng hộ việc chính quyền Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách bảo trợ khủng bố vì cho rằng động thái đó sẽ gây áp lực buộc Bình Nhưỡng phải giải giáp hạt nhân. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại không đồng tình với nhận định này. Rất nhiều người cho rằng hành động này (sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền độc tài của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) sẽ phát đi những “thông điệp lộn xộn” về mục đích của Washington.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thực thi chính sách gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên, một chiến lược bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế và hạn chế thương mại với mục tiêu buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, quyết định trên của chính quyền Donald Trump lại không được xem là động thái có lợi theo cách suy luận này.
Giới phân tích cho rằng việc gây sức ép được cho là nhằm tìm kiếm một số giải pháp ngoại giao, song trên thực tế điều này chỉ khiến Triều Tiên thêm bối rối và ban lãnh đạo nước này gặp khó trong việc ứng xử với các tín hiệu ngoại giao trong tương lai. Rõ ràng chưa thể hiểu mục đích của việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách bảo trợ khủng bố là gì nếu coi ngoại giao là công cụ chính. Chắc chắn đây không phải là một bước đi nhằm kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.