“Bầu sữa” của WHO đang cạn kiệt

Thứ Ba, 01/06/2021, 10:58
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí nghiêm trọng, làm cản trở các hoạt động khẩn cấp và đặt cơ quan này vào “mối nguy hiểm lớn” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành mạnh trên toàn cầu.


Thiếu hụt hơn 70% kinh phí

Hãng PressTV ngày 26-5 dẫn lời Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế tại WHO - ông Mike Ryan cho hay, việc thiếu hụt tài trợ hơn 70% tổng số tiền đáng lẽ phải nhận được đã khiến tổ chức có nguy cơ không thể duy trì các chức năng cốt lõi cho các ưu tiên khẩn cấp. Phát biểu tại kỳ họp thường niên của WHO, ông Mike Ryan đã nhắc lại lời kêu gọi từng được đưa ra hồi tháng 2 rằng tổ chức này cần 1,96 tỷ USD để ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm nay. 

“Thiếu tài chính và ngân quỹ sẽ khiến WHO gặp khó khăn trong việc hỗ trợ nhanh chóng và linh hoạt cho các quốc gia gặp nhiều rắc rối về đại dịch”, ông Mike Ryan thừa nhận.

Giới phân tích nhận định, WHO gặp khó khăn về ngân sách sau khi Mỹ, nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất của tổ chức này, tuyên bố dừng tài trợ và rút khỏi WHO hồi năm ngoái theo quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump. Khi đó, ông Donald Trump cáo buộc WHO phản ứng chậm với đại dịch COVID-19 và quá tin tưởng vào Trung Quốc. 

Mặc dù đến đầu năm nay, khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm và đình chỉ tiến trình rời khỏi WHO, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với WHO... nhưng mọi chuyện vẫn dừng ở lời nói. Thống kê của WHO cho hay, trong năm 2019, Mỹ đã đóng góp cho tổ chức này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.

Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế tại WHO Mike Ryan cảnh báo thiếu hụt ngân sách. Ảnh: WHO.

Vì thiếu thốn, khó khăn đủ bề nên từ tháng 11-2020, WHO đã đình chỉ viện trợ quan trọng của mình cho khoảng 10.000 nhân viên y tế ở Yemen. Thời điểm đó, đại diện của WHO tại Yemen buộc phải ra thông báo: “Do thâm hụt tài chính chưa từng có, WHO và các đối tác y tế đã không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho lực lượng chăm sóc sức khỏe ở Yemen. Hơn 10.000 nhân viên y tế bị ảnh hưởng. Chúng tôi cần nhiều quỹ hơn bao giờ hết để cho phép tiếp tục hỗ trợ này”. 

Trước đó, vào tháng 9-2020, Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng ra cảnh báo khi viện trợ bị cắt tại 300 trung tâm y tế ở Yemen do thiếu kinh phí. Chưa hết, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8-2020, hơn 1/3 các chương trình nhân đạo quan trọng của LHQ tại một số quốc gia đang xảy ra xung đột đã bị cắt giảm hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn. Riêng ở Yemen, Lise Grande, điều phối viên nhân đạo của LHQ về Yemen cho biết, chỉ nhận được 1 tỷ USD trong số 3,2 tỷ USD cần thiết phải có. “Một tình huống bất khả thi. Đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Chúng tôi không có đủ nguồn lực cần thiết để cứu những người đang đau khổ và sẽ chết nếu không được giúp đỡ", Lise Grande nói.

Đi tìm nguồn tiền

Tổ chức Y tế thế giới là một cơ quan chuyên môn của LHQ, đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế. Trụ sở của WHO đặt tại Geneva, Thụy Sĩ với mức ngân sách khoảng 4 tỷ USD trong đó có 930 triệu USD được cung cấp bởi các quốc gia thành viên và hơn 3 tỷ USD từ đóng góp tự nguyện. Như vậy là WHO có 2 nguồn tiền khác nhau. Các quốc gia thành viên đóng góp theo tỷ lệ phần trăm trong GDP (không quá 20%). 

Tỷ lệ này đã được Đại hội đồng LHQ nhất trí và được các quốc gia thành viên phê duyệt 2 năm một lần tại Đại hội đồng Y tế thế giới. Tuy các khoản đóng góp bắt buộc này chỉ chiếm chưa đến 1/4 tài chính của WHO nhưng nó vẫn được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng cho tổ chức, cung cấp mức độ có thể dự đoán được, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào cơ sở tài trợ hạn hẹp và cho phép các nguồn lực phù hợp với ngân sách chương trình.

Thiếu tiền khiến WHO đứng trước mối nguy hiểm lớn, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành mạnh trên toàn cầu. Ảnh: Getty.

Trong những năm gần đây, các khoản đóng góp tự nguyện đã chiếm hơn 3/4 tài chính của WHO và được phân thành 3 loại tùy theo mức độ linh hoạt của tổ chức trong việc quyết định chi tiêu. Đầu tiên là đóng góp tự nguyện cốt lõi hoàn toàn vô điều kiện, có nghĩa là WHO có toàn quyền quyết định về cách sử dụng. Con số này chiếm 3,9% tổng số tiền đóng góp tự nguyện. Thứ nữa là quỹ tham gia chiến lược và chuyên đề nhằm đáp ứng các yêu cầu của tổ chức hoặc quốc gia đóng góp về báo cáo và trách nhiệm giải trình đồng thời cung cấp một mức độ linh hoạt nhất định trong việc phân bổ tiền. 

Các quỹ này cung cấp nguồn vốn riêng bằng cách giúp thúc đẩy sự tập trung mạnh mẽ hơn của WHO vào kết quả, đồng thời thực hiện các ưu tiên của thành phần đóng góp. Khoản này chiếm 6% trong tổng số tiền đóng góp tự nguyện. Cho đến nay, các nhà tài trợ chuyên đề chính của WHO gồm: Đức, Ủy ban châu Âu và Nhật Bản. Năm 2019, WHO đã nhận được 190 triệu USD trong quỹ chuyên đề, tăng hơn con số 137 triệu USD vào năm 2018. Cuối cùng là các khoản đóng góp tự nguyện cụ thể chiếm 90,1% tổng số các khoản đóng góp tự nguyện. Các khoản này được gắn chặt với các kế hoạch hoặc vị trí địa lý cụ thể và phải được sử dụng trong một khung thời gian cụ thể.

Cho đến nay, có 45 quốc gia thành viên đã thanh toán đầy đủ hội phí trong tất cả các năm; 77 quốc gia chỉ nợ tiền hội phí một năm (chủ yếu là năm 2021) nhưng có tới 74 quốc gia chưa thanh toán từ trước ngày 1-1-2020. Riêng Somalia thì nợ tới 9 năm tiền phí hội viên trong khi nước này chỉ phải trả mức tối thiểu là 4.790 USD/năm. 

Mỹ vẫn là nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách cốt lõi của WHO với mức tối thiểu là 115 triệu USD/năm nhưng phần lớn thường là 450 triệu USD/năm. Năm 2020, dù tuyên bố rời WHO hồi tháng 7, WHO vẫn nhận khoản tài trợ tự nguyện là 316 triệu USD. WHO quy định, các quốc gia không trả tiền sẽ mất quyền bỏ phiếu trong Đại hội đồng Y tế thế giới. Năm 2019, Cộng hòa Trung Phi, Comoros, Guinea-Bissau, Nam Sudan, Gambia, Ukraine và Venezuela đều bị cấm bỏ phiếu.

Và dòng tiền chi tiêu

Hãng CNN cho hay, tổng ngân sách chương trình đề xuất của WHO giai đoạn 2020-2021 là 4,84 tỷ USD, tăng 9% so với 2 năm trước. Ngoài ra, còn có 1 tỷ USD được dành cho các hoạt động khẩn cấp. Ngân sách của WHO được phân chia giữa 6 văn phòng khu vực và trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sĩ. Các quỹ được phân bổ vào các chương trình cơ sở có 6 loại: bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; nâng cao sức khỏe thông qua quá trình sống (về cơ bản là sự kết hợp của các chương trình sức khỏe bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi); hệ thống y tế; các chương trình khẩn cấp về sức khỏe; các dịch vụ công ty bao gồm chi tiêu để cải thiện quản trị, lãnh đạo và quản lý chương trình. 

WHO có trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sĩ.

Ngoài ra còn có các dòng ngân sách riêng cho các chương trình đặc biệt như nghiên cứu bệnh nhiệt đới và một bộ phận nghiên cứu khoa học mới được giới thiệu vào năm 2019; một dòng ngân sách dành cho việc loại trừ bệnh bại liệt. Đặc biệt là một số trường hợp khẩn cấp về y tế, chẳng hạn như ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Yemen và Nam Sudan, ngân sách của WHO hiếm khi được chi trực tiếp vào việc cung cấp các dịch vụ hoặc chương trình y tế. 

Thay vào đó, số tiền này chủ yếu được sử dụng để tư vấn khoa học và kỹ thuật cho các chính phủ. Việc này bao gồm giúp phát triển các chính sách y tế: từ thu thập và sử dụng dữ liệu đến các bằng chứng nghiên cứu khoa học khác và cung cấp đào tạo. Một khía cạnh quan trọng trong công việc của WHO cũng liên quan đến việc đưa ra các hướng dẫn để thực hiện các chương trình y tế khác nhau và ứng phó với các thách thức y tế lớn cũng như chia sẻ kiến thức giữa các quốc gia. Trong số các văn phòng khu vực của WHO, văn phòng ở châu Phi nhận được phần ngân sách cao nhất dành cho các chương trình cơ sở, tiếp theo là Đông Địa Trung Hải (chủ yếu là các quốc gia ở Tây Á và Bắc Phi) và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, gần 1/3 ngân sách cho 6 hạng mục chương trình cốt lõi được giữ lại tại trụ sở chính của WHO, nơi diễn ra hầu hết các nghiên cứu khoa học, điều phối và biên soạn bằng chứng toàn cầu. Các bệnh truyền nhiễm nhận được số tiền tài trợ cao nhất là 805 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019, 36% trong số đó được chi ở châu Phi. Các chương trình tăng cường hệ thống y tế, bao gồm hỗ trợ phát triển các chiến lược y tế quốc gia, hệ thống thông tin y tế và các dịch vụ y tế thiết yếu nhận được 590 triệu USD. Chương trình cấp cứu y tế cũng nhận được 554 triệu USD, phần lớn được chi cho châu Phi và Tây Á.

Từ khi được thành lập, WHO đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế.

Ngân sách cho việc xóa bỏ bệnh bại liệt, chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản đóng góp tự nguyện lên tới gần 1 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2019 với hơn 500 ngàn USD đến châu Phi và Tây Á. Các quỹ này hỗ trợ trực tiếp cho một số lượng đáng kể nhân viên kỹ thuật, cũng như một số chi phí khác như vận chuyển và thiết bị gián tiếp ở các khu vực này. Vì bệnh bại liệt đã được xóa sổ hoặc đang trên đà tiêu diệt ở hầu hết các quốc gia, có một số lo ngại về các kế hoạch thay thế để tài trợ cho công việc của các nhân viên kỹ thuật khi số tiền cụ thể dành cho bệnh bại liệt ngừng lại.

Còn nay, với việc cộng đồng toàn cầu đang tăng cường ứng phó với đại dịch COVID-19 và đánh giá lại các phản ứng phối hợp, điều quan trọng là WHO phải có nguồn tài chính và sự linh hoạt trong việc phân bổ chúng để phát triển và thực hiện các giải pháp cho các thách thức sức khỏe toàn cầu mới.

Các thành viên của WHO hiện đang nợ hơn 700 triệu USD nhưng rất khó để tổ chức này quy trách nhiệm cho các quốc gia. Hai quốc gia chiếm hơn một nửa hội phí thành viên chưa thanh toán là: Mỹ (nợ 196 triệu USD) và Trung Quốc (nợ 57 triệu USD). 151 quốc gia thành viên nợ 473 triệu USD.        

Ngọc Khuê
.
.