Biển Azov, chiến trường mới giữa Nga và Ukraine?
Họ cho rằng Moskva đang tính “hất cẳng” Ukraine ra khỏi Biển Azov. Đâu là chân tướng sự việc và Biển Avov là nơi như thế nào?
Vụ đối đầu hôm 25-11 là hậu quả của những tháng mâu thuẫn gia tăng về việc tàu bè đi lại trong Biển Azov, một vùng biển giữa Ukraine và Nga ở phía bắc Biển Đen. Ukraine cáo buộc Nga liên tục bắt giữ tàu thuyền của họ ra vào các cảng trên Biển Azov, nhất là ở Mariupol và Berdyansk, nhằm phá vỡ hoạt động thương mại. Phía Moskva cáo buộc Ukraine quấy rối các tàu Nga và nói rằng việc Nga kiểm tra tàu Ukraine là hợp pháp và cần thiết để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 25-11 cho biết các tàu - gồm 2 thiết giáp hạm loại nhỏ và 1 tàu kéo - đã xâm nhập lãnh hải Nga bất hợp pháp. Nga cáo buộc các tàu này hoạt động nguy hiểm, phớt lờ những chỉ dẫn từ phía Nga và có ý định khuấy động căng thẳng. Ukraine nói họ đã thông báo trước hải trình của 3 chiếc tàu này cho chính quyền Nga và phủ nhận họ đã làm bất cứ điều gì sai trái.
Kiev đổ lỗi cho Nga khiến khối lượng hàng hóa ra vào các cảng của Ukraine ở Biển Azov giảm 30% kể từ đầu năm đến nay. Xuất khẩu từ Mariupol đã giảm 6% và nhập khẩu giảm gần 9%, trong khi xuất khẩu từ Berdyansk giảm 12,3%. Sau khi sáp nhập vào Nga, Bán đảo Crimea chỉ có đường bộ nối với Ukraine. Mọi liên lạc với Nga đều đi bằng máy bay lên thẳng hoặc tàu phà.
Cầu nối giữa Crimea với nước Nga. |
Hồi tháng 5, Nga khánh thành cây cầu trị giá 3,6 tỷ đôla từ đất liền băng qua eo biển Kertch tới Crimea. Kiev cho rằng cầu được xây thấp khiến một số tàu không đi qua được, gây cản trở hoạt động thương mại ở đó.
Thực tế thì việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine ngày 25-11 khi các tàu này đi qua eo biển Kertch, dưới cây cầu trên. Eo biển Kertch là cửa ngõ nối biển Hắc Hải với Biển Azov. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 2 tháng gần đây, các tàu hải quân Ukraine đi qua eo biển này để tiến vào Biển Azov. Có lần tàu quân sự của Ukraine còn được máy bay do thám của Mỹ dẫn đường, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 5-10.
Trước đây, khi Crimea còn thuộc Ukraine thì việc đi lại trên của hải quân Ukraine là hết sức bình thường. Tuy nhiên, kể từ sau năm 2014, chính quyền Crimea tách khỏi Ukraine, xin sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Điều này đồng nghĩa với việc những vùng lãnh hải thuộc quyền quản lý của chính quyền Crimea trước kia cũng sẽ được tự động chuyển về chính quyền Moskva. Một phần eo biển Kertch nằm trong số đó.
Từ đó đến nay, hải quân Ukraine vẫn thường đi qua eo biển này mà không gặp khó khăn gì do phía Nga “làm ngơ”. Tuy nhiên, gần đây chính quyền Kiev một mặt muốn xây dựng căn cứ hải quân trong Biển Azov, mặt khác vẫn tích cực chống Nga trên mọi mặt trận. Đây có lẽ là lý do Nga muốn “dằn mặt” Kiev.
Sau vụ Nga bắt giữ tàu của Ukraine hôm 25-11, các nước phương Tây cho rằng Biển Azov có nguy cơ biến thành mặt trận thứ ba sau Crimea và Donbass. Tổ chức tư vấn European Council on Foreign Relations cho rằng Moskva dường như quyết tâm đẩy lui Ukraine khỏi vùng biển này, bằng cách khiến các cảng của Ukraine ở Biển Azov phải đóng cửa. Nhưng, thực tế cho thấy tranh chấp quyền kiểm soát Biển Azov và eo biển Kertch không phải là chuyện mới.
Căng thẳng bùng phát vào năm 2003 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Vladimir Putin. Tình hình lắng dịu đi với hiệp ước song phương ký năm 2003 quy định rằng cả hai nước đều được tự do sử dụng eo biển Kertch và Biển Azov để vận chuyển thương mại và phải thông báo cho nhau khi đưa tàu quân sự đến đó. Cho nên sự cố ngày 25-11-2018, không phải là một giai đoạn thù hằn mới giữa Nga và Ukraine mà chỉ là “sự tiếp nối”.
Một số chính trị gia đối lập Ukraine cho rằng sự việc ngày 25-11 là bình thường và sẽ được giải quyết một cách mau chóng thông qua hiệp ước hai nước đã ký về Biển Azov nhưng Tổng thống Ukraine Poroshenko cố tình gây ra bế tắc để đánh bóng tên tuổi của mình trước cuộc bầu cử sắp tới. Và việc ông ra thiết quân luật ngày 26-11 như là một cái cớ để trì hoãn cuộc bầu cử trên.
Thực vậy, chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kertch và Biển Azov được xác định rất rõ ràng và được quốc tế thừa nhận. Vùng lãnh hải này là biển nội địa, nửa kín và được quản lý theo điều khoản số 123 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quy định Nga và Ukraine phải “hợp tác trên mọi lĩnh vực hàng hải, kể cả việc tiếp cận eo biển”.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chuyện Mỹ hay nhiều nước phương Tây điều tàu chiến qua lại eo biển Kertch nhân danh “tự do lưu thông hàng hải” được bởi vì mọi ý định và mục đích tại vùng nước và eo biển này đều liên quan đến quyền sở hữu và tài phán của Nga và Ukraine.
Luật lệ quốc tế nêu rõ mọi giải pháp đều phải thông qua các thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine, nhất là vì cả hai nước đã ký kết một đồng thuận về việc hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan đến eo biển. Tuy nhiên, căn cứ theo bản thỏa thuận gốc giữa Nga và Ukraine liên quan đến eo biển thì Kiev vẫn có thể mời tàu chiến Hoa Kỳ hay NATO ghé thăm các cảng biển nước này.
Trong khuôn khổ văn bản này, ngày 29-11, Tổng thống Ukraine Petro Porochenko đã đề nghị các nước thành viên trong khối NATO và nhất là Đức triển khai tàu chiến tại Biển Azov nhằm hỗ trợ nước này đối phó với Nga. Chỉ có điều một chiến dịch như thế rất có thể sẽ bị xem như một hành động khiêu khích và có nguy cơ gánh những đòn trả đũa từ Nga.
Bất kỳ phản ứng quân sự nào từ Ukraine đều có nguy cơ kích động một phản ứng mạnh từ phía Nga, nước có Hạm đội Biển Đen túc trực ở Crimea và và có hỏa lực áp đảo hải quân Ukraine.