Biển Đông “phủ sóng” khắp nơi
Biển Đông nóng tại các diễn đàn quốc tế
Ngày 4/8, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) đã khai mạc tại Malaysia. Diễn đàn ARF là điểm hẹn của ASEAN với các đối tác quan trọng trong vùng châu Á Thái Bình Dương, từ Mỹ đến Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Australia, từ Ấn Độ đến Nga.
Theo một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sẽ là trọng tâm của ARF lần này mặc dù vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức: ASEAN cũng như Mỹ quan ngại trước quy mô, tầm mức, nhịp độ và sự can dự của Trung Quốc trong các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo.
Vẫn theo quan chức nói trên, ARF và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN là cơ hội để các nước Đông Nam Á trực tiếp bày tỏ quan ngại với phía Bắc Kinh về những hành vi mà nhiều quốc gia coi là mang tính khiêu khích.
Biết trước được những sức ép ghê gớm đang chờ đón, Chính phủ Trung Quốc nói rằng, các nước Đông Nam Á không nên đưa vấn đề Biển Đông ra để thảo luận. Phát biểu với Hãng thông tấn Reuters ngày 3/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Minh cho rằng, cuộc gặp hàng năm giữa các nước ASEAN và những quốc gia khác nhắm vào mục đích cổ vũ hợp tác, xây dựng quan hệ trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, ông nói rằng đây không phải là nơi để bàn thảo về chuyện Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ lên tiếng phản đối nếu Mỹ nêu vấn đề Biển Đông trong phiên họp năm nay, kêu gọi thêm những nước không thuộc ASEAN đừng nên can dự vào “chuyện nội bộ” của tổ chức này.
Trung Quốc tìm cách né tránh thảo luận các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tại cuộc gặp gỡ với ASEAN từ ngày 4 đến 6/8/2015. |
Một tuần trước đây, cuộc gặp lần thứ chín giữa quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc, diễn ra tại Thiên Tân, đã thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông-DOC.
Tin từ Bắc Kinh cho hay, trong vai trò trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Minh có nói rằng, những tranh chấp đang xảy ra ở Biển Đông chỉ là “chuyện tạm thời”, và Bắc Kinh tin tưởng sẽ cùng với ASEAN xây dựng ổn định cũng như đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trong cuộc họp này, phía Trung Quốc cũng khẳng định sẽ phản đối sự can thiệp không cần thiết của một số nước bên ngoài, ý muốn nói đến Mỹ và Nhật Bản, là những quốc gia thường xuyên lên tiếng tố cáo Trung Quốc đang có những hành động gây bất ổn cho khu vực, kể cả những hành động cải tạo, xây dựng các hòn đảo ở Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 3/8 tại Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói với báo chí rằng, tại cuộc họp ở Thiên Tân, ASEAN và Trung Quốc có thảo luận về ý kiến lập đường dây điện thoại nóng để giải quyết những trường hợp khẩn cấp nếu xảy ra ở Biển Đông, khu vực đang được thế giới chú ý đến vì là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với nhiều nước trong khu vực. Dự kiến vấn đề đường dây nóng có thể sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào ngày 4/8.
Theo nhận xét của một quan chức giấu tên Philippines, các lãnh đạo ASEAN hy vọng đường dây nóng sẽ giúp làm dịu căng thẳng do bất đồng trong các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Người này cho hay Philippines hoan nghênh cơ chế mới để tránh xảy ra những sự vụ và sự tính toán sai lầm. Đường dây nóng là một biện pháp giúp các bên xây dựng lòng tin, giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định, giảm căng thẳng trong khu vực.
Đường dây nóng này là cơ chế đầu tiên liên quan đến Trung Quốc, trong khi Philippines và Việt Nam đã có đường dây nóng của hải quân từ năm 2014 để theo dõi tranh chấp ở Biển Đông.
Các chuyên gia độc lập cho rằng, tuy đường dây nóng giải quyết khẩn cấp các vấn đề trên Biển Đông là một bước tiến khả quan, nhưng Bản tuyên bố DOC trên Biển Đông mới là điều quan trọng nhất cần phải thực hiện. Được ký năm 2002, DOC (có chữ ký của Trung Quốc) yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng.
Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman hôm 1/8 đã tỏ ý lạc quan về các tiến triển có thể đạt được trong cuộc đàm phán giữa khối ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), nhưng không giấu nỗi lo ngại về nguy cơ các diễn biến gần đây ở Biển Đông đe dọa hòa bình và an ninh chung.
Người Philippines biểu tình chống Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông. |
ASEAN trong thời gian qua đã hối thúc việc thành lập một bộ quy tắc COC có tính cách ràng buộc với Trung Quốc, theo đó Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không nên có bất cứ hành động nào có thể khơi mào cho một cuộc xung đột trên biển.
Tuy nhiên, phát biểu trước tòa án thường trực Liên Hiệp Quốc tại La Haye, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định: Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm mọi cách để phá hỏng mọi cố gắng xây dựng COC: “Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc trong 13 năm qua đã khiến bộ Quy tắc ứng xử COC trở thành mục tiêu gần như không thể với tới”.
Chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Stanford- Mỹ, Donald Emmmerson, dự báo Bắc Kinh không bao giờ muốn có COC. Và cho dù là có phê chuẩn bộ luật đó đi chăng nữa thì trên thực tế Trung Quốc cũng sẽ không tôn trọng, bởi vì văn bản này mang tính ràng buộc và hạn chế tầm hoạt động của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Chuyên gia về Đông Nam Á, Donald Emmerson khuyên các nước ASEAN chớ nên nuôi ảo tưởng về bộ quy tắc COC.
Nội bộ Mỹ sôi sục vì Biển Đông
Phản ứng của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây đối với các hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn một cách rõ rệt. Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, trong nội bộ chính quyền Mỹ, vẫn tồn tại những bất đồng quan điểm giữa giới tướng lĩnh, muốn phản ứng mạnh hơn để răn đe Trung Quốc, và giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao, không muốn gây sứt mẻ trong quan hệ với Bắc Kinh.
Tờ báo Mỹ chuyên về chính trị Politico ra ngày 31/7 đã có bài phân tích nêu bật quan điểm chung của Washington hiện nay: Hải quân Mỹ cho tàu thuyền hoặc máy bay tiến vào vùng biển chung quanh hay không phận bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại vùng Trường Sa của Việt Nam.
Theo tờ Politito, dù quan điểm chung là như vậy, nhưng trong hành động thực tế, tình hình có khác, và hiện nay một số chỉ huy cao cấp của Hải quân Mỹ trên hiện trường có mâu thuẫn với giới lãnh đạo tại Washington về việc nên hay không nên cho tàu Hải quân tiến hẳn vào bên trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Một số lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng, cần phải chứng tỏ bằng hành động cụ thể quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, trong lúc các quan chức chính phủ, hay các lãnh đạo ngoại giao thì lại dè dặt hơn, vì muốn xử lý tốt một giai đoạn khá tế nhị trong quan hệ Mỹ-Trung. Đối với các chỉ huy quân sự, cũng như một số nghị sĩ được liệt vào diện “diều hâu”, Mỹ phải cho thấy rõ thái độ không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bằng việc cho chiến hạm Mỹ tiến sâu vào bên trong vùng lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo vừa bồi đắp của Trung Quốc.
Theo những người ủng hộ quan điểm cứng rắn này, nếu không làm vậy, Mỹ đã mặc nhiên chấp nhận các động thái gây bất ổn của Trung Quốc, đang khiến cho các đồng minh hay đối tác của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản, Philippines hết sức lo ngại.
Thượng nghị sĩ John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ khẳng định: “Mỹ sẽ luôn đứng cạnh Việt Nam trong duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. |
Trả lời báo Politico, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã không ngần ngại tố cáo thái độ dè dặt của chính quyền: “Chúng ta tiếp tục giới hạn hoạt động của Hải quân Mỹ ở bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo đá đã được Trung Quốc cải tạo. Đây là một sai lầm nguy hiểm vì là một sự mặc nhiên công nhận các yêu sách chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc”.
Mới đây tại lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ chủ trì diễn ra tại thủ đô Washington DC sáng 31/7, ông McCain cũng đã khẳng định: “Mỹ sẽ luôn đứng cạnh Việt Nam trong duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông”.
Tuyên bố của ông McCain là một lời cam kết có thể nói là rất mới và rất “đắt giá” trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ đang có những bước tiến lớn xích lại gần nhau với nỗ lực gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và Biển Đông đang trở thành một trong những mối quan tâm chung của hai bên.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 5 vừa qua cùng đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ, ông McCain cũng đã khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Quan điểm cứng rắn của Thượng nghị sĩ McCain cũng là lập trường của Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Ông là người ủng hộ tích cực việc phái tàu chiến tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc.
Theo báo Politico, các nguồn tin từ quân đội và từ chính quyền Mỹ đã thừa nhận, rằng các bất đồng quan điểm nói trên thực sự tồn tại trong hậu trường, và tranh luận đã nổi lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị có dịp gặp nhau trong khuôn khổ các hội nghị của khối ASEAN tại Malaysia trong tuần này, và nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Mỹ trong tháng 9 tới.
Câu hỏi đặt ra là cho đến nay, Hải quân Mỹ đã từng thách thức Trung Quốc tại khu vực Trường Sa hay chưa? Vào tháng 5/2015, Hải quân Mỹ đã xác nhận một vụ “chạm trán” gần vùng Trường Sa giữa chiến hạm tối tân nhất của Mỹ là chiếc USS Fort Worth, và tàu Trung Quốc. Nhưng Hải quân Mỹ vẫn giữ kín về địa điểm cụ thể nơi xảy ra vụ việc.
Thái độ cố tình mập mờ kể trên được cho là bắt nguồn từ tình hình tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ giữa giới lãnh đạo dân sự và giới chỉ huy quân sự Mỹ, về việc có nên phản ứng mạnh trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông hay không.
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Ðông không những tạo căng thẳng an ninh giữa các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến an ninh và hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) trên Biển Ðông.
Hơn 5.000 tỉ USD hàng hóa các loại được chuyển vận qua Biển Ðông mỗi năm. Nếu hải lộ này bị cấm cản, nền kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi khủng hoảng nghiêm trọng. Trung Quốc từng nộp tại Ủy hội Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) tấm bản đồ Biển Ðông với chín vạch chủ quyền, mà người ta thường gọi là “đường lưỡi bò”, bao gồm đến 90% diện tích vùng biển này, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines. Việt Nam và các nước khác trong khu vực đã phản bác.
Nếu Biển Ðông với “đường lưỡi bò” trở thành “ao nhà” của Trung Quốc thì hậu quả khủng khiếp của nó thế nào đã từng được phân tích nhiều trong thời gian gần đây trên các diễn đàn thời sự chính trị quốc tế.