Biển Đông vẫn nóng

Chủ Nhật, 15/11/2015, 15:00
Hãng thông tấn Reuters trích lời giới chức Lầu Năm Góc hôm 12/11 cho biết, các pháo đài bay của Mỹ đã bay trong đêm 8 và 9/11, và bay vào khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng không đi vào vùng không gian 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền.

“Các máy bay B52 này đã bay bình thường trên Biển Ðông”- ông Bill Urban, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói, và cho biết máy bay xuất phát từ đảo Guam và trở về an toàn. Ông Urban cũng thông tin thêm rằng, các đài kiểm soát bên dưới của Trung Quốc có bắt liên lạc với hai máy bay này, nhưng các phi công vẫn tiếp tục bay bình thường.

“Chúng ta luôn thực hiện các chuyến bay này trong vùng trời quốc tế”- Peter Cook, một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc, nói tại một cuộc họp báo ngày 12/11. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng gì về vụ việc này.

Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia dọa kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Vấn đề nóng thứ hai ở Biển Đông phải kể đến là việc Indonesia dọa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta ngày 11/11, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia, lên tiếng khuyến cáo rằng, Indonesia cũng có thể kiện Trung Quốc trước một tòa án quốc tế nếu yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn vùng Biển Đông và một phần lãnh thổ Indonesia không được giải quyết thông qua đối thoại.

Ông Panjaitan xác định rằng, Jakarta đang làm việc hết sức chặt chẽ với Bắc Kinh trên vấn đề yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông "liếm" vào vùng quần đảo Natuna của Indonesia. Ông nói: “Chúng ta (tức là Indonesia) mong muốn thấy một giải pháp về vấn đề này trong tương lai gần thông qua đối thoại, bằng không thì chúng ta có thể đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế”.

Đối với lãnh đạo cao nhất của ngành an ninh Indonesia hiện nay, Jakarta “không muốn thấy bất kỳ một sự triển khai sức mạnh nào trong khu vực này (Biển Đông)". Tuy nhiên, cái gọi là “đường 9 đoạn” là một vấn đề mà Indonesia đang phải đối phó, nhưng không phải chỉ riêng Indonesia mà còn trực tiếp tác động đến các lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines.

Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với gần như toàn bộ Biển Đông được thể hiện trên một tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) bao trùm vùng biển trung tâm của Đông Nam Á, ăn luôn vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong vùng, trong đó có khu vực quần đảo tiền tiêu Natuna, được cho là giàu tiềm năng khí đốt của Indonesia.

Tuy Indonesia không phải là một bên yêu sách chủ quyền ở Biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, nhưng Jakarta rất bất bình trước việc yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông "liếm" vào một phần quần đảo Natuna.

Đối với Jakarta, "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Từ ngày 8/7/2010, Indonesia cho lưu chiểu tại Liên Hiệp Quốc công hàm không chấp nhận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Máy bay B52 của Mỹ bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc tự bồi đắp ở Biển Ðông.

Lời khuyến cáo của Indonesia được đưa ra trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực vừa đưa ra phán quyết tuyên bố cơ quan này đủ thẩm quyền xem xét một số nội dung đơn kiện của Philippines, bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Tòa án không đủ thẩm quyền để xét xử vụ này.

Một vấn đề khác không kém phần thu hút dư luận quốc tế là những vấn đề sau khi diễn ra chuyến tuần tra Biển Đông của chiến hạm Mỹ USS Lassen vào cuối tháng 10 vừa qua. Ngày 10/11, trang mạng của Viện Hải quân Mỹ USNI đã đăng tải nội dung bức thư của Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ công bố rõ ràng các mục tiêu của khu trục hạm USS Lassen khi đi vào phạm vi 12 hải lý chung quanh Đảo đá Subi, một trong những đảo mà Trung Quốc đang bồi đắp phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam.

Theo những thông tin từ Nhà Trắng, cuộc tuần tra này, diễn ra vào cuối tháng 10, là nằm trong khuôn khổ chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, vì Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển chung quanh các đảo nhân tạo này.

Cho tới nay, Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ vẫn làm theo chỉ thị của Nhà Trắng, tức là không cung cấp các chi tiết về chuyến tuần tra của khu trục hạm USS Lassen. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc hôm 12/11 trả lời trang thông tin USNI là họ sẽ không cung cấp bất cứ thông tin nào về chuyến tuần tra này.

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, ông McCain kêu gọi các hành động này không được để cho mọi người hiểu sai về chủ đích của Mỹ. “Tôi tin Bộ Quốc phòng cần giải thích rõ một cách công khai về chủ đích pháp lý nằm đằng sau hoạt động tuần tra nói trên cũng như những hoạt động tương tự như thế trong tương lai”- ông McCain viết trong bức thư.

Washington nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình rằng, các đảo nhân tạo khổng lồ mà Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa không được công nhận để làm căn cứ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ như ấn định trong Công ước UNCLOS. Ðây chỉ là những bãi đá san hô ngầm, chỉ nhìn thấy một chút mỏm bên trên khi thủy triều xuống thấp.

Sau chuyến tuần tra của khu trục hạm USS Lassen, Bắc Kinh phản ứng, đe dọa sẽ có các hành động thích đáng đáp lại. Gần đây, còn có tin tiết lộ chiến hạm và các máy bay tuần tra của Mỹ sẽ còn đi vào khu vực đó ít nhất hai lần mỗi quý, hoặc có thể nhiều hơn.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng, nếu Mỹ không tổ chức các vụ tập trận ở khu vực đó, coi như vùng biển quốc tế mà chỉ cho chiến hạm đi qua đó theo kiểu “đi ngang qua” một cách “vô tư” thì cũng có thể giúp Trung Quốc gián tiếp khẳng định họ có chủ quyền lãnh thổ ở đó.

Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi Bộ trưởng Carter giải thích rõ những điều về chuyến tuần tra của chiến hạm USS Lassen giống như có ý định thách đố (chủ quyền) hay liệu hành động của nó có nằm trong quy định “vô tư đi qua” (innocent-passage) hay không. “Vô tư đi qua” được xác định là xảy ra khi một chiến hạm đi qua nhanh chóng một vùng biển chủ quyền của nước khác và chỉ có thể xảy ra ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác.

Nếu không xác định rõ, một số chuyên gia phân tích sợ rằng sẽ có tác dụng ngược, tức củng cố cho lời tự tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc vốn không được Công ứớc Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 xác nhận.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.