Biện pháp quản lý đồ uống tăng lực ở một số quốc gia
Chất lượng nước uống tăng lực đang là vấn đề bức xúc tại nhiều nước trên thế giới khi ngày càng xảy ra nhiều hiện tượng "treo đầu dê bán thịt chó" trong sản xuất và tiêu thụ loại hình sản phẩm đặc thù này. Một số quốc gia đã có các biện pháp chặt chẽ để quản lý sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Mỹ
Đồ uống tăng lực được xếp vào hàng “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung” nên bị chính quyền quản lý nghiêm ngặt. Kể từ năm 1994, nước Mỹ đã ban hành hàng loạt các pháp lệnh về đảm bảo chất lượng đồ uống dinh dưỡng thực phẩm bổ sung.
Theo các pháp lệnh này thì Cục Quản lý Dược phẩm, Thực phẩm quốc gia Mỹ (FDA) có chức năng giám sát quản lý chất lượng các loại đồ uống tăng lực. Để đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm, FDA nắm rất chắc quy trình sản xuất, nguyên liệu sử dụng, máy móc của doanh nghiệp sản xuất. Nếu sử dụng nguyên liệu mới thì doanh nghiệp phải ngay lập tức cung cấp số liệu thí nghiệm có liên quan đến nguyên liệu mới này và FDA sẽ thẩm tra lại xem có thực sự an toàn khi sử dụng hay không mới cho phép đưa vào sản xuất.
Nguyên liệu mới sau khi trải qua kiểm tra thẩm định thì được sử dụng rộng rãi nhưng doanh nghiệp phải đăng ký cụ thể. Tất cả các sản phẩm đồ uống tăng lực sử dụng nguyên liệu chưa qua đăng ký hoặc sử dụng quá thấp hay quá cao hàm lượng nguyên liệu đã đăng ký với FDA đều nghiễm nhiên bị xem là hàng giả hoặc hàng kém chất lượng không được phép tiêu thụ trên thị trường Mỹ. Doanh nghiệp sẽ bị phạt nặng và bị tước giấy phép kinh doanh. Ngoài các ký hiệu, thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất, hạn dùng được in trên sản phẩm, nhà sản xuất phải ghi rõ trên sản phẩm khuyến cáo không nên sử dụng sản phẩm của họ để chẩn đoán, trị liệu hay phòng chống bất kỳ loại bệnh tật nào vì ở Mỹ chỉ có các hiệu thuốc và bác sĩ mới được quyền đưa ra những khuyến cáo về bệnh tật và cách điều trị.
Thị trường đồ uống tăng lực ở Mỹ rộng lớn, tăng trưởng nhanh, cạnh tranh khốc liệt nhưng rất hiếm thấy quảng cáo đồ uống tăng lực trên tivi. Việc quảng cáo các sản phẩm loại này được tập trung trên các tạp chí chuyên ngành sức khỏe và thường kèm theo tư vấn của bác sĩ.
Hàn Quốc
Đồ uống tăng lực được xếp vào danh mục hàng thực phẩm. Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Thực phẩm bổ dưỡng sức khỏe cùng hơn 20 quy định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đồ uống tăng lực. Theo đó thì tất cả các cơ sở sản xuất đồ uống tăng lực tại Hàn Quốc hay nhập khẩu từ nước ngoài đều phải có giấy phép của Cục An toàn Thực phẩm, Dược phẩm Hàn Quốc.
Tháng 3/2005, Hàn Quốc đã điều chỉnh lại Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm và cho thành lập Ủy ban Chính sách an toàn thực phẩm do đích thân thủ tướng Hàn Quốc làm chủ tịch.
Thụy Sỹ
Theo Tiến sĩ Thomas Andrew, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Cục An toàn Thực phẩm Thụy Sỹ thì chính phủ nước này thời gian qua đã xây dựng và hoàn thiện bộ pháp quy hoàn chỉnh liên quan đến đảm bảo sức khỏe của người dân, trong đó có các luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là với sản phẩm nước uống tăng lực.
Chính phủ cũng xây dựng đội ngũ cán bộ (850 cảnh sát vệ sinh thực phẩm) thực thi pháp luật có hiệu quả và nghiêm túc. Những cán bộ này có thể kiểm tra bất kỳ một sản phẩm nào đó, nếu có sai phạm họ sẽ lập biên bản xử phạt theo luật định. Năm 2004, lực lượng này đã phát hiện xử lý hàng chục vụ vi phạm quy chế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đồ uống tăng lực chất lượng kém. Đã có hơn 10 công ty lớn nhỏ tại Thụy Sỹ đã bị rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn do làm ăn gian dối