Bolivia khi rời xa “sóng hồng”
“Sóng hồng” (pink tide) được dùng để chỉ thế hệ chính trị gia thiên tả lên lãnh đạo tại các quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latin từ cuối những năm 1990 cho tới nay. Là người khởi xướng phong trào này, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, cùng với cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva và cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales, được cựu Tổng thống Brazil Cristina Fernandez Kirchner coi là “ba chàng lính ngự lâm” của cánh tả tại Nam Mỹ.
Tình hình rối ren
Đụng độ giữa những người ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales và cảnh sát, quân đội đang diễn biến theo chiều hướng bạo lực và khó kiểm soát. Bất ổn trong nhiều tuần cùng tình trạng bị cô lập khiến nguồn cung thực phẩm, giá cả leo thang tại nhiều thành phố lớn và cả thủ đô Sucre.
Quốc hội và Tổng thống lâm thời Jeannie Anez chưa thể tìm kiếm giải pháp ổn định tình hình. Ngay khi tuyên thệ trở thành nguyên thủ quốc gia, cựu Phó Chủ tịch Thượng viện khẳng định sẽ thống nhất và khôi phục đất nước theo con đường dân chủ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, động thái xây dựng nội các gồm chính trị gia bảo thủ theo Thiên Chúa giáo, chống ông Morales, khôi phục các nghi lễ Thiên Chúa giáo tại sự kiện công cộng, cắt đứt liên minh với các chính phủ cánh tả trong khu vực và khước từ tổ chức bầu cử sớm đang cho thấy điều ngược lại.
Hiện tại, Chính phủ lâm thời và cựu Tổng thống Morales vẫn đang “nã pháo” vào đối phương. Chính phủ lâm thời Bolivia tuyên bố sẽ kiện lên tòa án quốc tế tố cáo cựu Tổng thống Evo Morales, cáo buộc ông tổ chức từ nơi tị nạn ở Mexico các hoạt động ngăn cản việc vận chuyển thực phẩm sản xuất tại vùng nông thôn tới nhiều thành phố của Bolivia.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ lâm thời Bolivia Arturo Murillo đã đưa ra thông tin trên sau khi trình chiếu một đoạn video, trong đó có cuộc điện đàm giữa một người được cho là Faustino Yucra - đứng đầu nhóm sản xuất coca và người kia được cho là cựu Tổng thống Evo Morales. Hai nhân vật này đang đề cập tới việc tổ chức biểu tình chống chính phủ của Tổng thống lâm thời Jeanine Anez, phong tỏa các tuyến đường, ngăn chặn việc vận chuyển thực phẩm và người qua lại giữa các vùng nông thôn và thành phố.
Đáp lại, Cựu Tổng thống Evo Morales đã so sánh sự đàn áp của chính phủ lâm thời nhằm vào các cuộc biểu tình với tội diệt chủng. Nhận định này được ông đưa ra trong một cuộc họp báo tại Mexico, nơi ông đã nhận được quy chế tị nạn chính trị.
Bài phát biểu của ông Morales được kênh Telesur TV truyền hình trực tiếp nêu rõ: “Đã có 30 người thiệt mạng tại Boliva sau cuộc đảo chính. Cuộc thảm sát này là một phần của tội diệt chủng vốn đang diễn ra tại Bolivia thân yêu của chúng tôi. Các anh chị em của tôi đã bị sát hại tại đây. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế và các ban ngành, cũng như Giáo hoàng Francis, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác thành lập Ủy ban Sự thật để xem xét các cuộc bầu cử hôm 20/10”.
Ngày 20-10, Tổng thống Evo Morales đã tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 4 trong một cuộc đua mở rộng nhất kể từ khi ông đặt chân vào Phủ Tổng thống Bolivia hồi tháng 1-2006, sau chiến thắng với 54% số phiếu bầu ủng hộ. Kể từ đó, vị tổng thống thổ dân đầu tiên này đã chiến thắng hết cuộc bầu cử này đến cuộc bỏ phiếu khác, với tỷ lệ ủng hộ thường ở mức 60% và khoảng cách lớn với các đối thủ trực tiếp, đồng thời tạo được sự kết nối chặt chẽ với bộ phận thổ dân và quần chúng theo cách mà chưa có người tiền nhiệm nào từng làm.
Nhưng lần này, tình thế đã khác khi chính trị nội bộ bị phân cực, ông Morales đã giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử 20-10 nhưng đối thủ chính của ông, Carlos Mesa, tuyên bố không công nhận chiến thắng của ông Morales trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.
Tổng thống lâm thời Bolivia tuyên bố sẽ bầu cử sớm. |
Bầu cử - chìa khóa cho tương lai
Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez ngày 20-11 đã tuyên bố, bà sẽ phát động bầu cử trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, cả Nga và Mỹ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống lâm thời Jeannie Anez. Ngày 14-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington “ca ngợi bà Jeannie Anez đã có bước đi dũng cảm, trở thành Tổng thống lâm thời để dẫn dắt đất nước qua giai đoạn chuyển giao sang quá trình dân chủ, theo hiến pháp của Bolivia”.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thông báo, Moscow công nhận nghị sĩ đối lập Jeanine Anez là Tổng thống lâm thời của Bolivia và mong tình hình tại quốc gia Nam Mỹ sớm ổn định.
Liệu rằng nỗ lực từ phía chính phủ lâm thời và sự ủng hộ từ phía hai người chơi lớn (Mỹ, Nga) trong khu vực Mỹ Latin này có thể xoa dịu tình trạng lộn xộn ở Bolivia và mở ra một tương lai sáng hơn cho quốc gia này hay không? Có lẽ, chỉ có thể thông qua bầu cử, đặt “số phận” đất nước vào quyền tự quyết của người dân thì Bolivia mới sớm ổn định.
Cho đến nay, giới truyền thông quốc tế vẫn tỏ ra mông lung trong việc định nghĩa sự ra đi của ông Morales, không rõ rằng ông buộc phải ra đi vì “đảo chính” hay ông tự “hạ đài”.
Khi ông Morales lên nắm quyền, Bolivia là quốc gia nghèo nhất Mỹ Latin nhưng các chính sách kinh tế và xã hội của ông đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ nghèo xuống còn 42% và giảm tỷ lệ rất nghèo. Ông Evo Morales là tổng thống bản địa đầu tiên sau nhiều thế kỷ người dân bản địa (chiếm hơn 60% dân số) bị đẩy ra ngoài lề chính trị và kinh tế.
Ông Morales đã thành công trong phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ cập, xóa nạn mù chữ 100%, đảm bảo phụ nữ chiếm 50% số nghị sĩ được bầu, quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên và buộc các công ty đa quốc gia phải trả 82% lợi nhuận thu được cho nhà nước thay vì tỷ lệ 18% như trước đây. Nhờ có nguồn thu này, ông Morales đã cải thiện cuộc sống của người dân Bolivia. Năm 2018, ông Morales được tờ Washington Post ca ngợi là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới.