Brexit: Cuộc "ly hôn" hợp lẽ!

Thứ Hai, 03/04/2017, 16:25
Ngày 29-3 đã đi vào lịch sử của cả Anh và Liên minh châu Âu (EU) khi Thủ tướng Anh Theresa May gửi thông báo tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chính thức thông báo việc Anh rời khỏi "ngôi nhà chung" và khởi động tiến trình đàm phán, hay còn gọi là Brexit.

Quyết định của Anh, một điều chưa từng có tiền lệ, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi EU kỷ niệm 60 năm thành lập, đã khiến nước Anh thêm chia rẽ và đặt dấu hỏi lớn cho tương lai của liên minh còn lại 27 thành viên.

Bản chất cuộc chia ly

Mặc dù chính thức được khởi động, song cuộc đàm phán đầu tiên giữa Anh và EU sẽ chỉ diễn ra sau khi 27 nước thành viên EU thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao cho rằng phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Đánh giá về tiến trình này, giới phân tích cho rằng Brexit trước sau cũng diễn ra bởi lẽ kể từ khi về chung mái nhà, mối quan hệ giữa Anh và EU luôn chỉ ở dạng trao đổi và cuộc chia ly này là điều "hoàn toàn hợp lẽ".

Giáo sư sử học đương đại Anh Pauline Schnapper, thuộc Đại học Sorbonne ở Paris, bình luận: "Ngay từ 1973, đây đã là một mối quan hệ thực dụng, với trọng tâm là kinh tế chứ không phải chính trị... Có thể nói sợi dây tình cảm gắn kết giữa họ hoàn toàn là không có". Có lẽ Brexit là quyết định tất - lẽ - dĩ - ngẫu.

Tuy nhiên, nói đi không phải là đi được ngay. Sự ràng buộc, những vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ giữa hai bên đang là những cản trở cho cả Anh và EU. Những tháng đầu tiên trong tiến trình đàm phán là giai đoạn vô cùng quan trọng, vì đó là thời gian để hai bên xác lập được những nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán.

Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm không muốn thỏa hiệp với nhau. Phía EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý "các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự" trước khi nói đến đàm phán thương mại. Cụ thể là Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU.

Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho rằng quan hệ đối tác mới Anh-EU cần có thời gian và các thỏa thuận về thời kỳ chuyển đổi là cần thiết. Ông Barnier yêu cầu trong thời kỳ này, những biện pháp được áp dụng sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp của EU và Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ). Tức là Anh sẽ vẫn phải tuân theo luật pháp EU và chịu quyền phán quyết của ECJ.

Cũng giống như nhiều cuộc chia ly khác, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU có thể nhanh chóng trở thành các cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề tiền bạc. Ưu tiên của Brussels là giải quyết số hóa đơn khổng lồ của Anh, ước tính lên tới 55-60 tỷ euro (tương đương 59-65 tỷ USD), một cuộc tranh luận có thể quyết định bầu không khí của các cuộc đàm phán tiếp theo.

Đại sứ Anh trao thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Hai bên đều muốn giảm căng thẳng tại Bắc Ireland, nơi về sau này sẽ là khu vực duy nhất của Anh có biên giới thực với EU. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang rất lo ngại về quyết định rời khỏi thị trường đơn nhất, khu vực thương mại tự do với dân số khoảng 500 triệu người, và là đối tác thương mại lớn nhất của Anh.

Cả hai bên đều tỏ ý mong muốn có một thỏa thuận về tình trạng của hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh, dù Thủ tướng May khẳng định thỏa thuận này sẽ phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận về tư cách của 1 triệu công dân Anh sinh sống tại các nước EU.

Lá thư thông báo của Thủ tướng May gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu tuy mang giọng điệu khá mềm mỏng, ôn hòa, trong đó bà kêu gọi xây dựng "một mối quan hệ đối tác sâu sắc và đặc biệt" với khối mà Anh từng gia nhập năm 1973. Tuy nhiên, một số nhà bình luận vẫn nhận thấy lời đe dọa qua cách bà nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ an ninh giữa Anh và phần còn lại của EU khi bà cảnh báo rằng, việc hai bên không thể tiến tới một thỏa thuận thương mại mới đồng nghĩa với việc "hợp tác trong cuộc chiến chống tội ác và chủ nghĩa khủng bố sẽ trở nên lỏng lẻo hơn".

Những mục tiêu tham vọng

Mặc dù Thủ tướng Anh đã công bố một văn bản chính sách gồm 12 điểm, chỉ rõ cách tiến hành các cuộc đàm phán định hình tương lai của Anh và EU, song cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ Thủ tướng Anh muốn đạt được những gì hay sẽ nhượng bộ thế nào trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ, các nhà lập pháp và giới phân tích đều cho rằng bà May tin là mình có những "quân bài" mạnh trong tay và giới chức EU sẽ tỏ ra thực dụng hơn trong các cuộc đàm phán, tránh việc tìm cách trừng phạt Anh để đạt được những lợi ích kinh tế khả thi hơn.

Thực tế là Thủ tướng May và các bộ trưởng của nước Anh có nhiều mục tiêu tham vọng trong các cuộc đàm phán. Họ muốn các hoạt động thương mại diễn ra "trơn tru", muốn kiểm soát vấn đề di cư và khôi phục chủ quyền trong khi vẫn đảm bảo sự hợp tác tối đa với các nước láng giềng gần gũi.

12 ưu tiên mà bà đưa ra hồi tháng 1-2017 trải rộng trên nhiều khía cạnh đủ để giới chức Anh có thể linh hoạt trong đàm phán, và Thủ tướng May kỳ vọng có thể gia tăng sức mạnh của Anh trong các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, luật pháp và hỗ trợ quốc tế với mục tiêu là tăng sức ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới.

Mấu chốt quan trọng nhất của tiến trình đàm phán là việc hai bên có đạt được hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng như Thủ tướng Theresa May kêu gọi hay không. Nhiều nhà phân tích cho rằng đến cuối tháng 4, khi EU đưa ra những thứ tự ưu tiên và vạch ra những "ranh giới đỏ" trong tiến trình đàm phán, cũng chính là sẽ báo hiệu tính phức tạp, cam go của tiến trình này, cũng như báo hiệu chiều hướng quan hệ Anh-EU.

Điều này cũng sẽ tác động vô cùng to lớn đến các chiến lược hợp tác song phương trong thời kỳ mới, cũng như chiến lược của Anh thời hậu Brexit.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.