Các nguyên thủ bị cáo buộc biển thủ công quỹ: Ăn mặn có ngày khát nước
Nửa đầu năm 2013, thế giới chứng kiến nhiều cựu nguyên thủ quốc gia, hoặc có người vẫn đang trên đỉnh cao quyền lực bị “rơi tấm mặt nạ liêm khiết” do các cáo buộc tham nhũng, rửa tiền. Mặc dù các chủ thể chính của những cáo buộc này luôn mạnh miệng tuyên bố họ trong sạch và vô tội, nhưng những nhóm người dưới bóng quyền lực của họ đã dần dần làm ông chủ của mình phải “lộ sáng”.
Tổng thống Angola dính líu vụ biển thủ hàng trăm triệu USD
Một báo cáo điều tra của 2 tổ chức chống tham nhũng Anh và Angola vừa tiết lộ chi tiết về những khoản tiền bị thất thoát trong hợp đồng thanh toán nợ giữa 2 nước Angola và Nga, trong đó, Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos bị nghi dính líu với khoản tiền biển thủ hàng chục triệu USD.
Bản báo cáo điều tra do Tổ chức Corruption Watch UK (Giám sát tham nhũng) của Anh và Mãos Livres (Bàn tay sạch) của Angola nhan đề "Deception in High Places: The Corrupt Angola-Russia Debt Deal" (Lừa đảo ở cấp cao: Tham nhũng trong giao dịch nợ Angola-Nga) được hoàn tất từ cuối tháng 4/2013, nhưng cho đến nay báo chí quốc tế mới biết đến và đưa tin.
Andrew Feinstein, Giám đốc Corruption Watch UK, đồng tác giả bản báo cáo nêu trên cho biết, tổng số tiền bị thất thoát lên đến gần 1 tỉ USD trong ngân quỹ dùng để chi trả khoản nợ trị giá 1,5 tỉ USD mà Angola đồng ý sẽ hoàn trả cho Nga theo một thỏa thuận xóa khoản nợ từ thời Xôviết, bao gồm các khoản giúp đỡ về kinh tế và khí tài quân sự trong thời kỳ Angola chìm trong cuộc nội chiến kéo dài 27 năm.
Báo cáo của Corruption Watch UK và Mãos Livres nêu danh tính một loạt doanh nghiệp và cá nhân liên quan, trong đó có cả Tổng thống Angola Dos Santos, Ngân hàng SBS (nay trực thuộc Tập đoàn Ngân hàng UBS) và Công ty Kinh doanh hàng hóa Glencore International Plc đều của Thụy Sĩ (Glencore International Plc trước đây là Marc Rich and Company AG do tỉ phú lừa đảo Marc Rich sáng lập); Pierre Falcone và Arcadi Gaydamak, hai cái tên trong thế giới ngầm kinh doanh vũ khí của Pháp, cùng với đối tác thân thiết là Vitaly Malkin, doanh nhân kiêm chính khách Nga.
Falcone và Gaydamak từng tham gia vụ bê bối buôn lậu vũ khí từ Pháp sang Angola trong những năm 90, thế kỷ XX, bị phanh phui vào năm 2009, còn Vitaly Malkin cũng từng bị buộc tội mang 2 quốc tịch Nga-Israel một cách bất hợp pháp, không khai báo tài sản ở nước ngoài và đã phải từ chức nghị sĩ Nga vào tháng 3/2013.
Theo báo cáo, bộ đôi Falcone và Gaydamak đã biển thủ số tiền hơn 260 triệu USD, Vitaly ẵm 48 triệu USD, trong khi các quan chức cấp cao Angola bỏ túi 75 triệu USD. Thêm khoảng 500 triệu USD nữa đã biến mất không biết đi đâu. Riêng Tổng thống Dos Santos bị cáo buộc đã bỏ túi 36 triệu USD. Số tiền này không đi thẳng vào tài khoản của gia đình Tổng thống Dos Santos mà đi vòng vèo qua vài công ty bình phong, lúc đầu là một công ty của Thụy Sĩ tên là Intersul, rồi sau đó chuyển cho một công ty ở Panama.
Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos. |
Theo thỏa thuận, Angola sẽ trả nợ cho nước Nga bằng hình thức bán dầu mỏ lấy tiền gửi vào tài khoản quỹ ở một ngân hàng Thụy Sĩ. Qua trung gian của 2 nhà thầu vũ khí Falcone và Gaydamak, Công ty Dầu mỏ quốc doanh Sonangol của Angola sẽ xuất bán dầu thông qua Công ty Glencore International Plc, công ty này đã "hào phóng" trả trước số tiền mua dầu.
Sau đó, Công ty Glencore International Plc lôi kéo Ngân hàng SBS vào cuộc bằng việc mở tài khoản trung gian để ký gửi số tiền trả nợ dần của Angola, rồi mới chuyển tiếp số tiền nợ này cho nước Nga và đến các tài khoản của Falcone và Gaydamak. Nhưng một số giao dịch chuyển khoản như thế đã đi vào tài khoản của các tay chân trung gian của Falcone và Gaydamak, một số khác đi thẳng vào tài khoản của các quan chức Angola.
Vụ việc biển thủ hàng trăm triệu USD tiền quỹ trả nợ của Angola khiến dư luận quan tâm lật lại những cáo buộc trước đây liên quan đến tham nhũng tại Angola có liên quan đến Tổng thống Dos Santos. Theo báo cáo kinh tế của Tổ chức Revenue Watch, năm 2011 Angola thu nhập đến 40 tỉ USD từ khai thác dầu mỏ. Thế nhưng, nguồn thu này không được đầu tư nhiều vào các công trình phúc lợi hoặc các chương trình mang lại lợi ích cho người dân Angola, mà chủ yếu chảy vào túi một số thương gia, chính trị gia vây quanh Tổng thống Dos Santos, trong khi gần một nửa dân số Angola sống trong tình trạng nghèo đói.
Giới quan sát chống tham nhũng quốc tế từ lâu đã lên tiếng về tình trạng tham nhũng ở Angola và xem Tổng thống Dos Santos - người lãnh đạo đất nước Angola hơn 33 năm qua - là "trung tâm" dính líu đến mọi vụ việc tham nhũng ở Angola. Các tài liệu điều tra quốc tế về tham nhũng ở Angola trong những năm đầu thế kỷ XXI đã khui ra hàng loạt vụ việc tham nhũng có liên quan đến các quan chức cấp cao trong chính phủ cũng như các tướng chỉ huy trong quân đội Angola đều ít nhiều dính líu đến Tổng thống Dos Santos.
Mặc dù luật pháp Angola và các công ước châu Phi về tham nhũng (mà Angola tham gia ký kết) có quy định rất khắt khe đối với hành vi tham nhũng, nhưng trình độ lách luật của nhiều quan chức Angola, trong đó có cả Tổng thống Dos Santos, lại thừa tinh vi để biển thủ trót lọt những khoản tiền lớn. Đã có ít nhất vài phiên tòa dân sự được mở vào các năm 2001, 2004, 2006 và 2009 ở Thụy Sĩ và Angola để xem xét những cáo buộc tham nhũng từ tiền dầu mỏ Angola, nhưng hầu như lần nào cũng vậy, mọi cáo buộc đều bị bác bỏ do không đủ chứng cứ.
Dư luận và giới chuyên môn quan tâm đến yếu tố gia đình làm tấm bình phong giúp Tổng thống Dos Santos che giấu tài sản một cách hợp pháp. Người ta chú ý đến sự giàu có đáng ngờ của Isabel dos Santos, con gái lớn của Tổng thống Dos Santos. Trong bảng thống kê người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn công bố vào đầu năm 2013, Isabel dos Santos được liệt kê là người phụ nữ giàu nhất châu Phi, với khối tài sản trị giá trên 2 tỉ USD.
Isabel, 40 tuổi, là một doanh nhân thành đạt ở Angola, nhưng nhiều người vẫn không tin rằng bà có thể sở hữu tài sản nhiều như vậy, mà nghi ngờ rằng một phần lớn tài sản đó là của cha bà, Tổng thống Dos Santos chuyển sang cho bà đứng tên để che mắt dư luận. Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể, cũng như chưa tìm ra được tài khoản bí mật nào của Tổng thống Dos Santos ở các ngân hàng Thụy Sĩ, nhưng các tổ chức và cơ quan bài trừ tham nhũng đều tin rằng ông đã giấu tài sản thu được từ tiền dầu mỏ, và cả 36 triệu USD biển thủ từ quỹ trả nợ nước Nga kể trên, bằng cách sang tên cho con gái hoặc người thân đứng tên.
Những người trong gia đình, dòng họ Santos, như chú, bác và các con, cháu của Tổng thống Dos Santos đều ít nhiều có liên quan đến các doanh nghiệp làm ăn đại diện cho các lợi ích cá nhân của Tổng thống Dos Santos.
Cựu Tổng thống Guatemala đối mặt với bản án 20 năm tù giam
Tòa án hạt phía nam New York vừa chính thức khước từ yêu cầu trả tự do bằng cách nộp tiền thế chân đối với cựu Tổng thống Guatemala là Alfonso Portillo, người trước đó vừa bị dẫn độ sang Mỹ với sự đồng ý của chính quyền Guatemala. Các cơ quan hành pháp Mỹ buộc tội cựu Tổng thống Alfonso Portillo tham gia vào hành động gian lận tài chính và rửa tiền. Theo một số nguồn tin, ông Portillo trong thời gian đương nhiệm đã bí mật chuyển vào các ngân hàng của Mỹ không dưới 70 triệu USD.
Alfonso Portillo được bầu làm tổng thống Guatemala hồi tháng 1/2000. Nhưng chỉ 4 năm sau, ông Portillo đã buộc phải từ chức sau khi đảng "Mặt trận cách mạng Guatemala" của ông ta bị thất bại trong cuộc bầu cử. Nguyên nhân chính dẫn tới thất bại trên là do nhiều cáo buộc về nạn tham nhũng trong đảng cầm quyền. Theo các đại diện của phe đối lập, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Portillo và các thành viên trong nội các của ông ta đã bòn rút không dưới 1 tỉ USD từ ngân sách. Phần lớn số tiền trên được chuyển tới các ngân hàng tại Panama, Mexico và Mỹ.
Cựu Tổng thống Guatemala Alfonso Portillo tại phiên tòa. |
Bản thân Portillo bị cáo buộc biển thủ 15 triệu USD từ ngân sách Bộ Quốc phòng. Ông ta đã chạy sang Mexico để rồi đến tháng 10/2008 bị trục xuất trở lại Guatemala. Ba năm sau, tòa án gỡ bỏ mọi cáo buộc làm thiệt hại ngân sách của Portillo do không đủ bằng chứng. Đến tháng 8/2011, tức là chỉ 3 tháng sau khi phán quyết trắng án chính thức được tuyên, Tòa án Hiến pháp Guatemala chấp thuận yêu cầu của chính quyền Mỹ, cho dẫn độ vị cựu Tổng thống sang quốc gia này. Portillo bị các nhân viên cảnh sát đặc biệt bàn giao cho Cục Đấu tranh chống buôn ma túy Mỹ (DEA) ngay tại bệnh viện nơi ông ta đang điều trị ở thành phố Guatemala.
Các cơ quan hành pháp Mỹ cho rằng, Portillo trong thời gian cầm quyền đã chuyển không dưới 70 triệu USD vào các ngân hàng Mỹ. Chẳng hạn như một vụ được nhắc tới trong cáo trạng được tuyên bố mới đây, theo đó Đại sứ quán Đài Loan tại Guatemala vào năm 2001 đã mở một tài khoản đặc biệt 2,5 triệu USD tại một ngân hàng ở New York. Số tiền này ban đầu được dự tính để mua sách giáo khoa cho các trường học tại Guatemala. Nhưng sau đó theo chỉ thị của Portillo, số tiền trên đã được chuyển sang một tài khoản cá nhân của ông ta tại một ngân hàng ở Miami (Mỹ).
Các điều tra viên khẳng định, cựu Tổng thống Portillo còn chịu trách nhiệm về việc biển thủ 3,9 triệu USD từ ngân sách của Bộ Quốc phòng. Số tiền trên được chuyển tới một tài khoản đặc biệt tại Ngân hàng Quốc gia Credito Hipotecario Nacional, mà người nắm quyền điều hành không ai khác là một chiến hữu thân cận của Portillo trong đảng "Mặt trận cách mạng Guatemala".
Ngoài ra, cũng theo chỉ thị riêng của Tổng thống, nhiều khoản tiền không nhỏ của Bộ Quốc phòng đã được rút ra để đổ vào những thương vụ tư nhân mua đất đai hay những khoản vay không lãi suất dành cho những công ty mà ông chủ là bạn bè của Portillo. Về sau, một phần những khoản tiền trên lại được chuyển vào các tài khoản của người vợ cũ của ông ta tại Paris (Pháp) và Luxembourg, trước khi được "tẩy sạch" tại một ngân hàng ở Miami (Mỹ).
Theo các số liệu điều tra, ông Portillo thường xuyên chỉ thị dùng tiền ngân sách để hỗ trợ các ngân hàng và công ty của bạn bè ông ta. Phần lợi nhuận không nhỏ từ những vụ trên lại được bí mật chuyển tới các ngân hàng ở Mỹ.
Được biết, trong phiên xét xử cuối cùng mới đây, Portillo vẫn khăng khăng rằng mình vô tội, đồng thời tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng "để bảo vệ danh dự của mình". Còn theo luật pháp của Mỹ, cựu Tổng thống Guatemala có nguy cơ phải nhận bản án 20 năm tù cùng khoản tiền nộp phạt 500 ngàn USD