Các tổ chức phi chính phủ có thể là đội quân tiên phong trong “Chiến tranh mềm”

Thứ Tư, 14/12/2005, 08:49

Việc tưởng chừng như của riêng nước Nga nhưng lại gây nên hiệu ứng khá lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là trong dư luận xã hội Mỹ. Đó là cuộc thảo luận về dự thảo luật hạn chế nghiêm ngặt hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trên lãnh thổ Nga. Dự luật đã được thông qua khá thống nhất ngay trong phiên họp đầu tiên của Duma Quốc gia Nga.

Tình hình chính trị hiện nay ở không gian SNG nói chung và ở nước Nga nói riêng không thể không khiến Điện Kremli lo ngại trước nhiều hoạt động theo kiểu xui nguyên giục bị, đâm bị thóc chọc bị gạo của không ít những NGO đang hoạt động trên lãnh thổ Nga.

Dường như phương Tây, bất chấp những lời nói có vẻ như hữu nghị với Moskva nhưng vẫn không dừng các chiến dịch lấn sân tại khu vực lợi ích truyền thống của nước Nga bằng nhiều cách, trong đó có cả bằng các NGO. Đấy thực ra cũng là một dạng "chiến tranh mềm" mà trong đó có đạo quân tiên phong mang tên NGO...

Bài học nhỡn tiền là những vụ thay đổi thế lực cầm quyền ở những nước cộng hòa như Gruzia, Ukraina, Kyrgyzstan... mới đây thông qua các cuộc biểu tình đường phố đều không ít thì nhiều có vai trò khuấy động của những NGO hoạt động theo những tiêu chí dân chủ của phương Tây và rất hợp khẩu vị của Washington.

Tung tiền cho các lực lượng đối lập, các NGO kích động tâm lý bất mãn với thực tại (nói cho cùng, ngay cả người dân ở những nước phát triển nhất cũng đâu phải đã nhất nhất hài lòng với hiện trạng đất nước và cuộc đời mình?!) để gây mất ổn định xã hội và tạo cơ hội cho những chính trị gia hợp gu phương Tây hơn lên nắm quyền. Thậm chí một số NGO lại dính líu vào cả công việc an ninh tình báo.

Ngày 7/12, Giám đốc Cơ quan phản gián đối ngoại Nga (SVR) Sergey Lebedev trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Báo Nước Nga" đã khẳng định, trong rất nhiều trường hợp, các NGO chỉ là tấm bình phong cho các cơ quan an ninh ngoại quốc hành sự trên lãnh thổ Nga. SVR hiện đang có trong tay những dẫn chứng cụ thể về việc này.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 5/12 cũng đã phải lên tiếng cáo buộc các tổ chức phi chính phủ với ngân quĩ lấy từ hầu bao ngoại đã luôn luôn bóp méo hình ảnh của nước Nga trên trường quốc tế. Mang trong tay những cỡ đo từ các đôi chân xa lạ với văn hóa và truyền thống Nga la tư, không ít NGO ở Nga cứ muốn "gọt chân Moskva" cho vừa giày phương Tây và ra rả cáo buộc Điện Kremli bóp nghẹt dân chủ hay vi phạm nhân quyền.

Như bất cứ một quốc gia có chủ quyền nào khác, nước Nga không thể "khoanh tay thúc thủ" để các NGO lộng hành trong lòng xã hội Nga. Và họ đã làm đúng như nhà phản gián Lebedev từng nhấn mạnh trong bài báo đã dẫn, "bất cứ nước nào khi phân loại hoạt động cho các tổ chức phi chính phủ đều xuất phát từ lợi ích dân tộc của mình và quy định những khuôn khổ thích ứng để nền an ninh quốc gia không bị ảnh hưởng".

Duma Quốc gia Nga thông qua dự luật về NGO rất nhanh cũng là từ suy nghĩ ấy. Dự luật yêu cầu các chính nhánh địa phương của các NGO nước ngoài phải đăng ký lại như là các tổ chức của Nga và phải chịu những tiêu chí về tài chính và pháp lý nghiêm ngặt hơn trước. Dự luật cũng trao cho các cơ quan chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các phong trào hay lực lượng chính trị nhận tài trợ từ các NGO nước ngoài hay trong nước... Và đến thời hạn bộ luật về NGO chính thức có hiệu lực, một số NGO nước ngoài khét tiếng như các tổ chức "Theo dõi nhân quyền" hay "Ân xá quốc tế"... có thể sẽ phải thôi hoạt động trên lãnh thổ Nga...

Tất nhiên, những gì tốt với Điện Kremli chưa chắc đã hợp với khẩu vị của Nhà Trắng. Phương Tây phản ứng mạnh đối với dự luật về NGO của Nga là một điều dễ hiểu. Thế nhưng, Moskva không còn sự lựa chọn nào khác, áo ai ấm vai người nấy.

Theo quan niệm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự luật về NGO là rất cần thiết để bảo vệ hệ thống chính trị Nga khỏi những sự can thiệp từ bên ngoài, cách ly xã hội và các công dân khỏi sự lan truyền của hệ tư tưởng khủng bố và phản nhân đạo hoạt động đội lốt này hay lốt nọ". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta, thật đáng tiếc, đang vấp phải chuyện này cũng như vô số xu thế cực đoan các kiểu. Đó như phần công khai của tảng băng mà sau này sẽ trở thành nhu cầu cấp thiết giải quyết vấn đề này hay vấn đề khác bằng các biện pháp vũ lực với sự giúp đỡ của các cơ quan bảo vệ luật pháp của chúng ta. Tất cả những việc ấy phải nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước"

Phan Phú
.
.