Cái chết của Osama bin Laden và cục diện Nam Á

Thứ Hai, 16/05/2011, 17:20

Cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden đã tạo nên một chấn động lớn, hứa hẹn làm thay đổi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Tại Afghanistan và Pakistan, khả năng kết thúc sớm cuộc chiến với Taliban đang được dư luận quan tâm bàn tán nhiều. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Pakistan đang trở nên căng thẳng hơn trước do Mỹ đang đặt vấn đề nghi vấn về vai trò của Pakistan sau khi phát hiện nơi trú ẩn của Osama bin Laden.

Mỹ - Pakistan tiếp tục hợp tác trong căng thẳng

Vụ tiêu diệt Bin Laden diễn ra vào đúng lúc quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đang có một số trục trặc xung quanh việc tiến hành cuộc truy lùng các phần tử Taliban và Al-Qaeda bên trong lãnh thổ Pakistan. Ngay sau vụ đột kích, giới chức Pakistan đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vì thực hiện chiến dịch đột kích vào khu nhà ở của Bin Laden mà không thông qua "chủ nhà". Theo Time, Islamabad đã gọi vụ đột kích của toán biệt kích Mỹ là "hành động đơn phương không được phép" nhằm "dạy một bài học" đối với Pakistan.

Phát biểu trước báo chí, lãnh đạo chính quyền Pakistan cho rằng, Mỹ đã vi phạm chủ quyền nước sở tại khi tiến hành cuộc đột kích một cách âm thầm, không thông báo trước. Lý do không hài lòng của Islamabad thật dễ hiểu: vụ đột kích diễn ra ngay trong khu vực được xem là "thánh địa" của quân đội Pakistan. Đáng nói hơn, khu nhà ở của Bin Laden lại nằm ngay sát cạnh trường đào tạo sĩ quan quân sự của Pakistan. Hơn nữa, thị trấn Abbottabad chỉ cách thủ đô Islamabad khoảng 1 giờ xe ôtô, coi như ở ngay trong "trái tim" của Islamabad. Sâu xa hơn, Islamabad đang lo ngại việc Al-Qaeda có thể trả thù vì việc đã để cho Mỹ hành quyết lãnh đạo số 1 của chúng.

Trong khi đó, những nghi vấn về việc nước chủ nhà chứa chấp Osama bin Laden lại đang dồn lên từ phía các đồng minh phương Tây. Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã đặt thẳng vấn đề về trách nhiệm của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, yêu cầu Islamabad giải thích rõ ràng trách nhiệm của mình trong việc để cho Osama bin Laden ngang nhiên tồn tại rất lâu trong lãnh thổ của mình, làm thế nào mà sự hiện diện lộ liễu như vậy của nhân vật bị truy lùng gắt gao nhất thế giới lại lọt qua được tất cả các cặp mắt do thám của các cơ quan an ninh nổi tiếng là nhạy bén của Pakistan?

Căng nhất là việc giới chức Mỹ đang đặt nhiều câu hỏi về vai trò của Pakistan trong vụ việc này. Phải chăng giới chức an ninh và tình báo Pakistan quá kém cỏi nên không hề biết Bin Laden trú ngụ ngay sát cạnh cơ sở của mình? Điều này không thể có, vì ISI rất giỏi trong việc đeo bám và đã bắt rất nhiều nghi can khủng bố trước đây. Năm 2005, ISI từng nắm tường tận mọi hoạt động của trùm khủng bố Abu Faraj al-Libi - nhân vật số 3 của Al-Qaeda (sau Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri) dẫn đến việc bắt giữ tên này và giao cho quân Mỹ xử lý. Hay là chính Pakistan thông đồng với Bin Laden nên bao che cho y suốt thời gian dài và luôn tìm cách cản trở người Mỹ săn lùng y? Câu hỏi này rất khó trả lời.

Rõ ràng là việc để cho Osama bin Laden trú ẩn ngay sát nách trung tâm đầu não quốc gia Pakistan trong khoảng thời gian đến 6 năm, là điều rất khó chấp nhận đối với Mỹ - nước đã bỏ ra khá nhiều công sức, tiền của trong gần 10 năm theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á. Từ trước đến nay, Mỹ vẫn sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm "bàn đạp" để triển khai các chiến dịch truy quét vào sâu bên trong lãnh thổ Pakistan nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố. Không có được sự hợp tác hiệu quả trên mặt đất, Mỹ phải sử dụng máy bay không người lái Predator phóng tên lửa vào các mục tiêu trong vùng rừng núi Tây Bắc và Tây Nam Pakistan, nơi các bộ lạc sinh sống và được xem là khu vực trú ẩn lý tưởng của khủng bố, trong đó có ông trùm Osama bin Laden (trước đây) và thủ lĩnh Taliban Mullah Omar. Chính vì việc sử dụng máy bay không người lái thường gây ra những vụ "bắn lầm" cướp đi sinh mạng hàng trăm dân thường Pakistan, nên trong mắt họ Mỹ đã trở thành "người xấu", còn Taliban và Al-Qaeda là "bạn tốt". Đó cũng chính là vấn đề làm cho quan hệ Mỹ - Pakistan trở nên căng thẳng.

Tuy bất đồng và nghi kỵ lẫn nhau, nhưng Mỹ và Pakistan vẫn phải tiếp tục mối quan hệ hợp tác nhiều lủng củng này. Muốn tiếp tục thắng các mục tiêu tiếp theo, Mỹ không còn cách nào khác hơn là vẫn phải hợp tác với Pakistan. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã khẳng định với báo chí rằng Mỹ sẵn sàng và "cam kết" sẽ tiếp tục  hợp tác với Pakistan. Điều kiện mà người Mỹ đưa ra là "nếu Pakistan hành xử như "người tốt". Hành xử như thế nào?

Pakistan sẽ phải tăng cường hợp tác với người Mỹ nhiều hơn trong việc giải quyết vấn đề ở Afghanistan. Mỹ bận tâm nhất là quan hệ giữa Cơ quan tình báo Pakistan ISI với mạng lưới khủng bố Haqqani ở vùng Bắc Waziristan, nơi được xem là "thiên đường khủng bố" và Haqqani cũng là lực lượng tham gia nhiều nhất vào các hoạt động chống phá Mỹ và NATO ở Afghanistan. Trước đây, ISI và quân đội Pakistan luôn tìm cách chối từ yêu cầu trợ giúp quân Mỹ tấn công vào vùng North Waziristan để tẩy trừ khủng bố, giờ sau Bin Laden rất có thể sẽ buộc phải chiều theo yêu cầu của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) đang thiên về đàm phán với thủ lĩnh Taliban Mullah Omar.

Mỹ muốn "đàm phán" với Taliban

Trong khi đó, cục diện tại Afghanistan đang theo chiều hướng mà nhiều tờ báo cho rằng thiên về "đàm phán hòa bình" với Taliban hơn. "Cái chết của Osama bin Laden là khởi đầu cho việc kết thúc cuộc chơi ở Afghanistan", một quan chức Chính phủ Mỹ nói. Theo Time, việc tiêu diệt được Bin Laden đã tạo cơ hội chưa từng có để tiến hành các thương lượng hòa giải giữa Mỹ và Taliban. Với mục tiêu số 1 trong cuộc chiến gần 10 năm nay tại Afghanistan và Pakistan không còn nữa, chính quyền của Tổng thống Obama bây giờ có thể "thong thả" nghĩ đến một kết thúc "có hậu" tại khu vực Nam Á.

Trên thực tế, dường như việc tìm kiếm một giải pháp ôn hòa tại Afghanistan đã được Washington trù tính từ trước khi tiến hành vụ đột kích tiêu diệt Bin Laden. Trong một phát biểu hồi tháng 2/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng khái quát giải pháp mới của chính quyền Mỹ trong đó thể hiện một sự chuyển hướng rõ rệt của Washington thiên về "đàm phán". Tuy nhiên, khi vấn đề được mang ra thảo luận trong bộ sậu cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ lại nảy sinh những ý kiến trái ngược nhau, nhất là trong bối cảnh quân Mỹ và NATO sẽ bắt đầu rút dần khỏi Afghanistan từ tháng 7/2011 tới. Các tướng lĩnh ngoài chiến trường muốn đánh cho Taliban "nhừ tử" rồi mới đàm phán, trong khi phái phi quân sự thì ngại rằng nếu tiếp tục kéo dài chuyện "đánh đấm" sẽ làm tăng thêm chi phí, thương vong và nhiều thứ khác. Phái này khẳng định rằng, đàm phán là một phần trong chiến lược chiến tranh mới tại Afghanistan nhằm giúp Tổng thống Obama vừa có thể triển khai kế hoạch giảm quân số, vừa bảo đảm Taliban không tiếp tục quấy phá nữa.

Anne-Marie Slaughter, cựu giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, phương án "đàm phán" để xây dựng một cơ cấu chính trị ổn định tại Kabul trong đó có sự tham gia của Taliban nhằm bảo đảm tiến trình rút quân diễn ra trôi chảy theo đúng kế hoạch vẫn hay hơn là tiếp tục đánh. Với việc Osama bin Laden bị tiêu diệt, cơ hội đang rộng mở để triển khai phương án đàm phán. Quan hệ khăng khít giữa Taliban với Al-Qaeda dưới sự lãnh đạo của Bin Laden từng là trở ngại lớn nhất cho những nỗ lực đàm phán trước đây, vì Mỹ luôn đặt điều kiện tiên quyết là Taliban phải cắt quan hệ với Al-Qaeda. Nay Bin Laden chết rồi, thủ lĩnh Mullah Omar có thể yên tâm từ bỏ mối quan hệ đó mà không cần phải nghĩ đến những cam kết với Bin Laden…

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng đến một cách dễ dàng. Cho dù thủ lĩnh Taliban Mullah Omar chịu đàm phán thì vẫn còn một thách thức không nhỏ là việc làm sao thuyết phục tất cả các phái của Taliban chịu ngồi vào bàn đàm phán. Taliban chỉ là một tên gọi tập hợp nhiều nhóm vũ trang khác nhau, không hề có một tổ chức chính trị hay một nhân vật đại diện có "tài ăn nói" đứng ra thay mặt cả nhóm để thương thảo.

Mặt khác, khi giải quyết vấn đề ở Afghanistan, lâu nay tuy giao cho Tổng thống Hamid Karzai thủ vai chính, nhưng Mỹ vẫn luôn phụ thuộc vào sự phối hợp hỗ trợ của Pakistan thì "đại sự" mới thành công. Nhưng Pakistan vốn e ngại việc Mỹ có thể lái Afghanistan về phía thân thiện với "kẻ thù truyền kiếp" Ấn Độ, nên rất có thể sẽ cho Cơ quan tình báo ISI dùng ảnh hưởng của mình đối với các nhóm Taliban ở Afghanistan để "thọc gậy bánh xe".

Chuyến làm việc tại Islamabad hôm 3/5 của đặc phái viên của Tổng thống Obama về Afghanistan và Pakistan, Marc Grossman là một minh chứng cho việc Mỹ đang quyết tâm đi theo hướng "đàm phán". Cuộc gặp 3 bên giữa ông Grossman với Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Afghanistan tại Islamabad đã cho kết quả "nhất trí thành lập một nhóm công tác phục vụ tiến trình hòa giải và hòa bình ở Afghanistan"

Q.Vương - T.Hùng (tổng hợp)
.
.