Cải tổ LHQ-những thách thức đối với ông Kofi Annan

Thứ Hai, 11/09/2006, 08:00
Tổng thư ký LHQ đã gửi đến các nước thành viên dự thảo đề án cải cách công tác quản lý LHQ mà ông đã suy ngẫm từ lâu. Bản đề án dài 33 trang, đề cập tới vấn đề chuyển một số cơ quan chức năng của Ban thư ký tới một số nước và giao một số dịch vụ mang tính “chuyên môn, nghiệp vụ” đơn thuần cho các cơ quan ngoài hệ thống cơ quan của LHQ phụ trách.

Những nội dung đổi mới nói trên, được nhiều quốc gia thành viên hết sức quan tâm và coi là: “Cuộc cải cách mang tính chất tư hữu hóa LHQ”.

Từ trước tới nay, phần lớn các dịch vụ hành chính đều do các cơ quan của LHQ đảm nhiệm. Các cơ quan này thường đặt trụ sở tại các địa phương có giá sinh hoạt đắt đỏ như New York (Mỹ) hoặc Genève (Thụy Sĩ) làm cho dự toán thường niên của LHQ tăng vọt. Để cải thiện tình trạng này, ông Kofi Annan luôn chủ trương phải đổi mới phương thức làm việc hiện nay của Ban thư ký, áp dụng một số phương pháp mới, nhằm nâng cao hiệu quả của LHQ đồng thời giảm bớt sự đóng góp của các quốc gia thành viên. Ông Kofi Annan kêu gọi xây dựng LHQ thành một cơ quan dân sự thật sự linh hoạt, cơ động. Ông cho rằng, khi giao phần công việc mang  tính “nghiệp vụ” của LHQ cho các công ty ngoài hệ thống cơ quan LHQ đảm nhận có giá cả rẻ hơn và chuyển một số cơ quan nghiệp vụ ra khỏi nước Mỹ.

LHQ hiện có 30.000 công chức. Công chức tại các cơ quan Tổng bộ ở New York là hơn 4.000, trong đó công dân quốc tịch Mỹ chiếm tỉ lệ khá lớn. Mỗi năm số tiền của LHQ chi trên địa bàn thành phố New York tới mấy trăm triệu USD. Phân phối lại công việc của Cơ quan Tổng bộ LHQ, đồng thời chuyển một số cơ quan tới một số quốc gia khác trên thế giới, sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho nhiều quốc gia, đồng thời giảm được nhiều kinh phí hoạt động. Kết quả điều tra mới đây của Ban thư ký chứng tỏ: Chỉ riêng vấn đề chuyển việc dịch thuật, in ấn văn kiện của LHQ ra ngoài khu vực New York mỗi năm cũng tiết kiệm được 35 triệu USD. Hiện nay, một số cơ quan của LHQ đang làm thử vấn đề cải cách này. Ví dụ: Cơ quan Ngân hàng thế giới đã chuyển một số bộ phận nghiệp vụ kế toán sang Ấn Độ, bộ phận kế hoạch phát triển của LHQ đã chuyển một phần nghiệp vụ về phúc lợi sang Copenhaghen Đan Mạch. Hiệu quả bước đầu là khả quan.

Tuy nhiên, những ý tưởng về cải cách nói trên của ông Kofi Annan đã vấp phải sự phản đối và hoài nghi. Có người phê bình ông thiếu minh bạch, chưa làm công việc vận động, thuyết phục đã hối thúc đưa ra các biện pháp cải cách. Có người cho rằng ông đã chuyên quyền, độc đoán, chỉ nhấn mạnh đến cải cách mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của quan chức. Những lời chỉ trích ấy khiến ông Kofi Annan rất khó xử và phải giải thích nhiều.

Ngoài ra, một số người còn cho rằng khi thực hiện đề án cải cách làm thế nào để bảo vệ được bí mật của LHQ, làm cách nào để phân phối hợp lý các dịch vụ cho các nước thành viên, làm thế nào bảo đảm chắc chắn chất lượng các dịch vụ đó v.v...?

Trước mắt, một số công việc nghiệp vụ có thể thuê các cơ quan ngoài hệ thống cơ quan LHQ giải quyết như phiên dịch các văn kiện, biên tập và in ấn nhân bản. Một số công việc đang còn nghiên cứu như: quản lý bảo hiểm y tế, thông tin liên lạc và phúc lợi của các quan chức thuộc cơ quan LHQ v.v...

Rõ ràng là: một khi đề án cải cách nói trên được Đại hội đồng LHQ họp tháng 9-2006 thông qua, thì một số quan chức LHQ có nguy cơ bị “thất nghiệp”. Hiện nay, số phiên dịch viên ở Cơ quan Tổng bộ có gần 400 người, số công chức làm các công việc dịch vụ khác cũng có tới vài trăm. Đúng như đề án của ông Kofi Annan đã dự kiến là có khoảng 1.000 người mất việc. Đây là một vấn đề nhạy cảm, khá gay gắt mang nhiều thách thức đối với ông Tổng thư ký

Phạm Xuân Tiến (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.