Cân bằng lực lượng quân sự là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm an ninh thế giới

Thứ Ba, 29/09/2009, 16:20
Phát biểu tại Học viện quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO), nhân dịp khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, cân bằng lực lượng quân sự là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm an ninh thế giới. Đây cũng chính là điều cốt lõi trong học thuyết bảo vệ an ninh mà nước Nga trước sau như một kiên trì theo đuổi.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, việc xây dựng hệ thống an ninh mới ở khu vực Bắc Đại Tây Dương là điều hết sức cần thiết để tạo ra trên thế giới sự bảo đảm chắc chắn loại trừ những cuộc chiến tranh mới. Hệ thống an ninh này sẽ loại bỏ tình trạng "một nước muốn bảo đảm an ninh của mình lại gây tổn hại cho an ninh các nước khác".

Moskva cho rằng để thực hiện ý tưởng này cần phải củng cố những nguyên tắc an ninh mới trên cơ sở pháp lý, nghĩa là cần phải ký các hiệp ước mới. Nguyên tắc có tính chất nền tảng này đã được Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), cũng như Hội đồng Nga - NATO (CRN) chấp thuận, nhưng trên thực tế lại chưa được thực hiện. Còn hệ thống an ninh cũ đã từ lâu không còn hoạt động nữa. Chính vì vậy, nước Nga kêu gọi tất cả các nước khác cùng nhau xây dựng những cơ chế nhằm bảo đảm an ninh toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, Ngoại trưởng Lavrov đặc biệt lưu ý tới các quan hệ Nga - Mỹ. Mọi người có thể tin tưởng vào cuối năm nay hai nước sẽ ký Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, thay cho Hiệp ước cũ Start-1 hết hạn vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, theo lời ông, để ký được hiệp ước mới này, còn cần phải khắc phục được một số lực lượng chống đối ngay trong nội bộ nước Mỹ. Mặt khác, hai bên cũng cần phải có thái độ xây dựng, sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau để có thể xác định rõ mỗi bên được phép để lại bao nhiêu tên lửa, những tên lửa loại nào và cách tính ra sao.

Hôm 17/9, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc, Jan Fischer, cho giới báo chí biết rằng Mỹ từ bỏ dự án lá chắn chống tên lửa (NMD) tại Trung và Đông Âu. Ông Fischer cho biết: "Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm ngắn gọn với tôi tối ngày 16/9 để nói rằng chính phủ của ông từ bỏ ý định xây dựng cơ sở radar trên lãnh thổ Czech". 

Một nhà ngoại giao tại NATO cho Hãng tin AFP biết là chiều ngày 17/9, các quan chức Mỹ thông báo quyết định của Mỹ với các thành viên NATO về tương lai dự án lá chắn chống tên lửa đặt tại Ba Lan và Cộng hòa Czech.

Cũng trong ngày 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, cho biết, Mỹ muốn tiến hành một hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Cụ thể là từ nay đến năm 2015 sẽ triển khai tại Ba Lan và Cộng hòa Czech loại tên lửa SM-3 được chế tạo để bắn chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Át chủ bài SU-35 của Nga.

Từ trước đến nay cả Nga và Mỹ đều không muốn vũ khí hạt nhân được phổ biến tràn lan ra thế giới. Ngày nay càng không thể để xảy ra điều đó, bởi nếu thứ vũ khí giết người hàng loạt này rơi vào tay các thế lực khủng bố thì nó sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Hiện Nga và Mỹ đang nắm trong tay khoảng 95% số vũ khí hạt nhân của thế giới.

Trong thư đầu tiên gửi cho Tổng thống Nga D.Medvedev, B.Obama đã bày tỏ mong muốn Nga "thuyết phục" để Iran từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Và để đổi lại, Mỹ sẽ hủy bỏ chương trình triển khai NMD ở Cộng hòa Czech và Ba Lan.

Phát biểu tại Praha trong chuyến thăm đầu tiên tới Cộng hòa Czech hồi đầu tháng 4 năm nay, Tổng thống Mỹ B.Obama cũng đã tuyên bố sẽ kéo dài Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược Start-1 và sẵn sàng ký hiệp ước mới (Start-2). Không những thế mà ông còn đề nghị sẽ cắt giảm mạnh mẽ số vũ khí hạt nhân, mỗi bên (Mỹ và Nga) chỉ còn dưới 1.500 đơn vị vũ khí này.

Thế nhưng, các chuyên gia quân sự Nga cũng đã không quên lưu ý bài học trong quá khứ: Nga và Mỹ cam kết rút hết vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu. Trong khi Moskva nghiêm chỉnh thực hiện rút hết tiềm lực chiến lược của mình ra khỏi Belarus, thì Washington vẫn để lại hơn 100 đơn vị vũ khí hạt nhân ở căn cứ không quân Ramstein trên lãnh thổ Đức. Trong khi Moskva cho phép người Mỹ theo dõi việc sản xuất các đầu đạn hạt nhân ở nhà máy Botkina, thì Washington lại không cho phép người Nga làm như vậy. Trong khi Moskva thực hiện các điều khoản Hiệp ước Start-1, thủ tiêu tên lửa của mình, thì Washington lại chỉ cất tên lửa của họ vào kho (như vậy rõ ràng khi cần vẫn có thể đưa ra sử dụng).

Tổ chức Hiệp ước Warsaw đã giải thể, nhưng NATO không những không giải thể mà còn đẩy tới áp sát biên giới nước Nga... Bởi thế, muốn ký hiệp ước gì đi nữa, cũng phải có cơ chế bắt buộc các bên thực hiện nghiêm chỉnh. Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải bảo đảm sự cân bằng các lực lượng quân sự. Chỉ như thế mới hy vọng loại bỏ được những cuộc chiến tranh mới

Ngô Gia Sơn - Hà Ninh (tổng hợp)
.
.