Cần cải tổ IMF và world bank

Thứ Ba, 11/11/2008, 10:30
Vào ngày 15/11 tới, lãnh đạo 20 quốc gia (G-20) cùng với các chuyên gia tài chính, kinh tế hàng đầu thế giới sẽ họp tại Washington để bàn biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời tìm ra phương án hoạt động mới an toàn hơn cho hệ thống tài chính thế giới, trong đó có cả việc cải tổ 2 định chế tài chính lớn nhất hành tinh là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Đề tài cải tổ IMF và WB từng được lãnh đạo các nước đang phát triển nêu lên trong nhiều dịp khác nhau những năm qua, nhất là dịp bầu chủ tịch WB năm 2005 và bầu giám đốc điều hành IMF tháng 9/2007.

Nguyên do xuất phát từ việc các nước đang phát triển đòi thay đổi cơ cấu ban điều hành cũng như cách thức bầu người đứng đầu công khai, dân chủ và công bằng hơn ở 2 định chế này.

Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 15/10, đến lượt lãnh đạo các nước phát triển ở châu Âu (cụ thể là Anh, Pháp và Đức) lên tiếng kêu gọi cải tổ IMF và WB. Yêu cầu lần này có liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng và gây thiệt hại ngày càng lớn.

Hiện đang có nhiều lời chỉ trích từ châu Á, Nam Mỹ và cả châu Âu cho rằng IMF và WB quá thụ động trong việc xử lý cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Nhưng vấn đề là vì sao IMF và WB trở nên kém hiệu quả như thế, và 2 định chế này sẽ được cải tổ theo hướng nào?

IMF và WB ra đời từ sau Hội nghị Bretton Woods, bang New Hampshire (Mỹ) tháng 7/1944, lúc Thế chiến II bước vào giai đoạn cuối. Cơ sở để thành lập 2 định chế tài chính này khi đó là hậu quả từ cuộc đại suy thoái toàn cầu năm 1929-1933 vẫn còn, cộng thêm sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Ban đầu, WB (tên gọi khi mới thành lập là Ngân hàng Quốc tế phục vụ tái thiết và phát triển - IBRD) mang sứ mệnh cung cấp tài chính cho châu Âu để phục vụ công cuộc tái thiết sau chiến tranh, đồng thời thực hiện các dự án phát triển kinh tế dài hạn ở các nước đang phát triển. IMF được giao nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định tài chính toàn cầu.

Thế nhưng trong vài thập niên qua, cả 2 dần đi chệch trọng tâm sứ mệnh ban đầu và ngày càng bị chính trị hóa. Biểu hiện rõ nét nhất của việc này là chính sách can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia đang phát triển thông qua những điều kiện khắt khe về cải cách thể chế, chống tham nhũng, tự do thương mại,... để được vay tiền giải quyết khó khăn về tài chính. Trong vòng một thập niên trở lại đây, chính sách can thiệp này càng trở nên thô bạo hơn.

Một quốc gia muốn được vay tiền của IMF và WB thì phải tuân thủ một loạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt phục vụ ý đồ chính trị của phương Tây. Nhiều nước châu Phi vì không thể thỏa mãn các yêu cầu khắt khe này đã phải nhờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện để giải quyết các khó khăn kinh tế xã hội.

Trong khi đó, đối với các quốc gia phát triển thì IMF và WB hầu như dành cho một sự ưu ái đặc biệt, đến nỗi bị dư luận xem là những "cánh tay nối dài" cho các chính sách bá chủ về kinh tế, chính trị của Mỹ và Tây Âu. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, IMF đã thẳng tay gò ép các quốc gia áp dụng những biện pháp cứng rắn mà không thèm quan tâm đến điều kiện thực tế của mỗi nước.

Thái Lan, Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, Argentina năm 2001,... đều phản ứng quyết liệt với những chính sách khắt khe của IMF.

Ngày nay, 2 định chế này không còn được các quốc gia châu Phi và khu vực Nam Mỹ tin tưởng để nhờ giúp đỡ khi cần thiết nữa. Thay vào đó là tổ chức tài chính khu vực là Banco del Sur (mới ra đời được vài tháng) và các chương trình hợp tác của Trung Quốc và Nga. Còn ở châu Phi, Trung Quốc đang là người bạn đáng tin cậy nhất.

Trong bài viết đăng trên tờ Asia Times hôm 28/10, Giáo sư Hossein Askari (Đại học George Washington) đưa ra nhiều luận chứng để lý giải rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay có phần lỗi lớn từ những sai lầm và lệch lạc mục tiêu của IMF và WB.

Theo Giáo sư Askari, dư luận thế giới hiện không đồng tình với việc IMF và WB chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, một số ít quốc gia và bỏ rơi mục tiêu, sứ mệnh cơ bản ban đầu. Đặc biệt là IMF, tổ chức này hầu như chỉ chuyên tâm vận động cải cách kinh tế, chính trị tại các quốc gia thành viên. IMF cũng đang "đá lấn sân" WB trong việc theo đuổi các dự án phát triển, xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển.

Do không tập trung vào mục tiêu chính của mình nên IMF đã không kiểm soát được tình hình hoạt động của hệ thống tài chính toàn cầu, từ đó không thể phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm của nó, và đương nhiên không thể đưa ra dự báo khả dĩ về nguy cơ khủng hoảng. Đây chính là thất bại cơ bản nhất của IMF và WB.

Nhưng chưa hết, thất bại cơ bản thứ hai là trong khi các lãnh đạo châu Âu và Mỹ đưa ra phương án giải cứu ngân hàng bằng "Kế hoạch Brown" thì IMF và WB chỉ có thể thụ động chi tiền giải cứu cho từng quốc gia như từng làm với Thái Lan, Hàn Quốc và Argentina trước đây. Cho đến nay người ta vẫn chưa thấy có một kế hoạch khả thi nào mang tên "kế hoạch IMF" cả!

Tình hình kinh tế thế giới thế kỷ XXI có nhiều biến đổi và phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ cách nay hơn 60 năm, do đó đòi hỏi cách thức tổ chức và hoạt động của IMF và WB cũng phải mới hơn để thích ứng.

Một hướng khác, IMF và WB có thể mở rộng cơ cấu tổ chức với sự tham gia ngày càng nhiều và sâu hơn của đại diện các nước đang phát triển để các chính sách hoạt động của 2 định chế này không bị chi phối bởi ý đồ chính trị của các cường quốc.

Đáng chú ý nhất gần đây là ý kiến của Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng IMF nên được cải cách theo hướng mở rộng tầm hoạt động trong lĩnh vực tài chính để kiểm soát tốt hơn hệ thống tài chính toàn cầu. Song song đó, IMF cũng cần được trang bị một "hệ thống cảnh báo sớm" về tài chính để kịp thời có biện pháp ngăn chặn hoặc chí ít cũng có biện pháp giải quyết khủng hoảng chứ không phải chịu "bó tay" như hiện nay

Văn Trương(Tổng hợp)
.
.