“Can thiệp vào nội bộ các nước khác không giải quyết được gì”
Ngày 23-11, Ai Cập ra tuyên bố sẵn sàng tham gia chống khủng bố cùng Nga. Một số nguồn tin Trung Đông cho biết, 3 chiến đấu cơ của quân đội Ai Cập đã bay tới Syria vào tuần qua và tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố cùng Nga và quân đội Syria. Dù không giới chức nào xác nhận thông tin, nhưng vào tháng trước, một nhóm sĩ quan Ai Cập đã tới Syria. Tin bề ngoài thì nói nhóm sĩ quan này tới Syria để huấn luyện cùng... Nga nhưng người ta tin rằng, đây là nhóm kỹ thuật của Không quân Ai Cập đi tiền trạm để dọn đường cho chiến đấu cơ Ai Cập vào Syria.
Việc Ai Cập vào Syria, nếu được công bố chính thức, sẽ có thể khiến cục diện Trung Đông thêm... sôi động. Nga sẽ có thêm một đồng minh cực kỳ lợi hại, trong khi Arập Xêút sẽ như... ngồi trên đống lửa. Bởi việc Ai Cập theo Nga không chỉ là thất bại của riêng Arập Xêút - nước đã bỏ nhiều tiền để mua chuộc Ai Cập nhưng thất bại. Đó còn là thất bại của cả Mỹ (Mỹ của Obama chứ không phải của Trump), vì thiếu Ai Cập thì chiến lược Trung Đông của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, Tổng thống El Sisi của Ai Cập ngày càng tỏ ra tự tin trong việc thiết lập mối liên kết với Nga, với Putin mà không cần phải bận tâm xem phương Tây nghĩ gì. Tất nhiên, đây là cuộc chơi của lợi ích. Nếu Ai Cập giúp Nga ở Syria thì ngược lại Nga hứa sẽ “hết mình” để giúp Ai Cập thắng tại láng giềng Libya.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi (trái) bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm của ông Putin tới Ai Cập năm 2015. Ảnh: Fox News. |
Trong phát biểu mới nhất, ông El Sisi cũng tuyên bố ưu tiên của Ai Cập là hợp tác với các chính phủ Syria, Iraq, Libya,... để quét sạch các nhóm khủng bố hoặc thánh chiến (có màu sắc giống như nhóm Huynh đệ hồi giáo từng “gây thanh thế” ở Ai Cập). Tổng thống El Sisi cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ bằng quân sự, chứ không chỉ là về chính trị. Xin mở ngoặc một chút, ông El Sisi mâu thuẫn với Obama nhưng lại tỏ ra khá... “hợp cạ” với Tổng thống đắc cử Trump của Mỹ. Ai Cập đang hy vọng chính phủ mới ở Mỹ sẽ sửa chữa được mối quan hệ 2 nước, mà vốn bị hủy hoại nhiều dưới thời ông Obama.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua đánh dấu đúng 1 năm Moscow can thiệp vào Syria trong khuôn khổ chiến lược phục hồi vị thế siêu cường của Liên Xô của thời Chiến tranh Lạnh, tái lập quân bình trong quan hệ quốc tế tại Trung Đông. Cho đến nay, quan hệ Mỹ - Nga tuy chưa đóng băng nhưng hoàn toàn lạnh nhạt như thời Chiến tranh Lạnh. Washington tuyên bố “mất hết kiên nhẫn” và “đình chỉ thương lượng” với chính quyền Moscow trên hồ sơ Syria.
Phía Nga, Tổng thống Putin ký sắc lệnh “đình chỉ” thỏa thuận về Plutonium được 2 nước ký kết vào năm 2010 trong khuôn khổ hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tại Syria hiện nay, không quân Nga tận lực yểm trợ cho Tổng thống Bachar al Assad trong lúc chính quyền Damacus tung toàn lực, cùng chiến binh phe Shia trong khu vực, từ Iran, Iraq cho đến Hezbollah - Liban cố gắng chiếm lại toàn bộ thủ đô kinh tế Aleppo.
Tổng kết thành quả 1 năm can thiệp của Nga, cựu tướng Dominique Trinquant, chuyên gia khủng hoảng của Pháp nhận định: “Kết quả tích cực cho nước Nga, trong phạm vi người Nga có thể đối thoại ngang hàng với Mỹ. Trên trường quốc tế, Nga lấy lại được vị trí chiến lược bị đánh mất từ nhiều năm trước. Đối với tình hình Syria, sự can thiệp của Nga đã cứu cho chính quyền Assad không bị sụp đổ.
Ngược lại, về quân sự, trận Aleppo là trận đánh cực kỳ quan trọng đối với chính quyền Damascus. Tổng thống Bachar al Assad đã phục hồi vị thế vững chắc để đàm phán với phe đối lập. Tuy nhiên, vì đã quá mạnh, chính quyền Damascus sẽ không cần hòa đàm. Những gì họ đang làm tại Aleppo, tập trung sức mạnh quân sự tiêu diệt đối lập cho thấy họ không muốn thương lượng”.
Tổng thống Syria Bachar al-Assad khẳng định rằng ông Donald Trump sẽ là một “đồng minh tự nhiên” nếu ông nhất quyết chống khủng bố. |
Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên đài truyền hình Bồ Đào Nha RTP tối 15-11-2016, Tổng thống Syria Bachar al-Assad đã khẳng định rằng tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump sẽ là một “đồng minh tự nhiên” nếu ông nhất quyết chống khủng bố. Đây là phản ứng đầu tiên của lãnh đạo Syria kể từ khi ứng cử viên Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8-11.
Tuyên bố này của ông Assad được đưa ra vào lúc cả thế giới đang chờ xem chính sách tương lai của Mỹ về khủng hoảng Syria sẽ như thế nào một khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống. Nhưng những gì mà tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ nói cho đến nay về tình hình Syria khiến người ta phải đặt câu hỏi: Trump có bắt tay với Assad?
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ The Wall Street Journal ngày 12-11, nhà tỷ phú Mỹ đã đề ra chủ trương là nên tập trung nhiều hơn vào việc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS). Ông Trump cho rằng, nếu cứ tìm cách thay thế Bachar al-Assad, “rồi chúng ta cũng sẽ đánh luôn cả nước Nga, đồng minh của chế độ Damascus”.
Trước đó, trên tờ New York Times vào tháng 7-2016, ông Trump cũng đã tuyên bố rằng IS là mối đe dọa lớn hơn chính quyền Damascus. Lúc đó, ứng cử viên Cộng hòa đã nhấn mạnh đến lập trường của ông là không muốn Mỹ can thiệp vào Syria, vì ông cho rằng “đã 50 năm rồi Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, nhưng chỉ toàn gây ra các vấn đề, chứ không giải quyết được gì”.
Ông Trump cũng đã ngầm nêu lên khả năng Mỹ ngưng trợ giúp vũ khí cho các nhóm vũ trang thuộc phe đối lập ôn hòa, hiện vừa chiến đấu chống chế độ Assad, vừa đương đầu với lực lượng thánh chiến Hồi giáo.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura, trên đài BBC ngày 15-11 đã cho rằng lập trường của ông Trump, qua những phát biểu nói trên, là “hợp lý”, tức là cứ tập trung đánh IS trước đã, rồi sau đó với Nga tìm ra một giải pháp thương lượng cho khủng hoảng Syria.
Như vậy là chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách của Mỹ về Syria, theo hướng tìm một giải pháp với chính quyền Assad để chống khủng bố Hồi giáo. Giới phân tích cho rằng sắp tới ông Trump có thể thỏa thuận với Nga để yên vấn đề ở Trung Âu và Trung Đông, từ đó dồn toàn lực đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia ở Mỹ bày tỏ bi quan rằng việc ông Trump lên làm tổng thống có thể dẫn đến một sự thay đổi cực đoan chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều này có thể gây ra hai hậu quả. Thứ nhất Nga hoặc Trung Quốc có triển vọng mở rộng ảnh hưởng của họ trên thế giới và thứ hai các đồng minh của Mỹ sẽ phải tìm cách để càng ít phụ thuộc vào Hoa Kỳ càng tốt.
Với những nước giàu có như Ðức hoặc Nhật, việc canh tân các lực luợng quân sự còn có thể làm được tuy rằng tốn kém. Nhưng đối với những nước nghèo hơn họ sẽ phải chạy để tìm một nơi bảo vệ. Và nếu chuyện đó xảy ra, trật tự quốc tế vốn đã kéo dài được 70 năm nay có thể bị đảo lộn, theo chiều hướng tốt hay xấu thì chưa rõ.