Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ với vấn đề người Kurd

Thứ Hai, 21/01/2019, 14:40
Sau những tín hiệu tích cực khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, vấn đề người Kurd lại trở thành trở ngại mới khiến mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lao dốc, thậm chí có nguy cơ lâm vào ngõ cụt. Dù đã nhượng bộ rút quân, song Mỹ lại không nhận được sự đảm bảo an toàn cho các tay súng người Kurd từ phía đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này đã khiến Tổng thống Donald Trump tức giận, đe dọa đánh sập nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu dám tấn công người Kurd.

Giọt nước tràn ly

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây đã làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông quốc tế với nhiều mâu thuẫn cũ - mới đan xen, ngày càng có xu hướng đi vào bế tắc. Giọt nước tràn ly mới nhất liên quan đến quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ vì Washington không còn lý do ở lại Syria khi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tới hồi kết.

Phía Mỹ tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm giải quyết nốt tàn dư IS ở Syria. Điều đáng chú ý là, Mỹ - Thổ đã hoàn toàn phớt lờ câu chuyện về người Kurd, buộc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phải đích thân đến Thổ Nhĩ Kỳ để chữa cháy.

Thế nhưng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không gặp ông John Bolton, đồng thời đề nghị Mỹ phải rút quân nhanh như tuyên bố, bắt đầu từ khu vực Manbij ở phía bắc Syria. Ngoài ra, phía Ankara bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Washington cho rằng chỉ rút quân khi Ankara phải thực hiện được nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở Syria, coi đây là tuyên bố làm phức tạp thêm tiến trình rút quân khỏi Syria.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết “xóa sổ” mối đe dọa người Kurd đến từ thung lũng sông Euphates và đang tích cực chuẩn bị cho một chiến dịch xuyên biên giới.

Ông Erdogan tái khẳng định, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là đánh bật những nhóm cực đoan khỏi khu vực cũng như các tay súng người Kurd hoạt động bất hợp pháp, như đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các chi nhánh của lực lượng này tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS, như là một chi nhánh của PKK.

Thậm chí, Ankara chỉ trích rằng Washington đã phạm một sai lầm tai hại khi đánh đồng người Kurd tại Syria với các tay súng người Kurd thuộc Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và YPG.

Việc cố vấn John Bolton bị hắt hủi ở Thổ Nhĩ Kỳ, rắc rối trong vấn đề người Kurd, cộng thêm động thái Ankara bỏ ngoài tai yêu cầu ngừng mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow sau lời chào mời sẽ bán cho hệ thống Patriot tân tiến từ Washington đã khiến Tổng thống Donald Trump nổi giận. Về việc Mỹ rút khỏi Syria, ông Trump cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên coi đây là một cơ hội để tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd ở Syria.

Trong một tuyên bố trên Twitter, Tổng thống Trump tuyên bố “sẽ hủy hoại kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tấn công người Kurd”.

Dù là đồng minh tích cực, song giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có giai đoạn rất căng thẳng.

Trừng phạt hay đối thoại

Những bất đồng trong quá khứ chưa kịp giải quyết xong, những mâu thuẫn mới lại phát sinh khiến cho mối quan hệ giữa Washington và Ankara lao dốc. Ngoài vấn đề người Kurd, căng thẳng Mỹ - Thổ còn đến từ những bất đồng sâu xa hơn, có thể xuất phát từ thời điểm diễn ra cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, đã trở nên lạnh nhạt hơn khi quốc gia này không nhận được sự ủng hộ trong cách thức giải quyết vấn đề hậu đảo chính.

Bên cạnh đó, Mỹ còn tỏ ra cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ trong một loạt vấn đề bề nổi song phương như yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen đang định cư tại Mỹ, hay việc mua bán vũ khí quân sự của Ankara, cho đến đòi hỏi của Washington về việc thả linh mục Andrew Brunson bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi năm ngoái.

Căng thẳng gia tăng khi Mỹ liên tục có những động thái trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế, như tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái trên của Washington khiến Ankara rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ chưa từng có. Thay vì kêu gọi đối thoại, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức đáp trả với tuyên bố sẽ không nhượng bộ, coi cuộc khủng hoảng là cuộc đấu tranh dân tộc chống lại các thế lực thù địch kinh tế.

Ankara cảnh báo các biện pháp trừng phạt và sức ép sẽ chỉ gây tổn hại tới mối quan hệ giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời làm suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ. Tổng thống Erdogan cho biết, Ankara sẽ kiên cường đáp trả, cũng như sẵn sàng tìm kiếm những đồng minh chiến lược mới nếu nước này không thấy sự tôn trọng trong quan hệ song phương với Washington.

Tuy nhiên, trong một cuộc điện đàm ngày 15-1, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đã có những tuyên bố tích cực hơn. Hai bên đã thảo luận ý tưởng thành lập vùng an toàn dọc biên giới, vừa đảm bảo an ninh cho những đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Syria, đồng thời ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào vào Thổ Nhĩ Kỳ từ lãnh thổ Syria. Đây được coi là dấu hiệu tích cực, mở ra hi vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Thổ sau những thất bại đối thoại trước đây...

Nam Hồng
.
.