Căng thẳng Trung-Ấn hạ nhiệt từ những tín hiệu khả quan

Thứ Ba, 29/09/2020, 08:20
Đã có những dấu hiệu giảm nhiệt căng thẳng ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ khi hai bên liên tục phát đi những tín hiệu khả quan. Tuy vậy, nếu không có những tính toán ở tầm chiến lược, quan hệ Trung-Ấn sẽ chưa thể trở về quỹ đạo.

Sẵn sàng cho đàm phán các cấp

Cuối ngày 23-9, Ấn Độ cho biết các tư lệnh quân đội của nước này và Trung Quốc đã nhất trí “ngừng điều thêm quân” đến khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya sau các cuộc thảo luận cấp cao giữa hai nước.

Tư lệnh quân đội hai nước đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhằm giảm căng thẳng sau vụ đụng độ tại biên giới hồi tháng 6 vừa qua, trong đó vòng đàm phán thứ 6 đã được tổ chức hôm 22-9, song cho tới nay, hai bên dường như chỉ đạt được ít tiến bộ. Quân đội Ấn Độ cho biết hai bên đã nhất trí “ngừng điều thêm quân đến biên giới, kiềm chế đơn phương thay đổi tình hình trên thực địa và tránh có bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình. Hai bên cũng nhất trí tránh những hiểu lầm và đánh giá sai lầm cũng như tổ chức cuộc họp tiếp theo càng sớm càng tốt”.

Ngày 21-9, Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện nỗ lực mới để giảm bớt căng thẳng trên tuyến ranh giới thực tế. Cuộc đàm phán này đã diễn ra tại trạm Moldo về phía Trung Quốc trên tuyến ranh giới thực tế, mang lại hy vọng nhanh chóng trong việc thực thi sự đồng thuận 5 điểm trong thời gian sớm nhất. Sự đồng thuận gồm 5 điểm về giảm leo thang trên biên giới do các ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ hoạch định tại cuộc gặp song phương ở Moscow (Nga) ngày 10-9, bên lề cuộc họp cấp Bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trong những điểm này có mục tiếp tục đối thoại, tuyên bố về sự cần thiết rút quân và giảm căng thẳng, tuân thủ tất cả các thỏa thuận hiện có hiệu lực về quy chế biên giới.

Tuy nhiên, để chắc chắn có được những bước tiến xa hơn, trong thời gian sắp tới, các nhà quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải quyết định làm thế nào để biến đồng thuận chính trị về giảm leo thang thành hành động cụ thể trên tuyến phân giới trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt của dãy núi Himalaya.

Vào mùa đông, thông thường, quân đội không tiến hành hoạt động tích cực trên núi. Do đó, tình hình chắc sẽ lắng dịu. Tuy nhiên, như vậy không loại trừ việc mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở hai bên tuyến phân chia bởi vấn đề chưa được giải quyết nên vẫn có khả năng xung đột. Thế nhưng, cũng vẫn có hy vọng về giải pháp cho vấn đề theo chiều hướng xây dựng vì ban lãnh đạo cao nhất của cả hai nước đều hoàn toàn không mong muốn leo thang căng thẳng. Hàng loạt quan sát viên không loại trừ rằng trong tương lai gần, Trung-Ấn có thể sớm huy động lại cơ chế đàm phán biên giới đã tồn tại nhiều năm ở cấp lãnh đạo quân sự và ngoại giao.

Hai bên Trung-Ấn đã có những tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng trên thực địa.

Tính toán và lợi ích còn lệch nhau

Căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn hiện nay chỉ là một biểu hiện tập trung của nhiều vấn đề trong quan hệ song phương. Bất đồng giữa hai nước về một số vấn đề cơ bản là tương đối lớn. Căng thẳng biên giới có thể chỉ được làm dịu trong ngắn hạn và có thể bùng lên bất cứ lúc nào nếu như hai nước tiếp tục không tìm được điểm đồng trong những quan điểm quốc tế và địa chính trị chung. Đối với tình hình khu vực và thế giới hiện nay, giới hoạch định chiến lược Ấn Độ cho rằng hệ thống quốc tế đang trong quá trình chuyển đổi, trong đó thay đổi lớn nhất là sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Mỹ.

Với Ấn Độ, sự gia tăng sức mạnh nhanh chóng của Trung Quốc và việc Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương đã tác động tới ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực. Do vậy, Ấn Độ liên tục tăng cường hợp tác quân sự và chiến lược với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia..., mong muốn thúc đẩy hợp tác tài chính với các nước này, ứng phó với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thậm chí mong muốn thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu và ngành nghề. Nhưng đồng thời, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ cũng mong muốn gây sức ép với Bắc Kinh vào thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép lớn từ Mỹ.

Ấn Độ cũng đang tìm cách để có thể hưởng lợi lớn từ cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung. Mặc dù Ấn Độ có lợi thế khi sở hữu một thị trường nội địa lớn, song hầu hết các công ty đa quốc gia đều tập trung vào hoạt động xuất khẩu và duy trì các chuỗi giá trị toàn cầu của mình. Do đó, với vị thế hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới nhưng chỉ là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 20 trên toàn cầu, mức độ mà Ấn Độ có thể hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn nữa, nhằm cạnh tranh với các quốc gia khác vốn cũng đang mong muốn thu hút được các khoản đầu tư lớn đang chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc, Ấn Độ phải ưu tiên việc cải thiện điều kiện hoạt động kinh doanh và ổn định các cơ chế chính sách. Căng thẳng Trung-Ấn gia tăng cũng có thể sẽ làm giảm khả năng Ấn Độ trở thành điểm đến cho các công ty muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Cách hành xử và tìm một hướng đi đúng trong quan hệ với Bắc Kinh chưa bao giờ là dễ dàng với New Delhi, đặc biệt khi Ấn Độ cũng đang nuôi trong mình những tham vọng lớn lao về địa chính trị khu vực. Việc Trung Quốc và Ấn Độ liên tiếp phát đi những tín hiệu lạc quan trong giảm căng thẳng biên giới rõ quyết tâm “hạ nhiệt những cái đầu nóng của hai gã khổng lồ châu Á” để tránh bị đẩy vào một cuộc đối đầu không mong muốn.

Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa đủ để dung hòa các lợi ích của cả hai bên ở nhiều vấn đề quan trọng khác. Hai bên cần phải nhận thức được rằng, đảm bảo quan hệ Trung-Ấn ổn định sẽ góp phần không nhỏ bảo đảm ổn định trong khu vực. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ chỉ sau Mỹ, trong khi Ấn Độ là nguồn cung quan trọng của các ngành công nghệ và kĩ thuật Trung Quốc.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.