Căng thẳng biểu tình ở Thái Lan

Thứ Tư, 23/09/2020, 17:04
Bất chấp những lời cảnh báo của cảnh sát và lời khuyên từ các cơ quan phòng chống đại dịch COVID-19, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập và chiếm đóng một cánh đồng có ý nghĩa lịch sử ở thủ đô Thái Lan để ủng hộ phong trào biểu tình do giới sinh viên dẫn đầu với mục đích yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử mới và sửa đổi hiến pháp.

Diễn biến phức tạp

Phong trào phản kháng của giới sinh viên Thái Lan diễn ra liên tục từ giữa tháng 7 đến nay. Một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm vừa diễn ra ngày 19-9, với sự tham gia của hàng nghìn người nhằm mục đích yêu cầu cải tổ.

Trong diễn biến mới nhất, những người lãnh đạo biểu tình thuộc Mặt trận Thống nhất vì Thammasat và Biểu tình (UFTD) ngày 20-9 đã trao những yêu cầu của họ cho Tư lệnh Cảnh sát vùng đô thị Bangkok (MPB) và sau đó tuyên bố kết thúc cuộc biểu tình kéo dài từ hôm trước. Các thủ lĩnh sinh viên, do lãnh đạo UFTD Panusaya Sithijirawattanakul dẫn đầu, đã đàm phán với Tư lệnh MPB, Trung tướng cảnh sát Pakapong Pongpetra và cho biết những người biểu tình quyết định trình các yêu cầu lên Chủ tịch Hội đồng Cơ mật thông qua Tư lệnh MPB.

Nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trong những tháng qua.

Theo truyền thông sở tại, những yêu cầu của người biểu tình bao gồm một hiến pháp mới, chính phủ hiện tại từ chức và cải cách chế độ quân chủ. Các thủ lĩnh biểu tình cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc biểu tình vào ngày 24-9 bên ngoài Quốc hội và vào ngày 14-10 tại một địa điểm sẽ được thông báo sau.

Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra trong không khí ôn hòa. Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan cho biết, cảnh sát sẽ không sử dụng bạo lực với người dân. Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, các nỗ lực đang được tiến hành để xem xét các yêu cầu sửa đổi hiến pháp, chỉ ra rằng Hạ viện đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu việc sửa đổi các điều lệ. Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của sinh viên tham gia biểu tình.

Không những vậy, ngày 18-8, Chủ tịch Hạ viện Chuan Lekpai đã chấp nhận kiến nghị do phe đối lập, bao gồm đại diện đảng Pheu Thai, Prachachat, Puea Chat, Thai People Power và Seriruamthai, đệ trình về sửa đồi Điều 256 Hiến pháp, mở đường cho việc thành lập một cơ quan soạn thảo hiến pháp mới. Theo điều này, mọi thay đổi hiến pháp cần sự ủng hộ của ít nhất 1/3 Thượng viện, hoặc 84 thượng nghị sĩ. Theo ông Chuan, quá trình xác minh tính hợp pháp của kiến nghị sẽ được bắt đầu ngay lập tức và kiến nghị có thể được đưa vào chương trình nghị sự của Hạ viện trong 15 ngày.

Không chỉ có một nguyên nhân

Có thể nói, đoàn người biểu tình kêu gọi sửa đổi hiến pháp, để có thể lần nữa tìm kiếm những người thực sự đại diện cho lá phiếu, quyền lợi của họ. Tuy nhiên, đó có thực sự là điều họ mong muốn?

Trước hết, như nhiều quốc gia khác trong đại dịch COVID-19, Thái Lan đang trải qua thời khắc khó khăn. Theo thống kê của Văn phòng Hội đồng Kinh tế quốc gia và Phát triển xã hội Thái Lan, GDP quý II dự đoán sẽ giảm 12%, thấp kỷ lục trong hơn 2 thập niên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Xuất khẩu giảm 28,3%, đầu tư tư nhân giảm 15%, tiêu dùng tư nhân giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu đến từ du lịch, một trong những ngành kinh tế chủ chốt của Thái Lan, có thể sụt giảm xuống chỉ còn 618 tỷ baht (tương đương 20 tỷ USD), chỉ bằng chưa đầy 1/3 so với năm 2019 và dự kiến có thể còn thấp hơn nữa.

Theo văn phòng trên, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ tác động lâu dài và gây áp lực lớn lên nền kinh tế Thái Lan, khiến GDP quốc gia đối mặt với khả năng suy giảm tới 7,3-7,8% năm 2020. Triển vọng kinh tế năm 2020 của Thái Lan là u ám nhất châu Á do đây là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch - hai ngành bị ảnh hưởng rất nặng bởi đại dịch. Ngoài ra, kinh tế Thái Lan còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đồng baht mạnh. Đồng baht Thái đã tăng hơn 6% trong quý II vừa qua, là đồng tiền tăng mạnh thứ hai ở châu Á.

Quan trọng hơn, sau cuộc bầu cử Thái Lan năm 2019 với kết quả bỏ phiếu sít sao và đảng Tương lai mới của tỷ phú, Chủ tịch Thanathorn Juangroongruangkit, nhân vật được nhiều người ưa thích, buộc phải giải thể, một bộ phận cử tri Thái Lan, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã cho rằng tiếng nói của mình chưa được lắng nghe. Đây có lẽ là là hai động lực chính đằng sau những cuộc biểu tình quy mô lớn.

Vừa qua, nội các Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch vay 214 tỷ baht (tương đương 6,87 tỷ USD) nhằm bù đắp vào khoản thu tới tháng 9 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trước đó, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết nguồn thu của chính phủ trong 8 tháng đầu năm tài khóa (tháng 10 - tháng 5) chỉ đạt 1.500 tỷ baht, thấp hơn 11,2% so với kế hoạch. Nội các Thái Lan cũng phê chuẩn kế hoạch 114 tỷ baht (3,66 tỷ USD), hỗ trợ cho vay tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, nước này đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ baht (tương đương 61,19 tỷ USD) nhằm khắc phục hệ quả từ đại dịch, song việc triển khai chưa đạt kỳ vọng.

Trong bối cảnh hiện nay, đó là những chính sách lớn và cần thiết của Bangkok. Tuy nhiên, liệu từng đó đã đúng và đủ để đáp ứng nguyện vọng, khôi phục lòng tin nơi một bộ phận cử tri hay chưa, đây vẫn là câu hỏi chưa lời giải đáp.

Theo AP, sự xuất hiện của phe Áo đỏ, bên cạnh số lượng người biểu tình ngày càng gia tăng, đã khiến phong trào mới này mang dáng dấp của cuộc đấu tranh chính trị mà Thái Lan đã phải trải qua gần như suốt 2 thập niên qua. Amorn Panurang, một người biểu tình, được AP dẫn lời: “Nếu chúng ta có một chính phủ tốt, một chính phủ dân chủ thì các hoạt động chính trị, giáo dục và hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta sẽ tốt hơn thế này nhiều. Đó là ước mơ của chúng ta. Và chúng ta hy vọng rằng ước mơ đó sẽ trở thành sự thật”.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.