Căng thẳng ngoại giao Trung Quốc: Khó khăn của tân nội các Nhật Bản

Thứ Hai, 27/09/2010, 09:15
Ba ngày sau khi tái đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản, Thủ tướng Naoto Kan đã tiến hành cải tổ nội các. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, lãnh đạo đảng trung tả duy trì bộ trưởng tài chính nhưng thay thế ngoại trưởng.

Với việc cải tổ nội các, Thủ tướng Naoto Kan trước tiên tìm cách tránh cho đảng Dân chủ trung tả khỏi bị đổ vỡ sau một năm lên nắm quyền. Đáng ra phải tìm cách ngăn chặn đà tụt dốc của kinh tế Nhật thì ông Naoto Kan cho thay Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Seiji Maehara, Bộ trưởng Giao thông và Lãnh thổ thay thế ông Katsuya Okada, trong lúc căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh đang gia tăng trên vấn đề các đảo nhỏ giàu khí đốt nằm trong vùng biển đang có tranh chấp giữa hai nước. Đồng thời giờ cũng là lúc Tokyo và Washington phải tiến tới hoàn tất thỏa thuận về căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa. Ông Okada sẽ chuyển qua giữ chức Tổng thư ký của đảng Dân chủ Nhật Bản đang cầm quyền.

Thủ tướng Naoto Kan vẫn giữ lại Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda. Một cách để chứng tỏ rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường nhằm giảm giá đồng yen và để củng cố thêm sức cạnh tranh của các công ty Nhật.

Để khỏi bị rơi vào suy thoái kinh tế, Nhật Bản vẫn còn phải dựa vào xuất khẩu. Thủ tướng Naoto Kan không có ý gì nhằm cơ cấu lại nền kinh tế trong nước. Kinh tế Nhật hiện đang mất khả năng tạo ra nguồn tài chính để chi phí cho dân số đang già đi và để giảm nợ nhà nước hiện đã lớn gấp hai lần tổng sản phẩm quốc nội Nhật Bản.

Trong khi đó, quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang kể từ sau vụ lực lượng tuần duyên Nhật bắt giữ tàu đánh cá của Trung Quốc hôm 7/9. Trong một diễn biến mới nhất, một tòa án của Nhật đã cho phép các thẩm phán gia hạn thời gian giam giữ thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc, ông Chiêm Khởi Hùng thêm 10 ngày.

Theo Hãng thông tấn Kyodo, lệnh tạm giam có thể kéo dài tối đa cho đến ngày 29/9. Vụ "bê bối tàu đánh cá" xảy ra hôm 7/9 và đến ngày 13/9, Nhật đã trả tự do cho 14 thủy thủ Trung Quốc bị bắt giữ trước đó. Tuy nhiên, thuyền trưởng Chiêm Khởi Hùng vẫn bị giam giữ.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật, sau khi bị thẩm vấn, 14 thủy thủ kể trên đã lên một chiếc máy bay thuê bao của Trung Quốc để trở về nước. Giới chức Nhật nói rằng nhóm 14 người kể trên không bị giam giữ, chỉ là bị thẩm vấn trên tinh thần tự nguyện vì đã chống đối người thi hành công vụ cũng như đánh bắt cá trái phép. Thuyền trưởng Chiêm không nằm trong nhóm được trả tự do.

Từ đầu vụ va chạm cho đến nay, Trung Quốc luôn yêu cầu Nhật phải trả tự do cho tất cả các thủy thủ, bao gồm thuyền trưởng Chiêm Khởi Hùng. Tuy nhiên, yêu cầu này không được Tokyo đáp ứng. Chính điều này đã khiến phía Bắc Kinh tức tối. Ngoài việc 5 lần trong một tuần triệu đại sứ Nhật tại Bắc Kinh lên để phàn nàn, rồi tuyên bố hoãn cuộc đàm phán với Nhật Bản về vấn đề biển Hoa Đông, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 9 này, mới đây hôm 19/9, Trung Quốc tuyên bố hoãn các cuộc giao lưu song phương cấp tỉnh và cấp bộ. Bắc Kinh cũng ngừng liên lạc với Tokyo liên quan đến những vấn đề tăng cường các chuyến bay dân sự và mở rộng các quyền lợi hàng không giữa hai nước.

Thành phần tân nội các của Thủ tướng Naoto Kan ngày 17/9/2010.

Theo Bộ Ngoại giao nước này, số lượng khách du lịch Trung Quốc đi Nhật Bản đã giảm đáng kể sau sự kiện trên. Phản ứng trước việc Tòa án Ishigaki gia hạn giam giữ thuyền trưởng tàu cá, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc, ngày 19/9 cho biết, quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo sẽ bị tổn hại nghiêm trọng vì động thái này của phía Nhật Bản và cảnh báo sẽ tiến hành "những biện pháp đáp trả mạnh mẽ".

Không những vậy, cuộc tranh chấp biển đảo còn có sự tham gia của Hồng Kông, Đài Loan khi hai vùng lãnh thổ này dự định đưa tàu cá và tàu chiến tới khu vực nói trên. Đáng chú ý nữa là vào mấy ngày qua đã diễn ra các cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại nhiều nơi của Trung Quốc. Ngày 18/9, khoảng 300 người dân Hồng Kông (Trung Quốc) đã tiến hành biểu tình gần khu vực Lãnh sự quán Nhật Bản tại khu hành chính đặc biệt này để phản đối Tokyo về sự việc trên.

Nhiều người lo ngại vụ việc mới xảy ra này có thể châm ngòi cho sự bùng phát trở lại các cuộc biểu tình bạo động chống lại các quyền lợi của Nhật Bản ở Trung Quốc vào năm 2005 và 2006. Kèm theo những căng thẳng kỳ này, là kỷ niệm 79 năm sự kiện Trung Quốc gọi là sự cố 18/9, lúc quân đội Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc. Việc Nhật Bản chiếm đóng một phần lớn Trung Quốc trước Thế chiến II vẫn để lại một nỗi cay đắng sâu xa tại nước này.

Giữa lúc căng thẳng đang diễn ra, Trung Quốc đã vận chuyển các thiết bị khoan tới mỏ khí đốt tranh chấp trên biển Hoa Đông với Nhật Bản. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói: "Chúng tôi xác nhận rằng các thiết bị mới đã được đưa tới mỏ khí Shirakaba" (Trung Quốc gọi là Xuân Hiếu), nằm trong khu vực mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, các bức ảnh được Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chụp từ máy bay giám sát hàng ngày đã cho thấy động thái trên của Trung Quốc xung quanh mỏ khí tự nhiên này. Theo hình ảnh thu được, các công nhân (Trung Quốc) dường như đang chuẩn bị để khoan.

Biểu tình của người Hồng Kông, Đài Loan và Macao gần Lãnh sự quán Nhật tại Hồng Kông.

Trước những động thái của Trung Quốc, nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Naoto Kan ngày 18-9 đã bắt đầu cân nhắc các biện pháp đối phó cụ thể với Trung Quốc một khi nước này tiến hành khoan tại mỏ khí đốt Shirakaba. Thủ tướng Kan đã gặp Ngoại trưởng Seiji Maehara, Chánh Văn phòng Nội các Yoshito Sengoku và một số quan chức khác để thảo luận các biện pháp đối phó của nước này nếu thông tin về việc Trung Quốc tiến hành khoan tại mỏ khí Shirakaba được xác nhận. Cuộc gặp đã thảo luận kế hoạch Nhật Bản tự tiến hành khoan khảo sát tại vùng biển gần với cơ sở ngoài khơi của Trung Quốc trong dự án khai thác mỏ khí trên, nơi cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố có quyền thăm dò.

Cuộc gặp cũng thống nhất Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng giám sát tại khu vực xung quanh mỏ khí đốt bằng máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ trên biển. Giới chức Nhật Bản khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc, đồng thời hối thúc Bắc Kinh kiềm chế và giải quyết vấn đề thông qua các kênh ngoại giao. Đồng thời tân Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã lên tiếng cảnh báo rằng Tokyo sẽ hành động nếu Bắc Kinh đơn phương bắt đầu khoan tại mỏ khí Shirakaba.

Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Maehara cho biết Nhật Bản sẽ tiến hành xác minh thông báo của Trung Quốc rằng họ mang máy khoan vào mỏ Shirakaba chỉ để phục vụ công việc sửa chữa. Đồng thời, Ngoại trưởng Maehara cũng hối thúc Bắc Kinh tôn trọng các nguyên tắc trong dự án khai thác chung mỏ khí trên theo thỏa thuận hai nước đã đạt được từ năm 2008. Ngoại trưởng Maehara cũng bày tỏ quan ngại về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, được cho là đã tăng trên 10% trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Maehara cũng cho rằng Tokyo cần thúc đẩy mối quan hệ chiến lược và cùng có lợi với Bắc Kinh bởi Trung Quốc là một nước láng giềng quan trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Theo giới quan sát, thì cho dù các hành động của Trung Quốc và Nhật Bản có leo thang, nhưng không bên nào muốn quan hệ tốt đẹp hiện nay bị xấu đi vì sự cố tàu cá. Cả hai nước đều không muốn bị mất thể diện nhưng đồng thời cũng không muốn gây tổn hại cho quan hệ kinh tế song phương bởi vì cả hai rất cần đến nhau. Giới phân tích nhận định, tình hình vẫn có thể kiểm soát được và không gây ra vấn đề chính trị nghiêm trọng giữa hai nước. Cả hai bên nên cố gắng kiềm chế và nên ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt để giải quyết tranh chấp

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.