Căng thẳng quan hệ Nga-Ukraine
- Vòng xoáy căng thẳng mới trong quan hệ Nga – Ukraine
- Nga - Ukraine: Cơm chưa lành, canh chưa thể ngọt!
Âm mưu lớn?
Nga và Ukraine đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không để 2 tàu chiến loại nhỏ cùng 1 tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển Kerch để vào biển Azov. Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Nga, nước này cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moscow phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích.
Hãng tin TASS ngày 25-11 dẫn thông báo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đưa tin lực lượng biên phòng trực thuộc FSB đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine trên Biển Đen. Nga cũng đã khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xâm phạm biên giới quốc gia, buộc phía Nga phải sử dụng vũ khí.
Sự việc rõ ràng chỉ là “giọt nước tràn ly”, bởi trước đó, những dấu hiệu đã xuất hiện. Ngày 21-11, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bày tỏ đặc biệt lo ngại trước việc Ukraine tiếp tục có những hành động gây căng thẳng tình hình tại vùng biển Azov. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: “Những hành động của Ukraine như tuyên bố thành lập căn cứ hải quân ở Berdyansk và đóng cửa một số khu vực của biển Azov để bắn pháo, chính là nhằm mục đích quân sự hóa biển Azov”.
Căng thẳng dâng cao sau vụ nga bắt giữ 3 tàu hải quân ukraine trên biển Azov. |
Nga lấy làm tiếc vì chính sách đối đầu của Kiev nhằm gây bất ổn mối quan hệ Nga - Ukraine đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có Mỹ và các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), một số nước thành viên NATO.
Nhìn vào tình hình thực tế sẽ thấy rõ. Theo truyền thông Ukraine, ngày 26-11, máy bay do thám của Mỹ đã tiến vào Biển Đen. Chiếc máy bay do thám điện tử xuất hiện trên không phận Bulgaria và bay về hướng Bán đảo Crimea. Diễn biến trên diễn ra giữa lúc NATO triệu tập cuộc họp khẩn cấp với Ukraine.
Sau các “cuộc họp” với phương Tây, phía Ukraine đã ngay lập tức đưa ra thảo luận về cách thức vận hành hệ thống chính quyền khi nước này áp đặt lệnh thiết quân luật... Đến đây, một kịch bản dường như phần nào đã lộ ra.
Nguy cơ leo thang quân sự
Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đang gây lo ngại về sự leo thang quân sự. Vụ việc đang khiến tình hình trong khu vực nóng lên từng giờ. Tại Ukraine, chiều 26-11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn quốc. Những diễn biến trên được xem là bước gia tăng đối đầu trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ đẩy hai nước tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn.
Trên thực tế căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan tới biển Azov bùng phát từ đầu năm nay sau một loạt vụ hai bên bắt giữ các tàu của nhau, đỉnh điểm là vụ hải quân Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga cuối tháng 3-2018 cùng 10 công dân Nga, hay tàu chở dầu Mechanic Pogodin hồi tháng 8. Đáp lại, Nga siết chặt việc kiểm tra các tàu nước ngoài qua eo biển Kerch, trong đó nhiều tàu thương mại của Ukraine cũng bị giữ.
Khủng hoảng Nga - Ukraine tại Biển Azov mang những toan tính chiến lược. Ảnh: AP. |
Tháng 12-2003, hai nước đã ký hiệp định về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, xác định đây là vùng nội thủy của hai nước, do đó các tàu thương mại, tàu chiến, cùng các loại tàu thuyền khác của Liên bang Nga hoặc Ukraine đều được hưởng quyền tự do hàng hải tại đây. Hiệp định cũng khẳng định mọi tranh cãi liên quan phải được giải quyết bằng đàm phán và thương lượng, cũng như các giải pháp hòa bình khác giữa hai nước.
Tuy nhiên, sự kiện Crimea được sáp nhập vào Nga đặc biệt sau khi Nga khánh thành cây cầu hơn 3 tỷ USD đã khiến Ukraine từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Azov, như gia tăng số tàu hải quân và lực lượng tuần tra trên biển, triển khai thêm các lực lượng trên không, trên bộ, trên biển và pháo binh tới khu vực nhằm hiện thực hóa kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân tại đây trong năm 2018.
Những động thái này bị phía Nga coi là hành động khiêu khích với ý đồ “quân sự hóa” biển Azov, thể hiện thấy quyết tâm của Tổng thống Ukraine Poroshenko về việc gia nhập NATO, EU và dứt khoát chia tay Nga. Dù với mục đích gì thì biển Azov đã trở thành một điểm nóng mới trong quan hệ Nga và Ukraine, không chỉ khiến căng thẳng giữa hai nước càng khó hóa giải mà sẽ càng đẩy mối bất hòa giữa Nga - phương Tây đi xa và trầm trọng hơn.
Đụng độ Nga-Ukraine từ góc nhìn của chuyên gia quân sự sẽ thấy, quan điểm chính của Ukraine trong vụ việc này chỉ là kêu gọi phản ứng của cộng đồng quốc tế, từ đó gia tăng án phạt đối với Nga, trong khi đó, ở bên ngược lại, phía Nga không có kế hoạch gây chiến, quyết định nổ súng trên biển Azov chỉ là dựa theo tình hình và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nước này đang chuẩn bị quân đội phục vụ cho hành động quân sự.
Một cựu sĩ quan tình báo dự báo, diễn biến trong những ngày tới đây sẽ bao gồm: cuộc chiến truyền thông ngắn hạn; tăng án phạt chống lại Nga; và ổn định tình hình trong vòng 10-14 ngày. Sau vụ việc này, xung đột Nga-Ukraine sẽ chuyển sang cấp độ mới. Trong quan hệ ngoại giao, phương Tây sẽ tăng tuyên truyền chống Nga cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Ngoài ra, rất có thể Ukraine sẽ được hỗ trợ những gói viện trợ mới, bao gồm cả viện trợ quân sự. Chiến tranh thực sự sẽ không xảy ra, song những vụ đụng độ tại biên giới có nổ súng sẽ tăng lên.