Cảnh sát EU tăng cường trao đổi hồ sơ dữ liệu sinh trắc học

Thứ Sáu, 13/07/2007, 11:15
Một loạt dữ liệu mới đây của các cơ quan cảnh sát châu Âu cho thấy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ ở châu Âu giữa các băng nhóm tội phạm nước ngoài và mạng lưới mafia địa phương.

Các tổ chức tội phạm Trung Quốc, Thái Lan và Nigeria cộng tác với các băng nhóm Albanie và Lithuanie, đặc biệt trong lĩnh vực buôn người. Còn bọn yakuza Nhật Bản thì câu kết với băng đảng gốc vùng Balkan. Các nhóm khác bắt tay nhau tuồn heroin từ Afghanistan qua ngả Kosovo. Mạng lưới tội phạm dường như biến châu Âu thành trung tâm sản xuất amphétamine. Tiền giả cũng là một lĩnh vực hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia: 1 triệu tờ giấy bạc giả bị cảnh sát tịch thu hàng năm.

Đối mặt trước các hiện  tượng trên, EU đang cố gắng bàn bạc vấn đề tăng cường hợp tác trong ngành cảnh sát và tòa án. Thực tế cho thấy, chính hàng loạt trở ngại trong hợp tác giữa các quốc gia châu Âu đã làm tê liệt hoạt động điều tra của cảnh sát, đặc biệt đối với  Europol (thành lập năm 1999, đặt trụ sở ở La Haye).

Cơ quan Cảnh sát châu Âu - không có quyền tiến hành những cuộc điều tra riêng - bị gò bó bởi các vấn đề nguyên tắc và nhận được quá ít thông tin từ phía các nước thành viên EU. Tình huống này có thể dẫn đến một “cơn ác mộng quan liêu khủng khiếp”, Hugo Brady, cựu cộng tác viên Bộ Ngoại giao Ireland, nói.

Những khác biệt trong tổ chức cảnh sát của các quốc gia thành viên EU là nguyên nhân khác của tình hình rối rắm này. Tại một số nước, cảnh sát được quyền mở cuộc điều tra độc lập, trong khi cảnh sát của số nước khác phải có lệnh của Viện Công tố. Chính điều này đã gây nên những bất đồng về nhận xét đánh giá trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Những khác biệt về hệ thống pháp chế giữa các nước châu Âu cũng làm phức tạp thêm sự hợp tác điều tra. Ví dụ, nước Anh không công nhận sự nghe lén như là yếu tố bằng chứng. Nhưng bù lại, Cảnh sát Anh có thể sử dụng hình ảnh được ghi lại bởi hệ thống camera công cộng - điều mà các nước khác từ chối! Ở Đan Mạch, luật pháp không cho phép sử dụng các camera này.

Dữ liệu ADN cũng là một yếu tố khác gây bất đồng trong EU. Nước Anh có thể tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với mọi nghi phạm bị giam giữ và lưu giữ vô hạn định các dữ liệu liên quan. Trong khi Cảnh sát Thụy Điển chỉ có quyền đối với những can phạm mang án ít nhất 2 năm tù và giới hạn việc lưu giữ.

Năm 2005, 7 quốc gia - bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg - đã ký kết Hiệp ước Prum, đặc biệt nhất là cho phép trao đổi nhanh các dữ liệu ADN. Ngược lại, Italia và Balan không có hồ sơ thu hồi các thông tin như thế.

Tháng 1/2008, một điều luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận ngân hàng dữ liệu của cảnh sát một nước bởi cơ quan cảnh sát của một nước khác trong khối EU sẽ được thông qua. Tuy nhiên, điều luật mới này đã vấp phải những thái độ e dè của một số quốc gia. Ngày 12/6/2007, Bộ trưởng Nội vụ các nước EU đã họp ở Luxembourg và nhất trí việc thành lập mạng lưới chung hồ sơ ADN và dấu tay kỹ thuật số.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Wolfgang Schauble nói: “Với mạng lưới chung như thế, chúng ta sẽ có trong tay công cụ rất hiệu quả”. Theo ông, vào cuối năm ngoái, sự hợp tác trao đổi dữ liệu của cảnh sát 4 nước đã khám phá 3.500 thông tin tương hợp, giúp phá được hàng chục vụ án giết người và hiếp dâm.

Theo yêu cầu của Anh và Ireland, 27 nước thành viên EU đã chấp nhận điều luật cho phép cảnh sát được quyền hành động trên lãnh thổ nước khác trong trường hợp truy bắt tội phạm xuyên biên giới. Tuy nhiên, các bộ trưởng lại không tán đồng nhiều điểm khác: như là việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong khuôn khổ hợp tác giữa cảnh sát và tòa án; điều kiện chuyển dữ liệu qua quốc gia thứ ba, như là Mỹ...

Đới với CEPD (Cơ quan Kiểm soát châu Âu về bảo vệ dữ liệu, chịu trách nhiệm cảnh báo về quyền và tự do của những người có dữ liệu được xử lý trên đất châu Âu, đề xuất ý kiến về sự thiết lập những luật mới về vấn đề này và bảo đảm dữ liệu trên toàn châu Âu ở mức độ cao), “đã đến lúc để cho các chính quyền ở châu Âu chứng tỏ sự tương hợp nhau trong  bảo vệ dữ liệu”.

Trong báo cáo hàng năm lần thứ 3, CEPD nhấn mạnh việc bảo vệ là cần thiết trước khi các dữ liệu được trao đổi và cũng không hài lòng về việc thiếu bảo đảm quanh sự trao đổi dữ liệu cá nhân với quốc gia thứ 3 và các tổ chức quốc tế, như là sự chuyển giao dữ liệu liên quan đến những hành khách đến Mỹ. CEPD cũng lưu ý đến sự việc chính quyền Mỹ tiếp cận hệ thống Swift (mạng chuyển tiền quốc tế) vào mục đích chống khủng bố.

CEPD cũng tố cáo khuynh hướng lạm dụng các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đang tăng lên. CEPD ghi nhận thực tế là khi một cơ sở dữ liệu được tạo ra, nó bị sử dụng vào những mục đích khác hơn mục đích ban đầu khi mới được tạo. Ngoài ra, còn có nguy cơ sử dụng không chính đáng những dữ liệu cá nhân

Trần Thanh Phong (Theo Le Monde)
.
.