Cảnh sát Trung Quốc tăng cường chống nạn bắt cóc

Thứ Ba, 15/03/2005, 08:55

Sự phát triển của nền kinh tế những năm gần đây đã sản sinh ra nhiều người giàu có ở Trung Quốc. Vì vậy, bọn tội phạm ở nước này bắt cóc những người có "máu mặt", nhất là những phụ nữ trẻ đang có con thơ hay các em nhỏ nhằm đòi tiền chuộc. Trước tình trạng này, cảnh sát Trung Quốc áp dụng hàng loạt các biện pháp để trấn áp tội phạm, giải cứu con tin.

Theo tờ Nhật báo của thành phố Quảng Châu, nạn bắt cóc đòi tiền chuộc hay cưỡng hiếp phụ nữ ở đây ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng trong năm qua tại thành phố này đã xảy ra 20 vụ bắt cóc. Trong số đó, có nhiều vụ bọn tội phạm sử dụng vũ khí hiện đại để chống lại lực lượng giải cứu.

Ngày 2/7/2004, cảnh sát ở phía bắc thành phố Yinchuan, nằm ở phía đông bắc Trung Quốc, đã ngăn chặn và bắn chết kẻ bắt cóc tại một nhà hàng. Một vụ khác mới đây đã xảy ra đối với một phụ nữ trẻ có tên là Guo. Khi cô đang cùng con gái nhỏ đi trên chiếc xe Volkswagen Bora đỏ, thì bị một thanh niên 23 tuổi tên là Chen Haoran ép vào lề đường. Sau đó hắn đã tìm cách bắt cóc con gái của Guo và nhốt bé vào một khu vườn ở Changchun, thủ phủ của tỉnh Jilin. Sau đó đòi 12.000 USD tiền chuộc. Khi bị truy bắt, tên tội phạm liều mạng, đã lái xe với tốc độ rất nhanh, vượt qua sự bủa vây của mạng lưới cảnh sát dày đặc. Cuối cùng, tên tội phạm bị bắn hạ, thế nhưng hắn đã đâm chết con tin.

Hội thảo đề ra biện pháp cứu con tin

Bức xúc nhất hiện nay của Cảnh sát Trung Quốc là cứu thoát con tin khỏi tay bọn tội phạm. Chính vì vậy mới đây, tại Bắc Kinh đã diễn ra cuộc hội thảo về vấn đề trên. Theo Phó giám đốc Tang Qinghua ở Cục An ninh công cộng Changchun, mục đích của lực lượng cảnh sát, an ninh trong thời gian tới là nhằm đối thoại với những tên bắt cóc để giải cứu con tin. Điều này xem ra chưa mang tính chuyên nghiệp khi các vụ bắt cóc xảy ra.

Theo giáo sư Gao, một chuyên gia đầu ngành trong việc chống tệ nạn bắt cóc, khi tiến hành các cuộc đối thoại thành công với những kẻ bắt cóc có thể cứu sống được 80% con tin. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ này ở Trung Quốc chỉ dưới 50%. Nguyên nhân chính khiến việc cứu thoát con tin đạt tỉ lệ thấp là do kỹ năng thỏa thuận để đàm phán với bọn bắt cóc là quá kém.

Trên thực tế, khi không thỏa thuận thành công với những kẻ bắt cóc để cứu con tin buộc cảnh sát phải hành động thì lúc đó cũng gây nguy hiểm cho cả cảnh sát. Tại các cuộc hội thảo với mục đích là đưa ra biện pháp cứu con tin trước tiên, sau đó là việc bảo vệ cảnh sát và làm giảm tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

Theo giáo sư Wang ở Học viện An ninh Trung Quốc, tại các địa điểm phía tây của Trung Quốc đã diễn ra nhiều vụ bắt cóc, tuy nhiên, nhờ đàm phán tốt mà nhiều con tin đã được cứu thoát. Những kinh nghiệm nhằm giải cứu con tin trong bắt cóc theo các chuyên gia thì phải lấy kinh nghiệm tốt của nước ngoài, trong đó có Mỹ và các nước phương Tây. Vì vậy mà ngành An ninh, Cảnh sát Trung Quốc hiện nay muốn mời các chuyên gia của Cục Điều tra Liên bang Mỹ tới cùng hội thảo cũng như có các bài giảng cho các nhân viên cảnh sát.

Tăng cường tập luyện chống bắt cóc

Đằng sau các buổi hội thảo, Cảnh sát Trung Quốc thường xuyên tăng cường các buổi tập luyện nhằm chống nạn bắt cóc. Theo đó, các buổi diễn tập cứu hộ nạn nhân bị bắt cóc diễn ra ngay trên đường phố, chợ, siêu thị hay bất cứ nơi nào có nguy cơ xảy ra nạn bắt cóc. Buổi diễn tập có lúc quy tụ tới 200 cảnh sát, hàng chục nhân viên cứu hộ. Mục đích là, khi vụ bắt cóc xảy ra thì hành động của cảnh sát sẽ trở nên thuần thục hơn vì lẽ đó mà việc đảm bảo thỏa thuận và cứu thoát con tin cũng dễ dàng hơn.

Tại Bắc Kinh mới đây đã diễn ra một cuộc tập dượt chống nạn bắt cóc có sự tham dự của 50 cảnh sát cả nam lẫn nữ. Ngoài ra, còn chọn 17 dân thường giả làm con tin. Giáo sư Gao Feng thuộc Viện Cảnh sát Bắc Kinh cho rằng, điều cốt yếu là đảm bảo mạng sống cho các con tin. Trong cuộc sống được bảo đảm bằng luật và nhân quyền thì vấn đề bảo đảm mạng sống là rất quan trọng, kể cả các tên tội phạm bắt cóc, chỉ bắn chúng khi giải pháp đối thoại bị thất bại.

Để có giải pháp thành công trong đàm phán thì nhóm giải cứu con tin thường có 3 người, và những người có khả năng đàm phán thường là những nhân vật có nhiều kinh nghiệm trong cách thuyết phục, đàm phán với bọn tội phạm, biến các tình huống từ căng thẳng trở nên dễ chịu hơn. Mọi đe dọa bằng vũ lực trong các vụ bắt cóc gây khó khăn trong việc giải cứu và tỉ lệ cứu thoát con tin chỉ thành công là 3,6%. Vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, khi việc giải cứu con tin thông qua đàm phán bằng điện thoại là chủ yếu thì mọi việc nên xử lý bằng điện thoại trực tiếp hay gián tiếp đều có hiệu quả cao hơn biện pháp dùng vũ lực

Văn Hùng (Theo China Daily)
.
.