Catalonia đơn độc khi tuyên bố tách khỏi Tây Ban Nha
- Catalonia “phân cực” trước ngày bầu cử sớm
- Một triệu người dân Tây Ban Nha biểu tình chống Catalonia li khai
- Tây Ban Nha hoan nghênh cựu Thủ hiến Catalonia tranh cử
Hàng triệu người Tây Ban Nha đã tuần hành phản đối quyết định của lãnh đạo Catalonia.
Tuyên bố độc lập là một “tội ác”
Một quan chức Tây Ban Nha ngày 30-10 cho biết, Nghị viện Catalonia đã chính thức bị giải tán và chủ tịch cơ quan này sẽ đứng đầu một ủy ban chuyển tiếp gồm các nghị sĩ cho tới khi cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào ngày 21-12. Một người phát ngôn nghị viện giấu tên cho biết Chủ tịch Nghị viện Carme Forcadell đã hủy bỏ một cuộc họp Hội đồng Nghị viện vùng ngày 30-10 đã được lên kế hoạch trước đó. Cùng ngày, Trưởng công tố Tây Ban Nha đang tìm cách buộc tội đối với các cựu lãnh đạo vùng Catalonia, trong đó có bà Forcadell, các tội danh nổi loạn, xúi giục nổi loạn và biển thủ công quỹ.
Cũng trong ngày 30-10, đảng PDeCAT của cựu Thủ hiến Puigdemont tuyên bố sẽ tham gia cuộc bầu cử sớm tại Catalonia do chính quyền trung ương Tây Ban Nha tiến hành vào ngày 21-12 tới. Trong khi đó, nguồn tin từ Chính phủ Tây Ban Nha cho biết ông Puigdemont hiện đang ở Bỉ. Nhật báo La Vanguardia của Catalonia đưa tin ông Puigdemont đi cùng một số cựu quan chức trong bộ máy lãnh đạo dưới thời ông.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 28-10, Chính phủ Tây Ban Nha đã chính thức kiểm soát chính quyền vùng Catalonia với việc Thủ tướng Mariano Rajoy tiếp nhận mọi công việc điều hành của thủ hiến vùng này. Tuy nhiên, Thủ tướng Rajoy đã chuyển giao các công việc này cho Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria. Các bộ, ngành Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã tiếp nhận việc điều hành các cơ quan khác trong chính quyền Catalonia. Thủ tướng Rajoy khẳng định, tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalonia là một “tội ác”.
Ông khẳng định Tây Ban Nha là một quốc gia có uy thế và chính phủ sẽ không cho phép bất cứ thế lực nào hủy hoại tính nghiêm minh của hiến pháp. Hàng trăm nghìn người dân Tây Ban Nha đã đổ xuống đường phố ở thành phố Barcelona, thủ phủ vùng Catalonia, tuần hành phản đối việc vùng này đơn phương tuyên bố độc lập, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, ủng hộ một đất nước Tây Ban Nha thống nhất.
Người dân Tây Ban Nha biểu tình phản đối quyết định của Nghị viện Catalonia. Ảnh: Euronews. |
Người phát ngôn của Cơ quan công tố Tây Ban Nha cho biết trong tuần này sẽ khởi tố Thủ hiến Carles Puigdemont với tội danh nổi loạn. Một tòa án sẽ quyết định có chấp nhận các cáo buộc kể trên đối với ông Carles Puigdemont hay không. Theo luật pháp Tây Ban Nha tội danh nổi loạn có thể bị phạt tù tới 30 năm. Cơ quan công tố Tây Ban Nha cũng có thể khởi động các vụ tố tụng tương tự nhằm vào những thành viên khác của chính quyền và Nghị viện Catalonia.
Không chấp nhận Catalonia ly khai
Phong trào ủng hộ độc lập của ông Puigdemont gần đây có dấu hiệu yếu đi trông thấy. Sự chia rẽ ấy đã bộc lộ từ khi ông Puigdemont tuyên bố độc lập 2 tuần trước để rồi lập tức đình chỉ quyết định đó. Sự chia rẽ nội bộ trở nên rõ nét hơn cả khi Bộ trưởng Kinh doanh Catalonia Santi Vila ngày 28-10 tuyên bố từ chức với dòng trạng thái đăng trên Twitter rằng: “Những nỗ lực của tôi với việc đối thoại lại thất bại”.
Về lý thuyết, để có được chủ quyền, Catalonia cần ít nhất 2 yêu tố: sự công nhận của cộng đồng quốc tế và kiểm soát lãnh thổ của chính mình. Mà ở đây, sự công nhận của quốc tế chắc chắn sẽ không có với Catalonia, đặc biệt là trong khu vực EU. Các nhà lãnh đạo châu Âu khó có thể chấp nhận được hành động ly khai ở một nước thành viên chủ chốt như Tây Ban Nha.
Ngày 28-10, một loạt nước châu Âu và Mỹ đã lên tiếng phản đối Catalonia tuyên bố độc lập. Pháp, Anh, Italia đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalonia vừa thông qua. Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh rằng Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ tuyên bố của Catalonia được đưa ra dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà tòa án Tây Ban Nha đã tuyên bố là bất hợp pháp và sự thống nhất của Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng. Ngoài ra, một loạt các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói Catalonia là một phần không tách rời của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp dựa trên hiến định của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm duy trì một đất nước vững mạnh, thống nhất. Còn trong một tuyên bố được đăng trên trang mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nêu rõ: “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha đang và sẽ luôn là bất khả xâm phạm”.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz khẳng định “tuyên bố độc lập đơn phương của vùng Catalonia” là “bất hợp pháp”. Bộ Ngoại giao Litva cũng ra tuyên bố khẳng định nước này tôn trọng và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tây Ban Nha. Tương tự, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Czech nhấn mạnh Praha luôn coi Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha.
Bộ Ngoại giao Romania cũng ra tuyên bố, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha, bác bỏ tuyên bố độc lập đơn phương của Catalonia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy sa thải Ban lãnh đạo của Catalonia và Thủ hiến Carles Puigdemont. Ảnh: AP. |
Đại diện các thể chế quân sự và chính trị lớn cũng lên tiếng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của vùng Catalonia và lên án tuyên bố độc lập đơn phương của nghị viện vùng này. Ông Tusk nhấn mạnh: “Với EU, không có gì thay đổi, Tây Ban Nha là đối tác duy nhất của chúng tôi”. Trong khi đó, giới chức NATO khẳng định cuộc khủng hoảng hiện nay tại Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và nước này cần giải quyết vấn đề này theo quy định của hiến pháp.
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu không sớm giải quyết dứt điểm, có thể sẽ xảy ra nguy cơ xung đột tại Tây Ban Nha. Nhà nghiên cứu Barbara Loyer, Giám đốc Học viện Địa chính trị Paris 8 của Pháp, chuyên gia về quan hệ Tây Ban Nha - châu Âu cho rằng tuyên bố độc lập của Catalonia có những vấn đề chính trị và địa chính trị phức tạp, nguy cơ xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Có một điều khá chắc chắn lúc này là cuộc khủng hoảng đã được nâng lên một “tầm cao” mới với tác động tiêu cực đến an ninh và kinh tế đất nước. Trước mắt, các cổ phiếu và trái phiếu Tây Ban Nha đã bị bán tháo sau khi xuất hiện thông tin về 2 cuộc bỏ phiếu, qua đó phản ánh nỗi lo của giới kinh doanh.
Theo giới phân tích, hành động đơn phương tuyên bố độc lập của Catalonia không chỉ mang tính tượng trưng, hay chỉ nhằm tìm kiếm thêm các quyền lợi trong khuôn khổ vùng tự trị, mà là vấn đề địa - chính trị phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột.
Chính phủ Tây Ban Nha bị “mắc kẹt” trong cuộc khủng hoảng này cũng một phần do chưa đánh giá đầy đủ kế hoạch độc lập của Catalonia, vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích nhận định căng thẳng chính trị tại Tây Ban Nha chưa thể lắng dịu trong thời gian trước mắt, dù chính phủ nước này có quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ cùng sự ủng hộ của các nước châu Âu để bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Lời cảnh báo “bất tuân dân sự” của Catalonia cũng sẽ là rào cản lớn, trong khi một cuộc bầu cử sớm chưa thể bảo đảm khôi phục ổn định chính trị. Và kịch bản đối đầu giữa Chính phủ Tây Ban Nha và phe ly khai vùng Catalonia khiến nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.