Châu Á nỗ lực dập dịch tả lợn châu Phi

Thứ Hai, 17/09/2018, 15:43
Dịch tả lợn châu Phi đang trở thành hiểm họa không nhỏ với châu Á. Bệnh do loại virus độc lực cao, khiến 100% lợn bị nhiễm tử vong và chưa có thuốc chữa.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo dịch đang lây lan mạnh cho dù nhiều nước đã nỗ lực ngăn chặn dịch. FAO nhận định, dịch có thể lan sang các quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á và bán đảo Triều Tiên.

Khó dập dịch khi mật độ chăn nuôi lớn

Theo FAO, Trung Quốc phát hiện ca nhiễm virus tả lợn châu Phi đầu tiên tại tỉnh Liêu Ninh hồi đầu tháng 8-2018. Chỉ trong thời gian ngắn, dịch đã lan ra 18 trang trại hoặc lò mổ ở 6 tỉnh, có nhiều trường hợp nhiễm bệnh cách xa nhau hàng nghìn kilomet. Trước tình hình dịch bệnh lan rộng về phía Nam Trung Quốc đã tiêu hủy khoảng 38.000 con lợn nuôi và cấm vận chuyển lợn sống và các sản phẩm từ lợn từ 10 khu vực giáp với 6 tỉnh có các trường hợp có dịch.

Động thái này được dự báo sẽ khiến nguồn cung thịt lợn tại nước này trở nên khan hiếm và đẩy giá thịt lợn tăng cao khi Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, theo FAO. Được biết, nước này tiêu thụ khoảng một nửa nguồn cung thịt lợn của thế giới.

Công tác tuyên truyền phòng chống dịch đang được đẩy mạnh tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily.

Dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở nhiều trang trại chăn nuôi của Trung Quốc được xem là một vấn đề đáng lo ngại mới giữa lúc nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang có nhiều dấu hiệu giảm tốc. "Ngành sản xuất thịt lợn của Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng tê liệt tạm thời", ông Loren Puette, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường nông nghiệp ChinaAg có trụ sở ở Đài Loan, phát biểu.

Trong khi đó, mật độ chăn nuôi lợn ở Trung Quốc là rất lớn, hiện gần một nửa số lợn của thế giới đang được chăn nuôi tại Trung Quốc. Theo FAO thì hiện Trung Quốc có tới 457 triệu con (thống kế năm 2016). Do vậy việc khống chế, tiêu hủy lợn bệnh là không hề đơn giản.

Có tới 52% các trang trại chăn nuôi lợn của Trung Quốc vẫn rất nhỏ lẻ. Mặc dù nước này đã và đang công nghiệp hóa ngành chăn nuôi bằng những chính sách quyết liệt nhưng dường như vấn đề này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Việc kiểm soát sự lưu hành của virus là việc không hề dễ. Với những trang trại chăn nuôi công nghiệp (hiện có khoảng 48% số trang trại chăn nuôi lợn ở Trung Quốc), được xây dựng theo mô hình của châu Âu, châu Mỹ, những trang trại này thường có quy trình an toàn sinh học tốt. Tuy nhiên có một số trại được xây dựng theo kiểu nhà tầng với quy mô và mật độ rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn trong việc kiểm soát sự lưu hành của virus.

Hiện Trung Quốc muốn sử dụng các phương pháp kiểm soát tiên tiến và áp dụng cho toàn bộ các trang trại ở nước này. Theo bài viết của Giáo sư Dương Hán Xuân được đăng trên Tạp chí Khoa học mới đây, điều này gần như là không thể thực hiện do quy mô, trình độ cũng như sự khác nhau trong phương pháp chăn nuôi giữa các trang trại chăn nuôi lợn ở Trung Quốc. Không chỉ có thế, sự hiểu biết về virus của người nông dân chăn nuôi heo trực tiếp là chưa đầy đủ.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn cấp mới đây do FAO chủ trì ở Bangkok (Thái Lan) thảo luận về cách ứng phó với dịch bệnh này, các chuyên gia đã nhất trí thành lập một mạng lưới phối hợp và ứng phó chung cho toàn khu vực để phản ứng kịp thời nếu có thêm bất kỳ một đợt bùng phát nào khác trong khu vực.

Hiểm họa với nền kinh tế số 2 thế giới

Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc cho biết giá thịt lợn ở nước này đã tăng kể từ khi dịch cúm lợn châu Phi được phát hiện. Đến nay, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng hơn 7%. Các chuyên gia dự báo giá thịt lợn ở Trung Quốc có thể tăng cao hơn nếu dịch lan rộng. Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng "thiếu nguồn cung thịt lợn trong vài tháng tới". Giá thịt lợn tăng mạnh có thể đẩy lạm phát ở Trung Quốc tăng vọt, buộc Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong lúc nền kinh tế đang giảm tốc.

Tình hình càng thêm phần phức tạp khi Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. Trung Quốc đã áp thuế quan bổ sung 25% lên các sản phẩm thịt lợn Mỹ để trả đũa việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Theo chuyên gia Puette, việc áp thuế thịt lợn Mỹ khiến Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tăng nhập khẩu thịt lợn để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong nước.

Chưa kể, đồng Nhân dân tệ đang giảm giá so với USD cũng khiến việc nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. "Trung Quốc không thể dùng thịt lợn Mỹ để bù đắp cho sự suy giảm nguồn cung thịt nội địa", ông Puette phát biểu.

Dữ liệu cho thấy trận dịch chưa được kiểm soát và tiếp tục lan rộng. Nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa thị trường lợn tại các tỉnh có dịch, đồng thời cấm di chuyển lợn ra khỏi các địa phương này. Theo ông Puette, nguy hiểm nhất là khi virus lan từ khu vực bờ biển vào miền Trung của Trung Quốc, nơi giữ vai trò là trung tâm của ngành sản xuất thịt lợn nước này. Nếu điều đó xảy ra, ngành chăn nuôi lợn và nền kinh tế của Trung Quốc sẽ gặp rắc rối lớn hơn nhiều.

Hiểu rõ sự nguy hiểm này, Trung Quốc đã cấm vận chuyển các đàn lợn sống trong các tỉnh có các ca nhiễm virus cúm lợn, khiến các lò mổ bị thiếu nguồn cung. Thịt lợn tại miền Nam quốc gia này đang bắt đầu leo thang khi nhu cầu tiêu thụ sắp tới tăng cao trong dịp nghỉ lễ tháng 10 kéo dài 1 tuần và vì vậy có khả năng nhu cầu nhập khẩu thịt sẽ tăng. FAO cũng lý giải việc virus lan mạnh chủ yếu qua quá trình mổ và phân phối thịt lợn sống, ít khả năng do vận chuyển động vật sống.

Theo thông cáo ngày 11/9 của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc gửi đến các trung tâm kiểm soát dịch bệnh gia súc, các chợ bán thịt sống tại những khu vực này cũng sẽ bị đóng cửa. Những khu vực bị ảnh hưởng bao gồm tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Cát Lâm, Phúc Kiến, Giang Tây, Sơn Đông, Hồ Bắc, Thiểm Tây cũng như Khu vực Nội Mông và thành phố Thượng Hải. Trước đó, Bắc Kinh đã cấm vận chuyển lợn sống tại 6 tỉnh có các ca bị tả lợn châu Phi, bao gồm tỉnh Liêu Ninh, nơi cung cấp mỗi năm khoảng 20% lượng thịt cho các khu vực miền Nam.

Kinh nghiệm dập dịch của Nhật Bản

Trong khi đó, Nhật Bản cho biết đã tiêu hủy và chôn lấp 546 con lợn và tạm dừng xuất khẩu thịt lợn để ngăn ngừa sự lây nhiễm sau khi dịch tả lợn tại một trang trại ở thành phố Gifu thuộc tỉnh Gifu được xác nhận hồi đầu tháng 9-2018. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ngày 9-9 xác nhận dịch tả lợn đã bùng phát tại nước này, đồng thời đình chỉ việc xuất khẩu thịt lợn và thịt lợn rừng. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ngay lập tức thành lập lực lượng đặc nhiệm để kiểm soát dịch.

Theo chính quyền tỉnh Gifu, một con lợn đã đột ngột chết tại một nông trại ở tỉnh vào ngày 3-9. Các xét nghiệm của chính quyền trung ương đã cho kết quả dương tính với virus tả lợn. Khoảng 80 con lợn đã chết sau đó, trong khi 610 con khác đã được cho đi tiêu hủy. Tới ngày 12/9 Chính phủ Nhật Bản đã cho phép xuất khẩu trở lại toàn bộ sản phẩm thịt lợn (trừ từ tỉnh Gifu). Dịch tả lợn là căn bệnh đặc trưng của châu Á, song đây là lần đầu tiên phát hiện ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản kể từ khi dịch này bùng phát tại tỉnh Kumamoto vào năm 1992. Nhật Bản sau đó đã tuyên bố loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh vào năm 2007.

Trong một diễn biến khác, một số quốc gia ở Đông Nam Á đã tạm thời ngừng nhập khẩu thịt lợn, lợn giống, lợn con và tất cả các loại sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và không cho phép nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn, bao gồm cả việc cấm các cá nhân, hành khách đưa về để sử dụng.

Thịt lợn là thực phẩm rất phổ biến tại các quốc gia châu Á nên việc virus có thể lây lan sang các quốc gia láng giềng của Trung Quốc là gần như tất yếu, nhất là thông qua việc phân phối các sản phẩm từ thịt lợn nhiễm virus cúm. Việc dập dịch càng khó khăn hơn khi loại virus này có thể tồn tại trong các sản phẩm thịt nhiễm bệnh, thức ăn chăn nuôi và thức ăn dạng lỏng cho lợn vài tháng.

Khám phá bí mật Virus tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn, có tốc độc lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết cao. Bệnh này do một loại virus thuộc họ Flaviviridae, giống Pestivirus gây ra. Virus tồn tại lâu ở ngoài môi trường, có thể sống vài ngày trong phân lợn, vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh. Tuy nhiên, căn bệnh này không lây sang người kể cả khi tiêu thụ thịt nhiễm bệnh.

Tuy không lây sang người nhưng dịch tả lợn châu Phi sẽ khiến lợn nuôi và lợn hoang bị sốt xuất huyết và hầu hết đều bị chết. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh hay thuốc trị bệnh và phương pháp phòng ngừa duy nhất là tiêu hủy đàn lợn được xác nhận là nhiễm dịch. Dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đường tiếp xúc với những con lợn nhiễm bệnh, ve hoặc các loài động vật hoang khác và có thể gây ra thiệt hại nặng nề với ngành nông nghiệp. 

Đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Liêu Ninh, được coi là xảy ra lần đầu tiên tại khu vực Đông Á. Được biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi (Pestis Africana suum- African Swine Fever) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhà và lợn hoang dại (lợn rừng) do Myxovirrus chứa AND gây ra. Nguyên nhân gây bệnh có đặc tính kháng nguyên hoàn toàn khác với virus gây bệnh dịch tả lợn cổ điển. Bệnh thường có một số thể biểu hiện sau: quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình. Tỷ lệ ốm và chết rất cao, lên tới 100%. Bệnh đặc trưng bởi các biến đổi viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.

Các nước theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh và đã có nhiều biện pháp phòng ngừa. Ảnh: AP.

Ngày nay, với những mô hình chăn nuôi quy mô công nghiệp ngày một phát triển thì kéo theo đó, dịch bệnh cũng ngày càng trở nên phức tạp. Trong đó, bệnh Dịch tả lợn châu Phi là một trong 10 bệnh mà chúng ta phải quan tâm đặc biệt, bởi chúng gây chết nhanh và tỷ lệ chết cao, gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề. Không chỉ bởi vậy, chúng nguy hiểm còn bởi ngày nay, chúng có thể gây bệnh trên cả lợn con, lợn thịt, lợn nái, trong các mùa trong năm.

Bệnh tả lợn châu Phi do một ARN virus gây nên. Chúng có một kháng nguyên duy nhất. Chúng có thể tồn tại trong phân chuồng trong 2 ngày ở 370C, và bị diệt ở 600 C trong 1 giờ. Chúng có thể truyền ngang trực tiếp với các con lợn khác qua đường tiêu hóa, hô hấp, qua tinh dịch, vùng da trầy xước. Chúng cũng có thể truyền dọc từ mẹ sang cho con. Chúng vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa,... sau đó nhân lên ở hạch Amidal và các hạch limba tới máu, qua tế bào nội bì và các hạch lim ba khác. Virus gây bệnh dịch tả lợn vào máu làm cho tế bào nội mô tăng sinh khiến cho mạch máu bị tắc nghẽn dẫn tới xuất huyết.  Trên con nái, virus có thể thấm qua nhau thai gây ra sảy thai, thai gỗ, hoặc sinh con yếu, nhiễm trùng máu, miễn dịch kém. Virus được bài thải ra phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch, ...Virus lây nhanh, tỷ lệ chết cao.

Bệnh tả lợn châu Phi (ASF) được phát hiện ở châu Phi, Nga và Đông Âu nhưng chưa bao giờ xuất hiện trước đây ở Đông Á. ASF là một trong những dịch bệnh gây tàn phá lớn nhất đối với các đàn lợn. Dịch bệnh này xuất hiện ở lợn nuôi ở các trang trại lẫn lợn hoang. Nó được truyền thông qua ve bét hoặc do tiếp xúc trực tiếp giữa các động vật. Nó cũng có thể lây lan qua nguồn thực phẩm bị nhiễm bẩn, thức ăn chăn nuôi và cả các du khách quốc tế.

Trong những năm gần đây, cuộc chạy đua xây dựng các trang trại nuôi lợn khổng lồ ở vành đai trồng ngô ở đông bắc Trung Quốc đã làm gia tăng lượng lợn được vận chuyển khắp đất nước từ các trang trại đến thị trường để giết mổ và chế biến ở phía nam Trung Quốc.

Điều này tạo ra một thách thức lớn đối với chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực khống chế nguy cơ lây lan của các dịch bệnh liên quan đến lợn. Các nhà phân tích nhận định các nông dân chăn nuôi lợn ở Trung Quốc có thể phải bán tháo đàn lợn của họ vì lo sợ dịch bệnh ASF sẽ lây lan. Và câu hỏi là họ sẽ bán đi đâu?

Nguyễn Hòa (tổng hợp)
.
.