Châu Âu điêu đứng vì khủng hoảng khí đốt Nga - Ukraina

Thứ Sáu, 16/01/2009, 14:00
Khí đốt của Nga đã không tới được những người tiêu dùng tại một số nước châu Âu - một thực tế hiển nhiên chứ không còn là chuyện lo ngại sau một tuần chính thức nổ ra cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraina. Điều này cũng có nghĩa châu Âu lại là phía đầu tiên phải hứng chịu hậu quả của những xung đột quyền lợi kinh tế giữa Moskva và Kiev.

Trong khi hai bên liên quan còn đang đổ lỗi cho nhau, châu Âu đã vội vàng đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để tránh nguy cơ trở thành "con tin" lâu dài trong cuộc khủng hoảng khí đốt này...

Đúng như cảnh báo từ trước đó, nước Nga ngay từ ngày đầu tiên của năm mới đã đóng lại nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraina. Hy vọng về khả năng ký kết một hợp đồng mới cho năm 2009 giữa hai tập đoàn Gazprom (Nga) và Naftogaz (Ukraina) vào đúng thời khắc cuối cùng đã không trở thành hiện thực. Hơn thế nữa, những bước phát triển tiếp theo của tình hình lại phức tạp hơn đánh giá trước đó.

Một mặt, các đại diện của Ukraina đã không ít lần tuyên bố, lượng khí đốt dự trữ của họ đủ dùng cho nửa năm. Nếu đúng như vậy, cho dù Nga có cắt đứt hoàn toàn nguồn cung, Tập đoàn Naftogaz vẫn đảm bảo đủ nhiên liệu cho cả nước trong một thời gian dài. Cho đến những ngày đầu tiên của năm 2009, vấn đề khúc mắc chính của hai bên vẫn liên quan chủ yếu đến việc thanh toán tiền nợ. Ukraina đã tuyên bố sẽ chi trả phần lớn khoản tiền trả cho lượng khí đốt đã cung cấp - tức là khoảng 2 tỉ USD. 

Nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi đáng kể, khi mâu thuẫn chính giữa hai bên lại tập trung vào vấn đề giá mua bán khí đốt. Ban đầu Gazprom đề nghị Naftogaz ký hợp đồng mua khí đốt của họ với giá 250 USD/1.000m3. Nhưng Kiev đã từ chối ngay đề xuất này với việc đưa ra một vài phương án gọi là "hợp lý hơn" - với mức giá dao động từ 180-235 USD/1.000m3. Với thái độ cứng rắn này của Ukraina, Nga đã quyết định không chịu nhượng bộ với lý lẽ: Nếu không muốn trả tiền ở mức 250 USD, Naftogaz phải trả... 418 USD tương tự như nhiều nước châu Âu. 

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở đây. Ngày 2/1/2009, Gazprom buộc tội Ukraina đã lấy cắp khí đốt từ các đường ống. Naftogaz bác bỏ, đồng thời tố cáo Nga cố tình "gây sức ép bằng vấn đề năng lượng". Ngày 5/1, phía Ukraina sau khi giải thích việc rút bớt khí đốt chỉ đơn thuần xuất phát từ những "yêu cầu kỹ thuật", đồng thời đổ lỗi cho phía Moldavia lấy cắp khí đốt của Nga. Ukraina từ thời điểm này bắt đầu có những động thái tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu.

Cụ thể là Tổng thống Yushchenko đã gửi thư tới Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, với nội dung chính là giải thích những hành động của mình. Theo lời Tổng thống Ukraina, khoản nợ đối với Nga về cơ bản đã được thanh toán, và tất cả những nỗ lực tiếp theo của Ukraina là đạt được kết quả hợp lý trong các cuộc đàm phán ký kết hợp đồng trong năm tới.

Ban đầu, người châu Âu chưa cảm nhận thấy những khó khăn đáng kể nào từ nguồn khí đốt trung chuyển từ Ukraina. Tuy nhiên, những tín hiệu cảnh báo đầu tiên đã xuất hiện vào ngày 2/1, khi lượng khí đốt cung cấp cho Ba Lan giảm tới 6% so với hợp đồng đã ký kết. Để khắc phục những tình trạng tương tự, Gazprom quyết định tăng thêm lượng khí đốt cung cấp theo các tuyến đường ống thay thế khác - chẳng hạn như tuyến đường ống qua Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Địa Trung Hải.

Dù giải pháp này đã giúp đền bù đáng kể những tổn thất của các khách hàng tại châu Âu, nhưng tình hình chỉ vài ngày sau đã vượt ngoài tầm kiểm soát của Gazprom. Đến ngày 6/1, một loạt các nước châu Âu đã tuyên bố về việc thiếu hụt khí đốt từ phía Ukraina.

Chẳng hạn như đường ống cung cấp cho Italia đã bị ngắt hơn 1 tiếng đồng hồ trong đêm ngày 5, rạng sáng 6/1. Nhiều quốc gia khác còn kém may mắn hơn nhiều, khi đường ống bị đóng hoàn toàn như Bulgary, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, CroatiaMacedonia. Lượng khí đốt cung cấp cho Áo giảm tới 90%, Hungary giảm 85% và Rumani là 75%.

Đến cuối ngày, tất cả những quốc gia châu Âu mua khí đốt của Nga qua ngả trung chuyển Ukraina đều thông báo bị ảnh hưởng. Vào thời điểm mùa đông giá rét như hiện nay, Serbia có lẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi lượng khí đốt dự trữ của họ chỉ đủ dùng trong vài... giờ. Tính ra chỉ trong một ngày đêm, lượng khí đốt cho châu Âu qua Ukraina đã giảm từ 200 triệu xuống còn 72 triệu m3.

Đến lúc này, EU đã phải công khai thừa nhận về những kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra. Dù vậy, các quan chức đại diện của khối vẫn tuân theo quan điểm trung lập trong cuộc xung đột này. Quốc gia đang giữ cương vị Chủ tịch EU là Cộng hòa Czech cùng với các thành viên Ủy ban châu Âu đã đánh giá tình hình cung cấp khí đốt là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", dù không chính thức phê phán bên nào. Czech còn đề xuất tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên - với sự tham gia của EU, Nga và Ukraina - để bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng này. EU cũng cảnh báo sẽ có quan điểm nghiêm khắc hơn đối với cuộc khủng hoảng khí đốt Nga-Ukraina, nếu như vấn đề không được giải quyết về cơ bản vào ngày 8/1. 

Hiện khó có thể dự đoán được bước phát triển tiếp theo của tình hình. 

Theo các nhà quan sát, một giải pháp hiện được cho là khả thi nhất chính là triển khai một nhóm quan sát viên của EU tới Ukraina để trực tiếp giám sát lượng khí đốt trung chuyển tới châu Âu. Nếu tinh thần của giải pháp trên được thống nhất và thực thi, châu Âu được cho là sẽ thoát khỏi tình cảnh "tai bay vạ gió" hiện hay, bất chấp việc Nga và Ukraina có đạt được những thỏa thuận song phương hay không.

Dù sao thì ngay trước mắt, nhiều nước châu Âu chắc chắn sẽ còn phải điêu đứng. Tình cảnh sẽ nghiêm trọng hơn đối với người dân những quốc gia này, khi họ phải đối đầu với nguy cơ thiếu hụt hay thậm chí không có khí đốt để sưởi ấm đúng vào thời điểm lạnh giá nhất trong năm

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.