Châu Âu giành lại ảnh hưởng trên lục địa đen

Thứ Năm, 12/12/2019, 15:47
Ngày 7-12, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đến châu Phi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tuần trước. Lựa chọn này cho thấy châu Phi sẽ có một vai trò lớn trong nhiệm kỳ của bà tân Chủ tịch EC.

Điều gì khiến châu Âu phải củng cố ảnh hưởng vốn có từ lâu của mình tại lục địa đen?

Ngày 7-12, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã có hàng loạt cuộc gặp ở Addis Ababa, Ethiopia, với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), Moussa Faki trước khi gặp Thủ tướng Abiy Ahmed và nữ Tổng thống Ethiopia Sahle-Work Zewde. Đi cùng bà Ursula von der đến Ethiopia lần này là Cao ủy phụ trách Hợp tác quốc tế Jutta Urpilainen.

Nhân dịp này, ông Urpilainen đã công bố một gói viện trợ tài chính của EU trị giá 170 triệu euro cho Ethiopia nhằm hỗ trợ chính quyền nước này cải cách hệ thống vận tải và hậu cần.

Châu Âu được xem là đối tác đầu tiên của châu Phi, trước cả Trung Quốc, Nga và Mỹ nhưng gần đây vai trò của EU đã bị lung lay do sự cạnh tranh của các cường quốc khác. Mỹ bắt đầu mở rộng sự hiện diện tại châu Phi trên quy mô lớn kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, với mục tiêu chính thức là ủng hộ cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan (quân khủng bố Shebab ở Somali, Boko Haram xung quanh khu vực hồ Tchad hay al-Qaida tại Sahel) và chống cướp biển (vùng Vịnh Guinea và vùng Sừng châu Phi).

Tân Chủ tịch EC Urusula von der Leyen gặp gỡ nữ Tổng thống Ethiopia Sahle-Work Zewde.

Năm 2007, Tổng thống Georges W. Bush cho thành lập bộ chỉ huy châu Phi Africom, đóng trụ sở tại Stuttgart, Đức. Bộ chỉ huy này huy động đến 7.200 người (quân nhân và dân sự), có hai căn cứ thường trực (một ở Djibouti và một căn cứ khác tại đảo Ascension của Anh), 12 căn cứ không thường trực và 20 điểm hỗ trợ tác chiến nhưng lính Mỹ không hiện diện liên tục.

Tại châu Phi, Djibouti là nơi Mỹ có số quân đồn trú lớn nhất (hơn 4.000 người). Căn cứ Camp Lemonnier rộng 200 ha, được Chính phủ Djibouti cho thuê dài hạn, được trang bị các cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc tiếp nhận các máy bay vận tải cỡ lớn của không quân Mỹ. Đây cũng là điểm xuất phát của nhiều chiếc máy bay không người lái trong các chiến dịch oanh kích Al-Qaida tại vùng bán đảo Arab ở Yemen hay tấn công quân nổi dậy Hồi giáo cực đoan Shebab tại Somalia.

Ngoài ra, còn có khoảng 30 căn cứ thứ cấp và không thường trực khác của Mỹ nằm rải rác trên khắp châu lục, chủ yếu để phục vụ cho 3 mặt trận chống thánh chiến: Vùng Sừng châu Phi, Libya và Sahel. Quan hệ hợp tác quân sự giữa Africom với Niger đặc biệt mật thiết. Theo tạp chí The Intercept, châu Phi là địa bàn thứ hai cho các chiến dịch chiến lược của Mỹ sau Trung Đông.

Những năm gần đây, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi. Diện mạo trong khu vực cũng vì thế bắt đầu thay đổi trên phương diện hợp tác an ninh-quân sự. Nhờ vào việc cung cấp vũ khí hay đề nghị đào tạo và luyện tập chung cùng các đối tác châu Phi với những điều kiện rất hấp dẫn, các cường quốc mới hiện diện này đã trở thành những đối thủ gây rắc rối cho các nước phương Tây, vốn dĩ có một truyền thống hiện diện lâu đời tại châu Phi.

Bà Urusula von der Leyen và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, ông Moussa Faki Mahamat tại Addis Ababa, Ethiopia ngày 7-12.

Năm 2017 đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, gần với căn cứ Camp Lemonnier của Mỹ. Về mặt chính thức, Trung Quốc chỉ có 400 binh sĩ đồn trú tại đây để bảo đảm khâu hậu cần cho các lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden. Tuy nhiên, theo giới phân tích, kể từ năm 2026, căn cứ này sẽ tiếp nhận đến 10.000 quân và Trung Quốc có tham vọng biến vùng lãnh thổ nhỏ bé này thành một tiền đồn quân sự của mình tại châu Phi.

Là đối tác thương mại hàng đầu trong khu vực, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn tại châu Phi. Bắc Kinh đã đầu tư nhiều vào châu Phi trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng và khai thác quặng mỏ. Trong tổng số 54 quốc gia châu Phi, có đến 39 nước tham gia vào dự án đối tác Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, nối liền Á-Âu, Trung Đông và châu Phi nhờ vào mạng lưới hệ thống hạ tầng cầu đường, cảng biển và viễn thông.

Thế nhưng, Mỹ xem những dự án đầy tham vọng mà Trung Quốc đề nghị với các đối tác châu Phi là một “mối đe dọa thật sự cho các lợi ích an ninh quốc gia (của Mỹ)”. Các chuyên gia cho rằng, cạnh tranh Mỹ - Trung tại châu Phi có nguy cơ gây bất ổn toàn châu lục, đặc biệt là vùng Hồng Hải chiến lược, một trong những con đường hàng hải có mật độ lưu thông dày đặc nhất thế giới.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng ghi nhận sự trở lại đầy ngoạn mục của Nga sau một thời gian gián đoạn tại một số nước như Algeria, Ai Cập, Angola, Ouganda, Zimbabwe, Nam Phi, Ethiopia hay Mozambique. Tại những nước này, Nga không chỉ cung cấp vũ khí mà còn gửi cả những cố vấn đào tạo, nhất là tại Cộng hòa Trung Phi. Từ năm 2018, Moscow gửi khoảng 200 cố vấn quân sự thuộc các đội đặc nhiệm đến huấn luyện cho các lực lượng Trung Phi để đối đầu với các nhóm nổi dậy thiện chiến.

Cuối cùng trong số những nước không thuộc phương Tây nhưng có sự hiện diện quân sự tại châu Phi còn phải kể đến Thổ Nhĩ Kỳ (2017) tại Mogadiscio, thuộc Somalia với 200 sĩ quan và các cố vấn đào tạo để huấn luyện cho quân đội nước này. Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất với một trung tâm hậu cần ở vùng Sừng Phi Châu. Nhật Bản cũng có một căn cứ quân sự tại Djibouti với 180 binh sĩ làm nhiệm vụ chống cướp biển tại vịnh Aden, hay như Ấn Độ cũng có tham vọng gia tăng ảnh hưởng.

Vốn đã có một trạm nghe do thám tại Madagascar để giám sát các hoạt động tàu thuyền và bảo vệ các tuyến đường hàng hải của mình, hải quân Ấn Độ đã đề nghị các cuộc tập trận chung với các đối tác châu Phi như Tanzania, Kenya và Nam Phi vào tháng 3-2020. Các chuyên gia cho rằng trong lĩnh vực an ninh tại châu Phi, cuộc chạy đua chiến lược giữa các cường quốc cũ và mới cũng chỉ mới bắt đầu.

Trong bối cảnh trên, việc bà tân Chủ tịch EC đến châu Phi trước tiên là điều dễ hiểu. Cho tới nay, EU đã nhiều lần đưa ra sáng kiến lớn hay kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với AU và các nước châu Phi nhưng chúng đều được thực hiện chỉ nửa vời hoặc không kết quả. Muốn thành công hơn trước, bà Leyen phải có cách tiếp cận khác. Nếu muốn cạnh tranh với các đối tác khác ở châu Phi thì EU đương nhiên không thể không coi trọng châu Phi hơn.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.