Chỉ còn là cái bóng

Thứ Tư, 23/05/2018, 14:22
Việc Mỹ di dời Đại sứ quán về Jerusalem đã thổi bùng ngọn lửa âm ỉ bấy lâu ở Trung Đông. Một số nước Arab thậm chí dọa sẽ phát động một cuộc tấn công vào Israel. Tuy nhiên, cho đến nay, không có một động thái cụ thể nào nhằm vào Israel hay thực sự trợ giúp Palestine. Vẫn chỉ là tuyên bố “suông”.

Bởi chính các nước Arab cũng đang bị chia rẽ bởi mâu thuẫn nội bộ và quay cuồng với một Trung Đông đầy biến động trong chiến lược mới của Mỹ. Khối các nước Arab giờ chỉ còn là cái bóng vô hồn trên sa mạc nóng rẫy...

Thủ thuật ngoại giao phiên bản “Donald Trump”

Trong khi nhiều quốc gia trong khối Arab đang lúng túng chưa biết phải làm thế nào hoặc khoanh tay “chờ đợi” những diễn biến tiếp theo thì Mỹ tuyên bố rằng, kế hoạch hòa bình cho Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố vào tháng 6 tới. Đây là tiến trình do con rể Tổng thống Trump - cố vấn cấp cao Jared Kushner và đặc phái viên đàm phán quốc tế Jason Greenblatt xây dựng.

Nhật báo Haaretz của Israel trích các quan chức Mỹ cho biết: Cơ hội mà người Palestine được lợi từ đề xuất hòa bình đó dường như rất mơ hồ. Người Palestin đã bày tỏ sự giận dữ khi Tổng thống D.Trump thay đổi chính sách chuyển sang ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, và từ bỏ vai trò trung lập của mình trong xung đột khu vực.

Nhiều quốc gia thuộc thế giới Arab vốn có thâm thù với Israel đã lên tiếng chỉ trích sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ đối với quốc gia Do Thái. Một số quốc gia tuyên bố không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào mà Washington đề xuất, trừ việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước và công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của “Nhà nước Palestine”.

Tuy nhiên, những tuyên bố trên của khối Arab không có gì mới. và ông D.Trump là người hiểu rõ hơn ai hết. Việc ông Trump cố tình làm như vậy chính là cách ra “đòn” mà ông và nước Mỹ muốn giáng vào sự rệu rã của khối các nước Arab vốn đã không còn đoàn kết sau những bất ổn từ “Mùa xuân Arab” năm 2011 kéo dài cho tới tận năm 2018.

Tờ Le Courrier International nhận định, Tổng thống Mỹ D.Trump đang có những tính toán vô cùng tinh vi khi kết hợp giữa chủ nghĩa cô lập, mà điển hình là khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết” và chủ nghĩa can thiệp ngày càng gia tăng.

Một người phụ nữ Palestine và binh lính Israel. Ảnh: The Jerusalem Post.

Theo phân tích của báo này, nếu như người tiền nhiệm Barack Obama cố gắng rút nước Mỹ khỏi tất cả các cuộc xung đột trên thế giới thì ngược lại, ông Trump can thiệp vào tất cả các cuộc khủng hoảng, thậm chí còn kích động chúng.

Đối với Syria, ngoài các tuyên bố về “lằn ranh đỏ”, ông B.Obama hầu như chỉ đứng ngoài quan sát, trong khi đó, ông Trump không ngần ngại cho bắn tên lửa dù mới chỉ có những nghi ngờ đầu tiên về việc chính quyền Syria sử dụng hóa học tấn công dân thường. Obama đã làm gì cho hòa bình giữa Israel và Palestine?

Chẳng có gì đáng kể. Trong hồ sơ Triều Tiên, Obama cũng tỏ ra thụ động trước những hành động của Bình Nhưỡng. Một trong những thành tựu của thời kỳ Obama về ngoại giao là thỏa thuận hạt nhân với Iran, chủ yếu là nhờ châu Âu thương lượng trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, trong hồ sơ này cũng như tất cả các hồ sơ khác, Trump đã đi ngược lại với người tiền nhiệm.

Khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Trump khẳng định nếu Iran muốn trở thành thành viên của cộng đồng quốc tế thì phải chấm dứt sự bành trướng trong khu vực và ngừng hỗ trợ các tổ chức như Hezbollah, Hamas..., và nếu người Palestine muốn tồn tại thì phải chấp nhận thua cuộc.

Khi phân tích về thủ thuật ngoại giao kiểu D.Trump, tờ The New York Times cho rằng mỗi lần ông Trump xé bỏ một thỏa thuận, vốn được ký kết trước khi ông lên nắm quyền, liên quan đến các vấn đề như khí hậu, tự do mậu dịch, hạt nhân Iran - ông lại khẳng định rằng ông sẽ thương lượng được những thỏa thuận tốt hơn. Thế nhưng thực tế là ngược lại.

Ông Trump đã lựa chọn rút khỏi JCPOA để đối đầu trực tiếp với Iran. Mặt khác đặt mình trong tình trạng xung đột với người Palestine, đặt toàn thế giới Arập trước việc đã rồi ở Jerusalem; ở Syria hay Yemen hay Jordan... nhằm 4 lý do: Thứ nhất, ông Trump không yêu gì chế độ Iran; thứ hai, đưa thế giới Arab và người Hồi giáo vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, muốn hành động cũng không được, tạo sự nghi kỵ cao nhất. Muốn cứu mà bất lực. Các nước sẽ quay sang tự mâu thuẫn và tự triệt tiêu lẫn nhau.

Thứ ba, biến Israel thành công cụ gây chiến với Iran và gia tăng ở Trung Đông. Thứ tư, ông Trump muốn gây mâu thuẫn tối đa đối với các nước Vùng Vịnh, khi bằng mọi cách chỉ ra sự nguy hiểm của Iran. Từ đó các nước Arab này quay sang ủng hộ Israel để nước này tấn công Iran. Mỹ sẽ là nước hưởng lợi nhất khi sẵn sàng cung cấp vũ khí, khí tài cho toàn bộ khu vực cực kỳ nóng bỏng này.

Các cuộc xung đột giữa người Palestine và binh sĩ Israel cách đây ít ngày đã khiến hàng nghìn người thương vong. Ảnh: Sputnik International.

Quay lưng... vì một chữ “lợi”

Vậy người Arab nghĩ gì khi họ bất lực chứng kiến Mỹ định đoạt vấn đề Jerusalem? Đối đầu nội bộ cùng những cuộc chiến tranh liên miên khiến cho thế giới Arab không thể hình thành một liên minh có khả năng phản ứng hiệu quả lại tuyên bố của Mỹ về Jerusalem.

Việc Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem đã vấp phải làn sóng thịnh nộ từ thế giới Hồi giáo. Lãnh đạo của không ít quốc gia Arab lớn tiếng cảnh báo về hậu quả thảm khốc sẽ diễn ra sau quyết định của Washington. Tuy nhiên, những ông lớn của thế giới Arab hiện còn bận bịu với một loạt các rắc rối nội bộ và đối đầu lẫn nhau.

Các cộng đồng Hồi giáo phần lớn đã kiệt quệ sau những cuộc chiến tranh liên tiếp từ Trung Đông tới Bắc Phi và những nỗi lo kinh tế sau diễn biến của “Mùa xuân Arab”. Họ đang mệt mỏi vì chiến đấu với chính những cái bóng của nhau.

Nếu như cách đây một năm, vấn đề Jerusalem là một trong số ít những vấn đề mà thế giới Arab vốn chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh và sự phân nhánh của hai dòng Hồi giáo, có quan điểm thống nhất, thì nay, sau quyết định của Tổng thống Trump, cũng chẳng khiến quốc gia nào thực sự “nhúc nhích”.

Mọi con mắt tại Trung Đông hiện đổ dồn vào Saudi Arabia, quốc gia tự coi mình là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, đồng thời là đồng minh lớn nhất của Mỹ trong thế giới Arab. Nhưng nước này dường như đang ngả về Mỹ và Israel nhiều hơn là ủng hộ sự kêu gọi từ thế giới Arab. Rõ ràng, “mũi tên” của ông Trump bắn vào Jerusalem và thỏa thuận hạt nhân Iran càng khiến cả thế giới Arab thêm mâu thuẫn, nghi ngờ nhau.

Các chuyên gia nhận định, những toan tính chính trị khiến Saudi Arabia, Qatar,... cũng như nhiều quốc gia Arab khác, khó có thể liên kết nhằm đối đầu với Mỹ và Israel trong thời điểm hiện tại.

Trái ngược quan hệ nồng ấm mà nhiều nước Arab duy trì với nhau suốt hàng thập niên, quan hệ giữa chính các quốc gia Arab đang rạn nứt nghiêm trọng bởi khác biệt về chính trị, tôn giáo cũng như các lợi ích. Saudi Arabia và các nước theo dòng Hồi giáo Sunni từ lâu đã đối đầu với Iran, quốc gia có 80% dân số theo dòng Hồi giáo Shia.

Những cuộc chiến tại Trung Đông, từ Syria tới Yemen, đều có bóng dáng của Riyadh và Tehran phía sau các lực lượng bản địa. Sự đối đầu giữa hai dòng Hồi giáo thậm chí khiến các nước theo dòng Sunni bắt tay với Israel, “kẻ ngoại đạo” từng bị coi là “kẻ thù của thế giới Arab” và bị liên quân 8 nước Arab hợp lực tấn công năm 1948.

Từ Iraq, Libya, Syria và mới đây nhất là Yemen... nhiều quốc gia Arab đã từ lâu chìm trong nội chiến và bất ổn. Việc có một liên minh chính trị với mục tiêu bảo vệ thánh địa Jerusalem, là “điều bất khả thi, chỉ có trong trí tưởng tượng của những kẻ mộng mơ”. Nhìn hoàn cảnh thực tế thấy rõ kịch bản do một “tay” ông Trump sắp đặt.

Các chuyên gia so sánh với bối cảnh năm 1973, các quốc gia Arab thực thi một lệnh cấm vận dầu mỏ chống Mỹ, trả đũa lại hỗ trợ quân sự mà Washington dành cho Israel. Sự kiện được biết tới với tên “cuộc khủng hoảng dầu mỏ” đã đẩy giá dầu leo cao, giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Mỹ, đồng thời thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của khối Arab. Nhưng nay, cuộc chơi tại Trung Đông mang kịch bản rất khác.

Nhiều quốc gia Arab vì nghi ngờ nhau, không trùng lợi ích đã quay sang hợp tác với “kẻ thù”. Một chuyên gia cho biết, sẽ thật khó để có một nước Arab nào đó, trong hoàn cảnh hiện tại hy sinh mối lợi của mình.

Ông Mohammed El Baradei, từng giữ chức Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho rằng, sẽ không có chuyện các nước Arab gây sức ép lên Washington bằng cách nhanh chóng rút hàng tỷ USD vốn đầu tư khỏi Mỹ, cắt giảm hợp tác ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo với các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.

“Trước công luận, các nước Arab sẽ gây sức ép lên chính quyền Trump và tự tách mình khỏi lập trường của Mỹ và Israel. Nhưng sau đó vẫn sẽ là hợp tác với Mỹ và Israel, đặc biệt là chia sẻ mọi mối lợi, đặc biệt là thông tin tình báo liên quan tới Iran”.

Ông Baradei thừa nhận các nước Arab sẽ không thể có tiếng nói chung do có lợi ích và sự hận thù khác nhau với cả Mỹ và Iran, vì thế, các nước Arab sẽ khổng thể gặp nhau trong một khối thống nhất.

Thế giới Arab đã bị suy yếu?

Thêm vào đó, từ sau “Mùa xuân Arab”, nhiều quốc gia Arab bị tổn thất kinh tế nặng nề. Ủy ban Liên Hiệp Quốc về kinh tế xã hội vùng Tây Á (ESCWA) cho biết phong trào nổi dậy “Mùa xuân Arab” đã khiến khu vực này tổn thất 614 tỷ USD, do không tăng trưởng kể từ năm 2011 đến 2016. Con số đó tương đương 6% GDP của khu vực trong giai đoạn 2011-2015.

Chỉ tính riêng tại Syria, nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ đã dâng cao thành cuộc xung đột với sự can dự của các thế lực nước ngoài, GDP và tổn thất kinh tế kể từ 2011 đến 2016 đã lên đến 259 tỷ USD. Chỉ một tháng sau sự kiện ở Tunisia, làn sóng “Mùa xuân Arab” đã quét qua Ai Cập. Khi đó, đất nước Ai Cập với 85 triệu dân đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn như nạn thất nghiệp, nền kinh tế đình trệ, hơn 40% người dân sống dưới mức 2 USD/ngày. Điều này đã khiến người dân Ai Cập bất mãn với chính quyền từ lâu.

Thế giới Arab đã bị suy yếu một cách hệ thống, chủ yếu là từ bên trong. Ảnh: Iran Review.

Theo mạng tin Project syndicate, 7 năm kể từ sau phong trào “Mùa Xuân Arab” nổ ra, tình hình hiện nay trong thế giới Arab khiến người ta khó có thể mơ về một thế giới hạnh phúc. Các mối quan hệ nội bộ và bên ngoài của thế giới Arab đang ngày càng phức tạp. Hai nước Arab lớn nhất là Ai Cập và Saudi Arabia đang có những quan hệ căng thẳng với hai nước láng giềng lớn nhất khu vực là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine vẫn xa vời, việc tiếp cận các nguồn nước lớn vẫn khó khăn. Ngay mối quan hệ chiến lược với Mỹ cũng đang đối mặt với những thách thức lớn khác biệt về lợi ích và việc Mỹ có tình tạo ra khủng hoảng ở Trung Đông để trục lợi.

Trong khi đó, nhìn từ cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh diễn ra cách đây ít tháng thấy rõ, giới lãnh đạo Arab đang ngày càng mất ảnh hưởng đối với người dân của họ, trong đó hầu hết các nước Arab vẫn bị chia rẽ về chính trị, kinh tế và vai trò của tôn giáo. Mặc dù thế giới Arab là một khu vực lớn với quyền lực thực tế và tiềm năng, nhưng họ đã bị suy yếu một cách hệ thống trong hơn nửa thế kỷ qua, chủ yếu là từ bên trong.

Thế giới Arab đang rất cần một khởi đầu mới. Hàng triệu người Arab đã chọn việc rời bỏ quê hương, với những thanh niên ưu tú nhất di cư sang Mỹ và Bắc Âu, còn những người nghèo nhất đánh cược mạng sống của họ khi tìm cách vượt Địa Trung Hải sang Nam Âu. Nếu làn sóng di cư vẫn tiếp tục và tình hình không thay đổi, các triển vọng của thế giới Arab sẽ vẫn u ám trong những năm sắp tới.

Những chia rẽ sâu sắc trong thế giới Arab, những bế tắc trong cuộc khủng hoảng ở Syria, Yemen và Libya... sự nghiệp bị lãng quên của người Palestine, cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các chính sách bành trướng của các nước lớn; sự can thiệp ngày càng tăng trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cũng như các chính sách khó dự đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump nằm trong một loạt thách thức mà các nước Arab đang phải đối mặt.

Phát biểu trên tuần báo The Arab Weekly, một cựu nhà ngoại giao Arab công tác tại Beirut của Liban chia sẻ: “Chúng tôi đang đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong thế giới các nước Arab, và nhận thấy ngày càng có nhiều bế tắc nguy hiểm trong các cuộc khủng hoảng. Một khi không có các giải pháp tập thể nghiêm túc và đáng tin cậy của khối Arab, các vấn đề trong khu vực như Yemen hay Libya sẽ khó có thể được giải quyết”.

Thành lập năm 1945, Liên đoàn Arab đóng vai trò như một diễn đàn cho quốc gia thành viên nâng cao vị thế chính trị, giải quyết những vấn đề quan tâm chung, hóa giải các bất đồng và hạn chế xung đột. Tuy nhiên qua hơn 70 năm hoạt động đã qua, khối liên minh này đang cho thấy dấu hiệu bất ổn, lục đục trong nội bộ và căng thẳng với nước bên ngoài đã lên tới đỉnh điểm.

Nguyễn Hòa
.
.