Chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp chịu áp lực của châu Âu
Thep tạp chí Der Spigel, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ý Mario Monti, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và Thủ tướng Anh David Cameron đã quyết định sẽ không tiếp đón ông François Hollande vì ông này có ý định sẽ thảo luận lại vấn đề ngân sách châu Âu nếu ông đắc cử. Tuy nhiên phát ngôn viên của Chính phủ Đức đã phản bác thông tin này nhưng thừa nhận không có lịch trình gặp gỡ giữa ông Hollande và Thủ tướng Angela Merkel. "Mỗi nguyên thủ châu Âu tự quyết định có nên gặp ông François Hollande không và như thế nào. Chính phủ Đức chưa hoạch định cuộc gặp gỡ".
Trên Đài France 3, ông François Hollande đã phản ứng với vẻ thản nhiên trước thông tin và lời phản bác đó: "Tôi không bận tâm đến thông tin đó. Chính người dân Pháp sẽ quyết định về tương lai của đất nước. Không phải các vị nguyên thủ châu Âu mà tôi rất tôn trọng sẽ gây áp lực đến quyết định của dân chúng. Chúng tôi là một quốc gia lớn, một đất nước lớn, sẽ không để bị chỉ đạo bởi các nguyên thủ và chính phủ nước bạn nhưng nằm ngoài nền dân chủ của chúng tôi”.
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Die Welt trước đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã kêu gọi các chính trị gia Đức không nên can thiệp vào chiến dịch tranh cử ở Pháp: "Tôi kêu gọi các đảng phái chính trị ở Đức nên kiềm chế. Những bất đồng chính trị của Đức không nên chuyển sang Pháp. Không nên gây ra sự ngờ vực nào về việc Đức sẵn sàng làm việc với mọi chính phủ nào do người dân Pháp chọn ra".
Theo người đứng đầu chiến dịch tranh cử của đảng Xã hội Pierre Moscovci, "áp lực bảo thủ chưa từng có trong lịch sử châu Âu này" đã vi phạm truyền thống lâu đời giữa Pháp và Đức, theo đó "Thủ tướng Đức hay Tổng thống Pháp (trong trường hợp ngược lại) cần gặp gỡ các ứng cử viên chính của cả 2 đảng". Trước kỳ bầu cử năm 2007, bà Angela Merkel đã hội kiến với Nicolas Sarkozy và Ségolène Royal. Năm 2002, các ứng cử viên Jacques Chirac và Lionel Jospin đã diện kiến với Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder. Và năm 1995 Thủ tướng Helmut Kohl cũng đã gặp gỡ 2 ông Chirac và Jospin.
Theo cách nói của phát ngôn viên Nathalie Kosciusko-Morizet trong nhóm của Tổng thống Nicolas Sarkozy, bà này cho rằng "thật nực cười khi François Hollande tưởng tượng ra một âm mưu của các nguyên thủ châu Âu nhằm chống lại ông ta". Còn Sébastien Huyghe thuộc Liên minh vì Phong trào Quần chúng (UMP) nhận định François Hollande đã tìm thấy "các nguyên tắc bất thành văn cơ bản nhất của chức năng ngoại giao, điều này cho thấy sự thiếu kinh nghiệm của ông ta".
Theo tờ Der Spiegel, các nguyên thủ bảo thủ của châu Âu đã bị "sốc" vì tuyên bố của François Hollande rằng nếu đắc cử, ông sẽ xem xét lại thỏa ước ngân sách châu Âu mà ông xem như là lá bài chủ yếu trong việc cứu vớt khu vực đồng euro