Chiến thắng của tinh thần Nga
“Biểu tượng tinh thần” của nước Nga
Kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu do Cơ quan thăm dò công luận Nga (VSIOM) tiến hành cho thấy, Tổng thống Putin giành chiến thắng vang dội ngay vòng 1 với 76,66% số cử tri ủng hộ. Đứng thứ 2 là ứng cử viên đảng Cộng sản Liên bang Nga Pavel Grudinin với 11,79%...
Chiến thắng cách biệt và đầy thuyết phục của ông Putin trong cuộc bầu cử là kết quả mang tính lịch sử trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Putin.
Những gì người dân Nga cần thì đương kim Tổng thống Putin có. Và khẩu hiệu tranh cử “Một tổng thống mạnh mẽ - Một nước Nga mạnh mẽ” đã “đánh” đúng lòng người Nga không phải từ bây giờ, mà từ rất lâu rồi, từ cách đây gần 20 năm. Người dân Nga cho rằng Vladimir Putin có thể đảm đương trọng trách để đưa nước Nga vượt qua thách thức để tiến lên phía trước.
Người dân Nga đã trao trọn niềm tin và hy vọng cho nhân vật từng có vai trò quyết định “hồi sinh” nước Nga từ tình trạng kiệt quệ và rệu rã hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại vị thế một cường quốc có ảnh hưởng như ngày nay.
Phát biểu ngày 19-3 tại các cuộc gặp những cộng sự trong đội ngũ tranh cử, Tổng thống Putin khẳng định hướng ưu tiên của ông trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ Tổng thống Nga mới là công tác đối nội. Ông nhấn mạnh điều quan trọng là đảm bảo đà tăng trưởng của nền kinh tế và cấp xung lực sáng tạo cho nền kinh tế quốc dân. Theo ông, đó là sự phát triển trong lĩnh vực như y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng, cùng các phương hướng rất quan trọng khác để tiến lên phía trước và nâng cao mức sống cho người dân.
Tổng thống Nga V.Putin giành chiến thắng áp đảo. Ảnh: UKMIX. |
Suốt 18 năm qua, trong đó có 4 năm làm thủ tướng, đương kim Tổng thống V.Putin với tinh thần Nga rừng rực, với bộ óc tỉnh táo và nhạy cảm, với tài năng lãnh đạo thiên bẩm, ông đã đề ra nhiều chính sách để giữ cho nước Nga đứng vững trước hàng loạt thử thách từ “nhân tai” và “thiên tai”, trong và ngoài lãnh thổ Nga; không chỉ thách thức từ bên trong mà nó còn đến từ sự phá hoại từ bên ngoài.
Vị thuyền trưởng bản lĩnh đã cùng con thuyền Nga vượt qua sự bao vây, áp đặt và tấn công của phương Tây từ đủ mọi hướng, mọi cấp độ. Từ kinh tế, chính trị, văn hóa, tình báo, quân sự... cho tới sự sụp đổ của giá dầu, một nguồn thu mà trước kia nước Nga đã dựa vào đó rất nhiều. Nước Nga trong hơn một thập kỷ dưới sự “lèo lái” của “thuyền trưởng” Putin không chỉ đứng vững, mà nước Nga càng trong khó khăn lại càng trưởng thành, khẳng định vị thế của mình ở châu Âu, châu Á, châu Phi...
Nước Nga giờ đây có vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết khủng hoảng tầm toàn cầu, như tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, Syria, Trung Đông... Thế giới cần nước Nga, người Nga cần Putin… Điều này giải thích lý do vì sao, 76,66% người dân Nga đã điền tên V.Putin trên lá phiếu của mình.
Phía trước là chông gai
Ngay trong phát biểu “ăn mừng”, sau khi cảm ơn những người đã ủng hộ, Tổng thống Putin dù lạc quan về tương lai, nhưng vẫn thừa nhận, Nga phải đối mặt với hàng loạt thách thức. “Chúng ta cần phải hiểu rằng, có rất nhiều thách thức đang chờ đợi và chúng ta cần phải vượt qua”. Một trong những thách thức Tổng thống Putin chỉ ra là Nga cần tập trung nâng cao đời sống của người dân; có đột phá về công nghệ nhằm đặt ra nền móng cho sự phát triển thành công trong tương lai.
Tổng thống Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua nghèo đói khi mà hiện có 20 triệu người Nga đang phải sống dưới mức nghèo, tương đương mức 180 USD/tháng. Nhà lãnh đạo Nga đã đặt mục tiêu tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1,5 lần vào cuối thập kỷ này. Tổng thống Putin cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói trong vòng 6 năm tới.
Với lợi thế là một chính khách lão luyện và là người đứng đầu nước Nga trong nhiều năm nay, chính sách của Tổng thống Putin về tương lai nước Nga đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết các tầng lớp nhân dân Nga; được đánh giá là mang tính đột phá và có tính khả thi, có thể giúp “con thuyền” nước Nga vượt qua mọi cơn sóng dữ phía trước.
Những phát biểu trên thực ra không có gì mới. Bởi những việc này ông Putin và ban lãnh đạo của nước Nga vẫn đã và đang làm. Hồi sinh nền kinh tế chính là thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ qua của ông. Tổng thống Putin từng khẳng định phát triển kinh tế là thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần đưa quy mô ngành kinh tế của “xứ bạch dương” tăng lên gấp đôi. Dưới sự lãnh đạo của ông, số người dân phải sống dưới mức nghèo đã giảm một nửa dù số người nghèo hiện vẫn còn cao.
Ông cũng khẳng định Nga đặt mục tiêu xóa bỏ khoảng cách giữa nhóm người dân có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất. Với tình hình dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đang tiếp tục tăng, ông Putin khẳng định đây là cơ hội cho Moskva “thực hiện bước tiếp theo” nhằm nâng cao hiệu quả lao động, thu hút đầu tư và chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế Nga.
Người dân Nga đi bỏ phiếu. Ảnh: rt.com. |
Hồi tháng 2 vừa qua, Cơ quan Thống kê nhà nước Rosstat của Nga công bố báo cáo cho thấy sau 2 năm rơi vào suy thoái, nền kinh tế Nga đang bắt đầu phục hồi và quay trở lại tăng trưởng trong năm 2017 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,5%. Điều này cho thấy bất chấp những khó khăn chồng chất, đặc biệt do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt suốt 4 năm nay, nước Nga đã vững vàng vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế, từng bước phát triển ổn định.
Vượt vòng vây
Trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin có khá nhiều việc phải làm “để đưa nước Nga vững bước trên con đường phát triển”, trở thành một “nước Nga mạnh mẽ”, có khả năng “tự quyết định tương lai của mình”. Chính sách của nhà lãnh đạo Nga trong 6 năm tới sẽ xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của người dân Nga, vốn luôn đặt niềm tin ông sẽ tiếp tục chèo lái để bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của “xứ sở bạch dương”, tiếp tục duy trì vị thế và ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế, đưa đất nước phát triển hùng mạnh và thịnh vượng.
Việc này rất khó khi “xứ sở bạch dương” vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, cả về kinh tế, xã hội lẫn an ninh, trong bối cảnh tình hình địa chính trị trong khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây trong nhiều vấn đề vẫn chưa thể tháo gỡ. Vòng vây trừng phạt của Mỹ và phương Tây ngày càng được siết chặt đã gây thiệt hại cho Nga hơn 50 tỷ USD, tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội. Mức tăng GDP của Nga trong năm qua dù đạt 1,6%, song chưa đủ để ổn định nền kinh tế vốn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu dầu mỏ.
Trong khi đó, Moskva cũng lo ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai quân đội và vũ khí sát biên giới Nga.
Trong tình thế càng khó khăn, người dân Nga lại càng tin tưởng vào những quyết sách, con đường mà đương kim Tổng thống Putin đã chọn trong cương lĩnh tranh cử của mình. Bởi nó sẽ định hình con đường mà nước Nga sẽ đi trong thập niên tới. Có thể coi 12 nhiệm vụ then chốt mà Tổng thống Putin đặt ra trong Thông điệp liên bang đầu tháng 3-2018 là 12 “cương lĩnh hành động” của ông để đưa nước Nga vững bước trên con đường phát triển. Nổi bật trong đó là cam kết bảo vệ lợi ích của nước Nga và cuộc sống của người dân Nga, như tuyên bố của ông Putin “sự thịnh vượng của nhân dân, sự sung túc trong các gia đình người Nga là nhân tố chính, then chốt của sự phát triển”.
Với quan điểm xuyên suốt này, ông cho rằng tương lai của nước Nga sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra trước mắt, từ kinh tế, dân sinh, giáo dục, y tế tới an ninh, quốc phòng. Những giải pháp cụ thể nhằm củng cố vị thế nền kinh tế để Nga lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để có khả năng “tự quyết định tương lai của mình”, Tổng thống Putin khẳng định Nga cần sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh thông qua việc xây dựng một quân đội hiện đại, tinh nhuệ và công nghệ cao, tăng cường khả năng phòng thủ bằng các loại vũ khí tân tiến.
Quân nhân Nga đi bỏ phiếu. Ảnh: The Daily Sentinel. |
Điều này không chỉ tạo nên sức mạnh của nước Nga trong bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước, mà còn góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa và không thực hiện các thỏa thuận về ổn định chiến lược đã ký với Nga.
Theo đó, Nga sẽ tiếp tục triển khai Học thuyết quân sự được Tổng thống Putin thông qua cuối năm 2014 và Chiến lược An ninh quốc gia năm 2016. Không chạy đua vũ trang và hạn chế ngân sách quốc phòng nhưng vẫn đảm bảo khả năng phòng thủ. Về đường lối đối ngoại, ít khả năng chính quyền của Tổng thống Putin sẽ sớm soạn thảo một chiến lược đối ngoại mới, do Nga cơ bản đã chủ động đề ra các biện pháp ứng phó tương đối phù hợp, trên cơ sở đánh giá khá sát tình hình thế giới và khu vực trong mấy năm gần đây.
Trước hết là việc đẩy mạnh chiến lược “xoay trục sang hướng Đông”. Trong bối cảnh hiện nay, Nga sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn đến các nước châu Á, cũng như chú ý hơn đến các tổ chức khu vực gắn liền với lục địa Á - Âu như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ông Putin được cho là sẽ thúc đẩy sáng kiến “Đại Á - Âu”, tìm kiếm sự đồng thuận và ủng hộ của các nước trên toàn lục địa Á - Âu để tạo ra một không gian kinh tế mở, qua đó đưa Nga trở thành một cường quốc Á - Âu thực thụ.
Trong nhiệm kỳ thứ 4 của mình, không loại trừ khả năng, Tổng thống Putin có thể hoàn thành mục tiêu mà ông đã ấp ủ và theo đuổi trong nhiệm kỳ 3, đó là nâng cấp quan hệ với ASEAN lên tầm “đối tác chiến lược”.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động hợp tác, đối ngoại của Nga với các tổ chức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) nói chung, với Mỹ, Anh, Ukraine, Ba Lan, các nước Baltic nói riêng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, vì “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Mặc dù Nga luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại và hợp tác với Mỹ và đồng minh, song cơ hội để cải thiện quan hệ song phương là khá thấp.
Nước Nga, với thế và lực đang gia tăng, sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình ở những khu vực ảnh hưởng truyền thống, trong khi Mỹ và phương Tây lại không muốn chấp nhận thực tế sự lớn mạnh của nước Nga hiện nay, coi sự khôi phục sức mạnh và ảnh hưởng của Nga là mối đe dọa, là nguy cơ đối với an ninh quốc gia là thách thức về quân sự.
Trên thực tế, lâu nay Mỹ và phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự “trỗi dậy” của Moskva, kể cả can thiệp nhằm làm suy yếu nhà nước Nga, gây chia rẽ xã hội Nga. Về phần mình, khi cần bảo vệ lợi ích, danh dự cũng như chủ quyền đất nước. Sự mâu thuẫn này đang khiến khả năng cải thiện quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Nga với phương Tây vẫn còn xa vời.
Tổng thống Putin hiểu rằng, để có thể làm tốt các chính sách đối nội; ưu tiên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Nga cần quan hệ ổn định với phương Tây. Vì vậy Tổng thống Putin cho biết Nga luôn sẵn sàng thảo luận bất cứ vấn đề nào với Mỹ, và phương Tây, kêu gọi phương Tây có thái độ tương tự. Điều này được thể hiện rõ nét qua phát biểu của ông ngay sau khi giành chiến thắng, về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ở Anh, Tổng thống Putin cho rằng Nga không sử dụng chất độc thần kinh Novichok.
Ông cũng nhấn mạnh Nga không sở hữu vũ khí hóa học, bởi Moscow đã tiêu hủy toàn bộ vào năm ngoái. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ hợp tác điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, song yêu cầu phía Anh cũng phải hợp tác.
Con đường chông gai ở phía trước tiếp tục thử thách bản lĩnh “thuyền trưởng” Putin. Chưa bao giờ nước Nga lại tin tưởng, đoàn kết như vậy bên cạnh nhà lãnh đạo của mình. Cơ hội mới cho nước Nga và Tổng thống Putin đã mở ra.