Chinh phục mật mã của Đức Quốc xã

Thứ Sáu, 12/05/2006, 08:00

Ba nội dung thông tin bằng mật mã Enigma của Đức, không thể giải mã được kể từ thời Thế chiến II, cuối cùng đã bị bẻ mã, nhờ có hàng ngàn máy tính gia đình cùng tham gia trong cuộc chinh phục trí tuệ bí mật nhất xưa nay.

Bảng mật mã Enigma cho đến trước thời điểm này vẫn được xem là tuyệt chiêu của quân Đức Quốc xã. Chúng chống lại mọi nỗ lực cao nhất của các nhà giải mã thuộc lực lượng chiến thắng – quân Đồng minh, trú đóng tại Công viên Bletchley – trong thời chiến.

Giờ đây, hệ thống mật mã này đã được giải quyết, thông qua việc chạy một phần mềm bẻ mã trên một mạng khoảng 2.500 máy tính gia đình có liên kết với Internet. Bảng mật mã phức tạp ấy được mã hóa vào năm 1942 thông qua một phiên bản máy Enigma mới của Đức, và dẫn đến các tàu thuyền phe Đồng minh bị các tàu ngầm Đức bắn phá tơi tả. Các chuyên gia Đồng minh thoạt đầu không thể giải mã những nội dung đánh bằng mật mã mới và phức tạp, và gần như cùng thời điểm máy Enigma được nâng cấp mới.

Cải tiến về những kỹ thuật mật mã Đức tạo nên những tổn thất đáng kể cho Đồng minh ở Bắc Đại Tây Dương trong suốt năm 1942. Ba nội dung mã Enigma không giải ra đã được đăng trên một tạp chí chữ mật mã vào năm 1995, và từ đó đến nay thu hút nhiều người nhiệt tình tham gia giải mã. Dẫu rằng được cho là không mấy quan trọng về mặt tư liệu lịch sử, nhưng thực tế chúng vẫn thuộc một số nội dung mật mã hải quân Đức còn chờ giải mã.

Số người tham gia tăng theo cấp số nhân

Nỗ lực phá mật mã mới nhất được “cài số tới” bởi Stefan Krah, một nghệ nhân vĩ cầm Đức. Anh là người rất quan tâm đến ngành mật mã và phầm mềm nguồn mở rộng. Bản năng thích tìm hiểu của con người đã trở thành động cơ thúc đẩy Stefan Krah bẻ mật mã. Nhưng Stefan Krah cũng nhấn mạnh rằng anh mang ơn những người nhiệt tình khám phá mật mã cựu trào, chính họ là người truyền đạt kiến thức cho anh sau nhiều năm nghiên cứu máy Enigma. Stefan Krah viết một chương trình bẻ mật mã, rồi công bố trên Internet cho các nhóm thông tin khác xem, hy vọng họ hợp tác với anh hoặc chỉ bảo những điều cần thiết.

Ban đầu dự án thu hút sự chú ý của khoảng 45 người sử dụng. Tất cả họ cho phép Stefan Krah sử dụng máy của họ vào dự án M4 (đặt theo tên của máy M4 Enigma gốc). Nhưng đến nay đã có đến 2.500 đầu cuối (terminals) riêng rẽ cùng góp sức vào dự án này. Stefan Krah tâm sự: “Chuyện đáng ngạc nhiên nhất của dự án này là số người tham gia cứ tăng theo cấp số nhân...”. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, từ sự kết hợp ngẫu nhiên các chữ cái, một thông tin thật thời chiến tranh đã xuất hiện. Trích bản mật mã gốc số 3 và bản đã dịch sang tiếng Anh:

“NCZW VUSX PNYM INHZ XMQX SFWX WLKJ AHSH NMCO CCAK UQPM KCSM HKSE INJU SBLK IOSX CKUB HMLL XCSJ USRR DVKO HULX WCCB GVLI YXEO AHXR HKKF VDRE WEZL XOBA FGYU JQUK GRTV UKAM EURB VEKS UHHV OYHA BCJW MAKL FKLM YFVN RIZR VVRT KOFD ANJM OLBG FFLE OPRG TFLV RHOW OPBE KVWM UQFM PWPA RMFH AGKX IIBG”.

“Buộc phải lặn xuống. Đột kích sâu. Vị trí cuối cùng của địch 0830h AJ 9863, (hướng) 220 độ, (tốc độ) 8 hải lý. (Tôi đang) theo (địch). (Áp suất không khí) sụt xuống 14 mb, (hướng gió) đông - đông bắc, (lực nén) 4, (tầm nhìn rõ) 10 (hải lý)”.

Một cuộc kiểm tra thử lại các tài liệu còn lưu trữ xác nhận thông tin đó được Đại úy thuyền trưởng Hartwig Looks, Chỉ huy trưởng tàu ngầm U264 của Hải quân Đức, gửi đi ngày 25/11/1942.

Hệ thống mã hoá rất tinh vi

Trong giai đoạn chiến tranh, nhóm giải mã đồn trú tại Công viên Bletchley (Anh) hết sức tranh thủ làm sáng tỏ những thông tin của quân Đức, với một nỗ lực tiếp cận bộ máy chiến tranh của Đức, và gìn giữ sinh mệnh của binh sĩ và thủy thủ đoàn trên biển. Sử dụng những máy tính thời kỳ đầu tiên, họ giải mã được hàng ngàn, hàng vạn thông tin đón bắt được nhằm đối đầu “tay đôi” với những cuộc tấn công của tàu ngầm Đức.

Thông tin của quân Đức thời ấy chỉ được giải mã thông qua máy Enigma tinh vi đáng sợ. Máy Enigma sử dụng hàng loạt các rôto, thường tăng cường thêm bởi cái gọi là bảng tổng đài (plugboard), để vô hiệu hóa phe Đồng minh muốn xem những thông tin truyền đi thuộc dạng tuyệt mật. Máy mật mã Enigma dùng dòng điện và kỹ thuật phối hợp vành rôto đảo để tạo ra những tin truyền có một không hai. Các tổng đài còn tạo ra nhiều chuyện rắc rối khác bằng cách đảo các cặp chữ cái trong tiến trình mã hóa, làm gia tăng đáng kể số lần mã hóa.

Phần mềm phá mật mã qua máy tính của tác giả Stefan Krah cũng sử dụng kết hợp “lực thô bạo” và các thuật toán điện toán để tìm ra sự thật ẩn sau mật mã.

Thành tựu đáng tự hào

Nhóm giải mã Công viên Bletchley từng được tôn vinh như những danh nhân trên truyền hình, được dựng phim và viết tiểu thuyết (trở thành sách bán chạy nhất ngay sau đó). Giờ đây, các cựu nhân viên khi xưa vẫn chưa hề có ý định đóng lại quyển sách Chiến tranh thế giới II, và bao giờ cũng mong có người giải được những bảng mật mã còn sót lại. Và họ nhường quyền đó lại cho những người thật sự đam mê nó.

Một  nhà phát ngôn tại đây cho biết, việc  dõi theo dự án M4 này một cách thú vị, mô tả công trình của Krah là một đóng góp to lớn vào những thành tựu của đội ngũ giải mã thời chiến tranh. Ralph Erskine, người gửi thông tin gốc thu được từ Đức Quốc xã cho tạp chí Cryptologia tháng 12/1995, cho biết: “Phá được mật mã Đức sau hơn 63 năm sẽ là bước ngoặt quan trọng cho các nhà giải mật mã không chuyên. Những người tham gia dự án này tự hào rằng họ có thể làm được điều mà Viện Bảo tàng Công viên Bletchley không thể làm được”

Như Nguyệt (theo BBC News)
.
.