Chính sách bóp nghẹt như muốn lật đổ Iran

Thứ Năm, 12/07/2018, 14:55
Cho dù năm lần bảy lượt các cường quốc tham gia ký thỏa thuận hạt nhân với Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) khẳng định không muốn phá vỡ nó vì sự "bình yên" cho cả Trung Đông và thế giới. Nhưng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn bất chấp khi tuyên bố rút lui.

Nước Mỹ thực sự lo ngại Iran hay chỉ là cái cớ bóp nghẹt khiến Iran sụp đổ. Nếu Iran sụp đổ, chắc chắn Trung Đông sẽ hỗn loạn.

Nước đã đến chân...

Thiện chí của Iran được khẳng định rõ trong tuyên bố ngày 4-7-2018 khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thủ đô Vienna của Áo, rằng Iran mong muốn duy trì JCPOA bất chấp việc Mỹ tuyên bố rút lui. Ông Rouhani nhấn mạnh các hành động của Mỹ đều đi ngược lại mọi thỏa thuận, hòa bình và sự ổn định.

Mục tiêu của thỏa thuận trên là phản đối sự phổ biến vũ khí hạt nhân và thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Áo, nước Chủ tịch luân phiên EU.

Trước đó, tại chặng dừng chân ở Thụy Sĩ, quốc gia đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran, nhà lãnh đạo Iran thực sự mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu để duy trì JCPOA. Thông qua 2 quốc gia đặc biệt quan trọng này, Tổng thống Iran muốn gửi thông điệp tới Anh, Pháp, Đức và cả Nga hay Trung Quốc, những nước tham gia JCPOA, rằng cần nhanh chóng đưa ra các cam kết bằng “hành động cụ thể” nhằm cứu vãn thỏa thuận này.

Bởi, "nước đã đến chân" không thể không "nhảy". Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ chính thức được khôi phục từ ngày 6-8-2018, liên quan tới lĩnh vực ô tô và kim loại. Tiếp đó, từ ngày 4-11-2018, Washington sẽ áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng của Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến Thụy Sĩ. Ảnh: Ifpnews.

Ngay sau khi Mỹ tỏ thái độ quyết tâm "trừng phạt" Iran, nước này đã nhìn thấy viễn cảnh khó khăn khi các công ty nước ngoài, trong đó chủ yếu là các công ty châu Âu đang trở nên dè dặt hơn khi hợp tác kinh tế, thương mại... với Iran. Vì tất cả đều lường trước hậu quả khi cố tình làm trái lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Iran đã cảm nhận rõ "sức nóng" của lệnh trừng phạt này đang "phả" vào gáy mình.  Đòn cấm vận của Mỹ nhằm trúng những lĩnh vực trọng yếu của Iran, như dầu mỏ và ngân hàng. Iran cũng cảm nhận rõ "độ lạnh" từ EU khi khối đã tỏ thái độ sẽ không vì Iran mà chấp nhận rời xa Mỹ trong bối cảnh EU-Mỹ vốn đang căng thẳng trong cuộc chiến về thuế.

Ở... chân tường

Tổng thống Hassan Rouhani không chỉ chịu sức ép từ bên ngoài, chính quyền do ông lãnh đạo còn chịu sức ép từ bên trong với các lực lượng bảo thủ cứng rắn trong nước. Chính vì thế, duy trì JCPOA bằng được cũng là mục tiêu mà chính quyền đương nhiệm ở Iran cần được bảo vệ bằng được. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. Vì vậy, không khó hiểu khi bị "dồn vào chân tường" Iran cảnh báo sẵn sàng nối lại hoạt động làm giàu urani ở mức còn cao hơn mức giới hạn mà JCPOA đặt ra nếu thỏa thuận sụp đổ.

Tổng thống Hassan Rouhani cũng cảnh báo nước này có thể giảm các hoạt động hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với những "hậu quả" của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ Iran.

"Cuộc mặc cả" giữa Mỹ và Iran không biết sẽ đi tới đâu, nhưng trong bối cảnh cả hai bên đều cứng rắn, trong khi EU dần có xu thế ngả về Mỹ thì một Trung Đông được dự báo sẽ có những xáo trộn bất thường là điều hiển nhiên bởi tính chất phức tạp của khu vực này có liên quan tới cả các chính sách của Iran cũng như các tính toán của Mỹ đối với các đồng minh của nước này lại là đối thủ của Iran.

Rõ ràng, việc ra lệnh trừng phạt Iran cho thấy Mỹ đã đánh dấu một sự đoạn tuyệt với JCPOA, cũng như cách Tổng thống Donald Trump luôn giữ khoảng cách với châu Âu là chiến lược được Mỹ tính toán rất kỹ càng trong cả xử lý vấn đề hạt nhân của Iran cũng như các vấn đề kinh tế và quan hệ tổng thể với EU.

Dấu hiệu của một cuộc lật đổ

Những dấu hiệu của một chiến lược "bóp nghẹt" làm cho chế độ Iran có thể sụp đổ đã được Mỹ tính toán kỹ. Mục tiêu của Mỹ là dùng các lệnh trừng phạt mang tính "bóp nghẹt" để chặn nguồn sống của lực lượng Hezbollah và một số tổ chức khác ở Trung Đông, ngoài ra còn ngăn chặn từ xa các cuộc “phiêu lưu” của Iran ở Syria và Yemen, những nơi Mỹ đang hình thành các lợi ích mới của mình.

Chính sách bóp nghẹt Iran chứng tỏ Mỹ không muốn chứng kiến một sự thay đổi lớn trong vai trò chiến lược của Iran tại Trung Đông. Hướng tới việc buộc Iran hoặc theo Mỹ hoặc sẽ sụp đổ. Theo nguồn tin từ một số cố vấn cấp cao và thành viên trong nội các của ông Trump, Tổng thống Mỹ luôn tin rằng giờ là cơ hội hiếm hoi để thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ Iran.

Tuy nhiên, nội bộ Washington vẫn còn mâu thuẫn về mục tiêu chiến lược của chính quyền đối với Tehran. Bởi vẫn còn nhiều cố vấn cho rằng Mỹ nên thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện mới với Iran. Bởi, nếu Iran rơi vào hỗn loạn, cả Trung Đông cũng hỗn loạn. Khi đó, Mỹ và EU sẽ không đủ sức để kiểm soát "lò lửa Trung Đông".

Cụ thể, John Bolton - người được xem là đứng đằng sau các nỗ lực thúc đẩy lựa chọn việc lật đổ chế độ tại Tehran đã công khai ủng hộ lập trường này trong suốt nhiều năm, và kể cả trước khi ông chính thức thay thế H.R.McMaster. Song, trái lại, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lại có quan điểm khác và giữ thái độ hoài nghi về mục tiêu mà Bolton đề xuất.

Ông lo ngại rằng việc làm này có thể kích động một cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ với Iran, đe dọa nền kinh tế thế giới và đẩy các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông tới rất nhiều nguy hiểm. Bộ trưởng Mattis ủng hộ việc gia tăng áp lực với Iran song với mục tiêu rõ ràng là để buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hợp lý hơn, một thỏa thuận đủ để hạn chế những tính toán "xa hơn" đối với khu vực.

Đứng giữa Mattis và Bolton là Ngoại trưởng Mike Pompeo, cũng có quan điểm tương đồng với Bộ trưởng Mattis và cho rằng Mỹ nên tìm kiếm một thỏa thuận mới với Iran.

Hoa Huyền
.
.