Chưa có giải pháp an toàn cho Brexit

Thứ Hai, 04/11/2019, 17:15
Cuối cùng, nước Anh tạm dẹp bỏ được nỗi lo phải rời khỏi “ngôi nhà chung” trong ngổn ngang sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí gia hạn tiến trình Brexit thêm 3 tháng, đến ngày 31-1-2020 và Thủ tướng Boris Johnson cũng đã thuyết phục hạ viện chấp thuận tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù đạt được điều mong muốn nhưng một cuộc bầu cử sớm cũng không khác gì cuộc đặt cược với ông Johnson bởi đây được cho là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất tại Anh trong nhiều năm qua.

Khi tính đến một cuộc bầu cử sớm, ông Johnson hy vọng có thể giành được đủ số ghế tại hạ viện để thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit và tại nhiệm, bởi hiện nay đảng Bảo thủ cầm quyền của ông đã mất thế đa số. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, các đảng đối lập có thể sẽ liên minh và cản trở tiến trình Brexit.

Hiện hạn chót mới cho Brexit là 31-1-2020, chỉ vài tuần sau ngày bầu cử dự kiến diễn ra vào 12-12 tới. Ông Johnson nhiều khả năng sẽ thực hiện chiến dịch vận động bầu cử dựa trên cam kết hoàn thành Brexit, kêu gọi bỏ phiếu để đảng Bảo thủ có đủ thế đa số giúp thúc đẩy thỏa thuận mà ông đã ký với EU.

Khi đề nghị bầu cử trước thời hạn, Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn chứng tỏ đang làm chủ tình hình.

Trong khi đó, Công đảng đối lập cam kết sẽ đàm phán một thỏa thuận mới với EU và đưa thỏa thuận ra trưng cầu ý dân với lựa chọn hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit. Việc hủy bỏ tiến trình này cũng là quan điểm của một số đảng nhỏ như đảng Tự do dân chủ hay đảng SNP ở vùng Scotland. Vì vậy, tương lai Brexit ra sao sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử sắp tới.

Cuộc bầu cử sắp tới cũng được coi là bài kiểm tra tín nhiệm của người dân với Thủ tướng Johnson sau khi ông này lên cầm quyền hồi tháng 7 vừa qua nhờ một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng cầm quyền. Hiện, đảng Bảo thủ vẫn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và nếu có thể duy trì phong độ thì đảng này có khả năng giành thế đa số.

Các kết quả thăm dò cho thấy việc chính phủ của Thủ tướng Johnson đạt được thỏa thuận sau quá trình đàm phán khó khăn với EU đã giúp đảng cầm quyền giành lại niềm tin của nhiều cử tri ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Johnson không thể đảm bảo cam kết thực hiện Brexit đúng hạn vào ngày 31-10 có thể sẽ tác động nhiều tới tâm lý cử tri, trong khi sự cạnh tranh từ đảng Brexit mới thành lập của ông Nigel Farage đang ngày càng mạnh.

Ngoài ra, tư tưởng luôn ủng hộ Brexit cũng có thể khiến đảng Bảo thủ mất đi sự ủng hộ của những cử tri trung thành với EU ở miền Nam và ở Scotland.

Hơn nữa, để giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử và thực hiện Brexit thành công, ông Johnson còn phải tập hợp được hầu hết những người ủng hộ việc rời khỏi EU. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ rất khó khăn. Đã có quá nhiều sự tranh cãi giữa những người ủng hộ Brexit và những người ủng hộ ở lại Liên minh châu Âu trong hơn 3 năm qua.

Khả năng thỏa hiệp giữa các bên - điều rất quan trọng trong quy trình hoạt động của một thể chế dân chủ - tại nước Anh đã biến mất trong tiến trình Brexit. Đó là chưa kể những hậu quả kinh tế lâu dài từ Brexit, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong các cuộc tranh luận gần như bất tận tại hạ viện nước này.

Vì vậy, ông Johnson sẽ lãnh đạo một chiến dịch bầu cử mang đậm chất dân túy. Trong những tuần gần đây ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đây sẽ là cuộc bầu cử “nhân dân đối đầu với quốc hội”. Người dân, những người mong muốn nhìn thấy Brexit được thực hiện, được đại diện bởi Thủ tưởng Johnson, sẽ đối đầu với Quốc hội tinh hoa luôn ngăn cản ông thực hiện Brexit. Họ sẽ ủng hộ ông Johnson, người luôn cảm thấy bị phản bội bởi giới thượng lưu của đất nước và không còn tin vào thể chế dân chủ nữa.

Ngoài ra, ông cũng muốn tập hợp tất cả những người bảo thủ giàu có, những người không mấy quan tâm đến hậu quả kinh tế xã hội do Brexit tạo ra, về phía mình.

Các cuộc thăm dò cho thấy rõ ràng đảng Bảo thủ của ông Johnson đang dẫn trước Công đảng của ông Corbyn. Nhưng vẫn chưa thể khẳng định một cách chắc chắn rằng ông Johnson sẽ thắng. Người tiền nhiệm của ông Johnson, cựu Thủ tướng Therasa May, năm 2017 cũng có ưu thế vượt trội trong một cuộc bầu cử tương tự nhưng cuối cùng đã đánh mất thế đa số trong Quốc hội.

Vấn đề Brexit sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tới đây nhưng đảng nào sẽ được hưởng lợi - đó là điều chưa thể khẳng định. Hơn 3 năm thực hiện Brexit không chỉ tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong chính trường và xã hội Anh, mà có lẽ một kết luận quan trọng khác cũng được rút ra, đó là sự không chắc chắn trong dân chúng đã tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, Công đảng đối lập tham gia bầu cử lần này với cam kết sẽ tìm kiếm thỏa thuận Brexit mới và đưa ra trưng cầu ý dân nhưng không nêu kế hoạch vận động cụ thể. Lãnh đạo đảng, ông Jeremy Corbyn từng gây ngạc nhiên trong cuộc bầu cử năm 2017 khi Công đảng giành được kết quả cao ngoài mong đợi.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chỉ có “phép màu” mới giúp Công đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhiều thành viên Công đảng cũng không tán thành kế hoạch bầu cử sớm vì lo ngại đảng này sẽ chịu thất bại nặng nề.

Tuy nhiên, nếu ông Corbyn giành chiến thắng, tiến trình Brexit tiếp theo hiện chưa rõ sẽ diễn ra như thế nào. Liệu một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit có thể diễn ra? Điều đó chỉ có thể trả lời nếu Corbyn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Điều mà người Anh (cũng như phần còn lại của EU), kể cả có ủng hộ hay không ủng hộ Brexit, đều không mong muốn, đó là một sự bế tắc mới trong Quốc hội. Tới đây có thể là một chiến thắng cho nhà dân túy Boris Johnson và một lối thoát khó khăn từ EU. Nhưng ngay cả khi đó, ông Johnson cũng không thể tránh được việc phải thảo luận cùng Quốc hội giải quyết các hậu quả về kinh tế xã hội do Brexit tạo ra.

Nếu ông giành được một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, ông sẽ có nhiều thuận lợi; nếu không, ông sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và chia rẽ. Đó sẽ là cái giá rất cao mà ông phải trả cho tiến trình Brexit của mình.

Quang Nguyễn
.
.