Cơ hội nào cho quan hệ Nga-Nhật?

Thứ Năm, 08/12/2016, 15:55
Sau một thời gian dài không muốn làm “mất mặt” đồng minh Mỹ, Nhật Bản tham gia vào các biện pháp trừng phạt Nga. Nhưng khi liên minh chống Nga tan rã thì cũng là lúc mối quan hệ Nga-Nhật trở lại đúng bản chất với hai mâu thuẫn lớn, đó là hiệp ước hòa bình và tranh chấp lãnh thổ.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Putin sắp tới được cho là cơ hội để hai nước giải quyết những mâu thuẫn cơ bản trên mà không chịu tác động từ bên ngoài.

Trong hai ngày 15 và 16-12-2016, Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Bản Abe sẽ có cuộc gặp lịch sử tại Tokyo. Đây là cuộc viếng thăm đầu tiên của ông Putin tại Nhật kể từ năm 2005. Chuyến thăm này của lãnh đạo Nga được cả hai phía đánh giá là rất quan trọng nên hai bên dàn xếp cả năm trời.

Hôm 3-12, đích thân Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã bay sang Moskva để chỉ... dàn xếp những chi tiết của chuyến thăm. Kể cả quà tặng cũng phải... cân đo đong đếm sao cho thật ý nghĩa. Đây là lần thứ 3, Nga-Nhật tiến hành đàm phán trước chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Putin.

Hai vấn đề chính trong cuộc đàm phán cấp cao lần này sẽ được đề cập là chủ quyền quần đảo Kuril và hiệp ước hòa bình. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 3-12 cho hay trước chuyến viếng thăm Nhật của Tổng thống Putin rằng nhà lãnh đạo hai nước sẽ tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp biển đảo đã có từ thời Đệ nhị thế chiến.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp Tổng thống Nga Putin tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, tháng 9-2016.

Mối quan hệ giữa Moskva và Tokyo đã gặp nhiều khó khăn từ mấy thập niên nay vì tình trạng của 4 hòn đảo trong vùng biển Thái Bình Dương ở khu phía bắc nước Nhật, được Nga gọi là quần đảo Nam Kurils và Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc.

Tranh chấp giữa hai nước khởi sự vào cuối Đệ nhị thế chiến khi Hồng quân Liên Xô chiếm các đảo cực nam của một quần đảo ngoài khơi bờ biển đông bắc của Hokkaido, ngay sau khi Nhật đầu hàng. Vấn đề chủ quyền biển đảo kéo dài đã 7 thập niên này khiến Moskva và Tokyo không thể ký một thỏa ước hòa bình và ngăn trở thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Chuyến thăm Nhật của ông Putin đã bị hoãn tới hoãn lui vài lần từ năm 2014, mà nguyên nhân cơ bản là do... Mỹ. Chính quyền Obama luôn muốn thế giới nghĩ rằng “Nga đang bị cô lập” nên được cho là tìm cách can ngăn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe. Ở đây, phải thấy sự mềm dẻo và kiên nhẫn của người Nhật. Nhật biết Mỹ “xằng bậy” nhưng với tình thế hiện tại thì đành... vậy, và chờ thời. Nhật biết rất rõ sẽ cực kỳ nguy hiểm cho bản thân nếu có quan hệ (chính trị) không tốt với 2 láng giềng hùng mạnh Nga và Trung Quốc.

Hồi tháng 9-2016, ông Putin đã gặp Thủ tướng Abe tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok trong 3 giờ đồng hồ. Kết thúc cuộc hội đàm, cả hai đã đồng ý thúc đẩy phát triển kinh tế và cùng nhau đàm phán để ký kết hiệp ước hòa bình trước chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin.

Tuy nhiên giới quan sát nhận định, việc các nhà ngoại giao Nhật Bản và Nga trong 3 cuộc gặp gần đây vẫn giữ lập trường nguyên tắc trước cuộc gặp thượng đỉnh, khiến hai bên khó có thể đạt được bước đột phá. Mối quan hệ giữa hai nước cũng nổi sóng gần đây liên quan đến việc Nga triển khai hệ thống tên lửa chống hạm ở 2 đảo tranh chấp và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Nhật Bản.

Điểm đáng chú ý được báo chí Nga nêu bật là sự kiện Moskva đã lưu ý Tokyo về những mối đe dọa liên quan đến hệ thống lá chắn chống tên lửa mà Mỹ, đồng minh của Nhật Bản, đang triển khai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thừa nhận, sẽ rất khó để thu hẹp bất đồng giữa hai nước về vấn đề hiệp ước hòa bình và bất đồng lãnh thổ: “Sẽ không dễ dàng trong việc thu hẹp lập trường cơ bản của hai bên. Vấn đề này rất khó khăn. Đây cũng là vấn đề đàm phán giữa hai nước nhiều năm qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn sẵn sàng để giải quyết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước”.

Về phía Nga, theo giới bình luận nhượng bộ trong tranh chấp lãnh thổ sẽ mang lại rủi ro cho ông Putin, nhưng có thể thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Nga trong thời điểm Moskva rất cần nguồn vốn để bơm vào nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thấp và lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn còn áp đặt lên Nga.

Ngoại trưởng Nga và Nhật sau cuộc hội đàm hôm 3-12 ở Moskva.

Không thể phủ nhận bất đồng về tranh chấp lãnh thổ sẽ khó được giải quyết, nhưng giới quan sát cho rằng, Nhật Bản và Nga cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội trong chuyến thăm lần này nhằm thúc đẩy lĩnh vực hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Phía Nga kỳ vọng, chuyến thăm Nhật Bản tới đây của Tổng thống Putin sẽ tạo động lực mới trong phát triển quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là phát triển vùng Viễn Đông Nga.

Bản thân Thủ tướng Abe cũng biết rằng mâu thuẫn lãnh thổ giữa Nga và Nhật không thể giải quyết chỉ trong một cuộc gặp gỡ. Nhưng ông hy vọng cùng Tổng thống Putin thảo luận vấn đề này thẳng thắn, cởi mở và đạt được bước tiến triển trong đàm phán về hiệp ước hòa bình. Bên cạnh đó, ông Abe tin rằng việc tạo mối quan hệ thân thiết với ông Putin và vận động doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Nga trong nhiều lĩnh vực (từ công nghệ y tế cho đến năng lượng) có thể giúp xúc tiến quá trình giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc.

Bộ trưởng thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko hôm 3-12 cho rằng tăng cường hợp tác trong các dự án kinh tế giữa đôi bên có thể đem lại tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. “Đây không phải là vấn đề Nhật Bản sẽ đưa tiền cho Nga mà là những dự án mang lại cơ hội kinh tế cho các công ty của Nhật. Các dự án này sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các công ty Nhật Bản và tăng thêm lợi nhuận đối với Nga. Tức là cả đôi bên đều có lợi” - ông Seko nói.

Với những lợi ích và điều kiện thuận lợi như hiện nay, giới quan sát cho rằng, các cuộc đàm phán sẽ khó khăn và có thể kéo dài, nhưng Nhật Bản và Nga cũng sẽ cố gắng khắc phục những khác biệt về lập trường, hướng tới việc kí kết hiệp ước hòa bình theo một giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được.

Một chi tiết ngoài lề khá thú vị: Tổng thống Putin có thể được nhận quà tặng chính thức từ Chính phủ Nhật là chú chó Akita trong khuôn khổ chuyến thăm tới Tokyo. Akita được người Nhật tôn sùng là báu vật quốc gia của mình và chỉ những khách quý mới có vinh dự được tặng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.