Có không một kịch bản cuộc chiến Mỹ - Iran?

Thứ Tư, 22/05/2019, 12:18
Căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran có thể dẫn đến xung đột quân sự khi mà hai bên đang gia tăng các hành động có vẻ như dần vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhận định được các chuyên gia đưa ra trong bối cảnh Mỹ ráo riết triển khai cụm tàu sân bay, các máy bay chiến đấu và đe dọa gửi cả trăm nghìn binh sĩ tới vịnh Persia.

Những kịch bản chiến tranh đã được tính tới và sự nguy hiểm của cuộc chiến đã được cảnh báo...

Tổng thống Mỹ và lời đe dọa hủy diệt

Hôm 14-5, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ thông tin cho rằng quân đội Mỹ đã triển khai một kế hoạch theo yêu cầu của Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, cử 120.000 binh sĩ tới Iran, tuy nhiên, theo các chuyên gia chắc chắn phải có những động thái rất quyết liệt từ nước Mỹ thì “thông tin” này mới được đăng tải một cách có chủ đích như vậy.

Nhiều nhà phân tích quân sự của Iran đã cảnh báo, sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran rõ ràng vô cùng nguy hiểm vì rủi ro rất cao trong tình trạng quân đội hai nước đã gần như chạm trán nhau. Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh cả Mỹ và Iran dường như đang hành động rất cảm tính khi chủ trương đối thoại hay chủ trương chiến tranh chưa bên nào thắng thế.

Nhưng nguy cơ về một cuộc chiến dường như được nói tới nhiều hơn khi ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy diệt Iran, qua đó làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng leo thang.

Iran quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vào các lợi ích. Ảnh: RFE .

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết: “Nếu Iran muốn tham chiến, đó sẽ là sự chấm dứt chính thức của Iran”. Ông cảnh báo Tehran “đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa”.

Đáp lại lời đe dọa trên, phía Iran lại cho rằng các động thái của Mỹ chỉ là “tâm lý chiến” và là “trò chính trị”. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarrif cũng hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực, khẳng định Tehran phản đối chiến tranh. Ngày 19-5, Thiếu tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết Iran sẵn sàng chống lại các mối đe dọa chiến tranh từ Mỹ.

Kênh truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Thiếu tướng Salami nêu rõ Iran đang đối mặt với các mối đe dọa sát lãnh thổ và IRGC đã chuẩn bị nguồn lực để chống lại các mối đe dọa này. Quan chức này nhấn mạnh Iran không theo đuổi và cũng không sợ hãi trước chiến tranh.

Trước sức ép về nguy cơ một cuộc chiến có thể xảy ra, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã trấn an người dân rằng: “Nước Cộng hòa Hồi giáo này không dễ để có thể bị bất cứ nước nào hăm dọa”. Trong khi đó, một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khẳng định rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Vùng Vịnh từng được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhưng hiện nay lại trở thành một “mục tiêu” và là “cơ hội” của Iran.

Hãng thông tấn sinh viên Iran (ISNA) dẫn lời ông Amir Ali Hajizadeh, người đứng đầu lực lượng không quân của IRGC nói: “Một tàu sân bay mang theo ít nhất 40 đến 50 máy bay và 6.000 binh sĩ từng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Iran trước đây. Những hiện nay nó trở thành một mục tiêu và các mối đe dọa đã chuyển thành cơ hội”. Ông tuyên bố: “Nếu (Mỹ) có bất kỳ động thái nào, chúng tôi sẽ đánh thẳng vào đầu họ”.

Những phát biểu trên cho thấy giọng điệu thù địch giữa Washington và Tehran đang tăng lên. Ông Robert Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh với CBS News rằng sự tính toán sai lầm của lực lượng quân sự hai nước tại Vùng Vịnh là “một nguy cơ có thực hiện nay”. Ông Gate nói rằng một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ gây ra “những hậu quả khủng khiếp không thể lường trước ở Trung Đông” và điều này sẽ “rất, rất nguy hiểm”.

Điểm lại tình hình trong một tuần qua thấy rõ, Nhà Trắng đã phát đi nhiều tín hiệu trái ngược. Lo ngại sự an toàn tính mạng cho các công dân nước mình, nhiều quốc gia đã đưa ra cảnh báo đối với công dân muốn tới Iran hay Iraq. Ngày 18-5, Bahrain đã cảnh báo công dân của nước này tránh tới Iraq và Iran, đồng thời khuyến cáo những công dân hiện đang ở các quốc gia này “ngay lập tức” quay về để đảm bảo an toàn. Có thể thấy rõ, tính chất và mức độ leo thang tại khu vực Vùng Vịnh cho thấy nó đang dần vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tàu sân bay Mỹ áp sát vùng biển Iran. Ảnh: The National Interest.

Thế giới lao đao

Nhà báo Margaret Kimberley đã dành nhiều năm để dự đoán về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran nhận định, cuối cùng cũng đã có một vị Tổng thống Mỹ muốn biến những lời đe dọa từ lâu thành hành động. Tuy nhiên, Mỹ chẳng có gì ngoài việc tạo ra sự đau khổ cho hàng triệu người và làm gia tăng nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh nóng.

Theo nhà báo này, Mỹ không chỉ tạo ra nguy cơ ở Iran, ở Vùng Vịnh mà nhìn vào các nước khác sẽ thấy rõ Mỹ có vẻ như đang muốn “gây chiến” ở nhiều khu vực trên thế giới. Cuba cũng rất khó khăn sau khi ông Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với quốc gia này. Hàng nghìn người dân Venezuela đã mất mạng vì các lệnh trừng phạt tàn khốc của Mỹ. Iran phải chịu cảnh ngập lụt khủng khiếp nhưng không một quốc gia nào dám cung cấp viện trợ cần thiết cho họ vì lo ngại các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra.

Ngoài việc bỏ đói dân thường và tước đoạt sự chăm sóc y tế của họ, Mỹ chẳng thể làm được điều gì khác mà không tạo ra những hậu quả nguy hiểm. Nỗ lực lật đổ chế độ Venezuela vừa qua đã thất bại thảm hại và cho thấy giới hạn sức mạnh của Mỹ.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục đưa ra một loạt quyết định chính sách đối ngoại khủng khiếp. Đầu tiên, họ cáo buộc Iran thực hiện một số hành động khiêu khích chưa xác định và điều động một hạm đội hải quân đến vịnh Persia để lý giải cho một cuộc chiến tranh.

Tiếp theo, Pompeo lên lịch gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông đã chọn rút ngắn thời gian ở Nga để gặp gỡ các lãnh đạo châu Âu và tranh thủ sự ủng hộ của họ để chống lại Iran. Song cả châu Âu và Nga đều không ủng hộ kế hoạch mạo hiểm của Mỹ, các nước châu Âu và Nga đều lo ngại về tình trạng căng thẳng tiếp tục gia tăng xung quanh thỏa thuận hạt nhân của Iran và cho rằng chính các hành động của Mỹ đã đưa đến sự gia tăng căng thẳng này.

Các tàu cao tốc của Iran tham gia diễn tập tấn công tàu chiến tại khu vực eo biển Hormuz. Ảnh: Ynetnews.

Thế giới đang đặt câu hỏi, trong khi Mỹ khởi động một phần kế hoạch hòa bình Trung Đông để “kiến tạo” một nền hòa bình thì tại sao Mỹ lại muốn có một cuộc chiến tranh?

Và câu hỏi cực kỳ quan trọng là Mỹ sẽ gây chiến với Iran? Nhiều nhà phân tích cho rằng khó có khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến tổng lực Mỹ-Iran trong thời gian tới bởi cả hai bên đều mong muốn tránh một cuộc chiến như vậy. Mặc dù một số cố vấn của Tổng thống Trump có thể ủng hộ một cuộc đụng độ với Tehran, song ông Trump vẫn luôn nói rõ rằng ông muốn chấm dứt các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Trung Đông, không bắt đầu những cuộc chiến tranh mới. Điều đó chính là động lực để rút quân đội Mỹ khỏi Syria và ông không sẵn sàng tham gia vào cuộc nội chiến ở Yemen.

Một cuộc chiến tranh với Iran không có ý nghĩa gì. Mỹ có thể giành chiến thắng. Tuy nhiên, dù giành thắng lợi, song Mỹ sẽ dễ dàng gây ra tình trạng hỗn loạn và xung đột tương tự như ở Iraq nhưng hậu quả cho khu vực và thế giới sẽ lớn hơn quy mô ở Iraq gấp nhiều lần vì Iran có dân số lớn gấp 3, diện tích lớn gấp 4 và các vấn đề nhiều gấp 5 lần so với Iraq.

Chiến tranh du kích hay cuộc chiến toàn diện?

Bình luận khả năng về kịch bản chiến tranh Mỹ - Iran, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học quân sự, nhà khoa học chính trị Sergey Sudakov cho rằng, nếu Mỹ tấn công các tàu chiến đang thực hiện nhiệm vụ phong tỏa eo biển Hormuz thì điều này có nghĩa là xung đột trực tiếp, một trường hợp kinh điển, là chiến tranh.

Đánh giá vị trí của Mỹ trong cuộc đối đầu này, ông nói: “Mỹ đang cố gắng hành động như “người bảo vệ thế giới”. Trên thực tế, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích của mình và họ không hiểu rằng có thể thay đổi chính sách “ra lệnh”, chuyển sang chính sách “thỏa thuận, nhượng bộ”.

Lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực Vịnh Persia. Ảnh: dod.defense.gov.

Ông Sergey Sudakov cũng lưu ý, nếu Mỹ gây chiến với Iran, điều này sẽ làm phức tạp cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới: “Nếu ông Trump muốn dấn vào cuộc chiến lớn với Iran, điều đó có nghĩa là cơ hội tái đắc cử của ông sẽ rất ít vì người Mỹ không bao giờ bỏ phiếu cho một tổng thống gây chiến”.

Giới phân tích cho rằng trong trường hợp xung đột, Iran sẽ chủ yếu viện tới chiến lược đáng tin cậy mà họ từng thử nghiệm đó là “chiến tranh bất đối xứng”, từng được áp dụng từ sau cuộc chiến Iran-Iraq năm 1980-1988 như cách tốt nhất để tấn công mạn sườn quân địch mạnh hơn.

James Holmes, chuyên gia của trường Đại học Chiến tranh hàng hải ở Mỹ, nói: “Chiến tranh Mỹ-Iran sẽ không phải là chiến tranh hàng hải theo nghĩa hẹp. Chiến tranh du kích, chứ không phải cuộc chiến truyền thống trên biển, là cách giải thích đúng hơn về chiến lược hàng hải của Iran”. Ông nói thêm rằng các tàu của Iran sẽ tập trung hỏa lực vào các vùng biển hẹp ở eo Hormuz.

Jean-Sylvestre Mongrenier, nhà nghiên cứu tại Viện Thomas More, cho rằng Iran biết rõ họ không thể đối chọi với các tàu sân bay của Mỹ. Theo ông, Iran sẽ không nhằm mục tiêu nện “đòn giáng” vào hải quân Mỹ nhưng nói rõ rằng sự can dự của Mỹ ở Vùng Vịnh sẽ hứng chịu tổn thất về quân sự và vật chất. Các hành động của Iran có thể bao gồm đặt mìn ở eo Hormuz, quấy rối các tàu hải quân Mỹ và sử dụng các tên lửa chống hạm được đặt trên các tàu nhỏ và đánh theo kiểu du kích trên biển.

Trong trường hợp tiến hành chiến tranh với Iran, Mỹ không thể bỏ qua những bài học về cuộc chiến ở Iraq. Cuộc chiến ở Iran (nếu xảy ra) sẽ thậm chí khó khăn hơn so với ở Iraq rất nhiều lần bởi diện tích địa lý của Iran lớn gấp 4 lần và dân số đông hơn gấp 3 lần so với Iraq. Địa hình Iran ghồ ghề hơn và nhiều núi non hơn trong khi địa hình của Iraq bằng phẳng và phần lớn là sa mạc không có vật cản.

Nỗi sợ lớn nhất dẫn đến cuộc xâm chiếm Iraq là trận chiến Baghdad ở giai đoạn cuối cùng - một cuộc chiến ở vùng đô thị với các tay súng bắn tỉa từ mái nhà và ngõ hẻm. Cuộc chiến này đã không xảy ra vì Saddam Hussein đã bỏ chạy, cảnh sát và quân đội bị tan rã, toàn bộ giới tinh hoa cầm quyền bị phân tán trước khi xe tăng Mỹ đổ vào Baghdad.

Nhưng với hầu hết người dân Iran, họ cũng căm thù kẻ xâm lược. Ký ức vẫn còn nguyên. Họ sẽ không chào đón binh sĩ Mỹ như là những người giải thoát cho họ. Có thể sẽ có trận chiến Tehran và trận đó có thể sẽ kéo dài và nhiều thương vong.

Khác biệt lớn thứ hai là Saddam không có sự hỗ trợ bên ngoài để đối phó với kẻ xâm lược. Quân đội của ông ta phải đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ. Trong khi đó, Iran có thể tiến hành một cuộc chiến không đối xứng. Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz, các lực lượng ủy nhiệm của họ có thể nã tên lửa vào Israel và vào các lực lượng của Mỹ ở khu vực.

Tehran cũng có thể tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào các hệ thống kiểm soát kênh thông tin, tình báo và tên lửa dẫn đường của quân đội Mỹ, thậm chí nhắm vào cơ sở hạ tầng cốt yếu của Mỹ trên phạm vi rộng lớn hơn. Tình trạng đối đầu sẽ khó có thể đoán định và có thể gây thiệt hại nặng cho cả hai bên.

Trong khi đó, cuộc chiến này sẽ không bao gồm các đồng minh châu Âu của Mỹ - những nước đã đóng vai trò chính trị quan trọng trong cuộc chiến ở Iraq. Và rồi khi ấy sẽ nổi lên quan điểm cho rằng cuộc chiến này thực ra chỉ là sự cấu kết của những người Arab dòng Sunni, người Do Thái và người Mỹ chống lại người Hồi giáo dòng Shiite, do đó, làm trầm trọng hơn các cuộc xung đột sắc tộc ở khu vực.

Hoa Huyền
.
.