Góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự Việt Nam:

Con người là yếu tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Thứ Tư, 18/11/2015, 15:05
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra yêu cầu "Cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp XHCN Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai".

Chuyên đề ANTG xin giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Trần Trung Dũng, Nguyên Cục trưởng Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an, để bạn đọc hiểu rõ vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc trong sửa đổi bổ sung các quy định của Bộ Luật Hình sự (BLHS) và Luật Tố tụng hình sự (Luật TTHS) là: Tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài là rất cần thiết nhưng cần chọn lọc những nội dung phù hợp, đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của thực tiễn phòng, chống tội phạm ở Việt Nam.

Bộ Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện độc lập, chủ quyền của nhà nước, thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn dân trong phòng ngừa, trấn áp tội phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Khẳng định điều này không có nghĩa là pháp luật hình sự nước ta không tính đến sự hội nhập quốc tế. Ngược lại trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc sửa đổi, bổ sung để có BLHS, Luật TTHS đáp ứng với tiến bộ xã hội và đòi hỏi của hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm là tất yếu khách quan.

Trong hoạt động đối ngoại để tìm hiểu, học tập, tiếp thu kinh nghiệm của các nước nhằm hoàn thiện pháp luật đã xuất hiện một số lệch lạc như: Tuyệt đối hóa một số nội dung pháp luật nước ngoài để yêu cầu pháp luật của ta phải tuân theo (vai trò và quyền của luật sư, quyền của bị can, bị cáo, mô hình tố tụng v.v…); Phê phán BLHS, Luật TTHS Việt Nam lạc hậu quá xa so với một số nước trên thế giới; phê phán một chiều những vi phạm của các cơ quan tố tụng để kiến nghị thay đổi một số quy định cụ thể trong Luật.

Luật pháp của những nước phát triển có những nội dung khoa học mang tính nhân văn, nhân đạo, phản ánh sự tiến bộ của nhân loại. BLHS, Luật TTHS của các nước đều xuất phát từ thực tiễn của đất nước họ nhằm bảo vệ lợi ích, chế độ chính trị của họ. Khi học hỏi kinh nghiệm các nước, phải tiếp thu những giá trị cơ bản sau đây:

- Giá trị về tôn trọng và bảo vệ quyền con người nhất là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội trong đó có bị can, bị cáo.

- Giá trị về tính khoa học, công khai, minh bạch, dân chủ trong các hoạt động tố tụng hình sự.

- Giá trị về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo trong đó nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của luật sư.

Tiếp thu những giá trị cơ bản nói trên, phải nghiên cứu chọn lọc kỹ càng, sâu sắc, phân tích rõ tính ưu việt và những hạn chế của các quy định trong pháp luật của các nước, xem xét kỹ những nội dung mà pháp luật chúng ta đã có cần được giữ gìn và phát huy cũng như những nội dung mới mà pháp luật chúng ta chưa quy định. Điều đáng lưu ý khi đưa những nội dung mới vào cần phải nội luật hóa, tránh tình trạng đưa nguyên xi của nước ngoài vào pháp luật nước ta.

Để việc sửa đổi, bổ sung một cách có hiệu quả hai bộ luật quan trọng của Việt Nam cần bám sát thực tiễn của Việt Nam, dựa trên yếu tố cơ bản nhất của thể chế chính trị của nước ta là Đảng lãnh đạo, chế độ XHCN và nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các cơ quan tố tụng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cũng như đường lối hoạt động, bảo đảm cho các cơ quan này hoạt động có hiệu quả trong phòng chống tội phạm, bảo vệ chế độ XHCN và nhân dân lao động. Những ý kiến đòi độc lập "tuyệt đối" của các cơ quan tố tụng, những người tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm là rất xa rời thực tiễn chính trị của Việt Nam. Đây là điều nguy hiểm vì sẽ dẫn đến "phi chính trị hóa" các cơ quan sức mạnh trong chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định là chính đảng duy nhất lãnh đạo đất nước.

Độc lập của cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng nhưng không đồng nghĩa với độc lập tuyệt đối dẫn đến thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Độc lập là ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ triệt để pháp luật, thực hiện đúng đắn, có hiệu quả các quy định của pháp luật với trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân.

Quang cảnh một phiên xét xử.

Xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, Nhà nước quy định tội phạm và hình phạt, đề ra chính sách hình sự, nguyên tắc và trình tự, thủ tục điều tra, xử lý tội phạm. Các quy định này đều thể hiện các giá trị nhân văn, nhân đạo bảo vệ quyền con người trong đó có quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo; bảo đảm mọi hoạt động tố tụng đều được công khai, minh bạch, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều cơ chế pháp luật. Đồng thời, có thể bổ sung, sửa đổi quy định về tội phạm và hình phạt theo hướng: phi hình sự hóa hoặc hình sự hóa một số hành vi vi phạm; tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt. Quyết định cụ thể về các nội dung trên hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu phòng chống tội phạm và tình hình tội phạm trong từng thời kỳ cụ thể.

Có ý kiến sai lầm cho rằng, sửa đổi luật đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng cần "giống" luật các nước như: Luật của các nước không có tội đó thì ta cũng nên bỏ tội danh đó đi như bỏ tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 165 BLHS); Hoặc bảo lãnh bằng tiền hoặc thay phạt tù bằng phạt tiền; Hoặc bỏ hình phạt tử hình như nhiều nước đã thực hiện vì lý do nhân đạo và bảo vệ quyền con người...

Việc đưa nguyên xi pháp luật của nước ngoài vào sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật Việt Nam đã bất chấp tình hình phức tạp của tội phạm, sự bức xúc mất niềm tin của nhân dân đối với hiệu lực pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng. Sự cảnh báo của các đại biểu Quốc hội về nguy cơ gia tăng tội phạm ma túy nếu như giảm bớt hình phạt tử hình là không hề thừa.

Các cơ quan tố tụng và những người tiến hành tố tụng thay mặt Nhà nước để phát hiện, điều tra xử lý tội phạm, bảo vệ đất nước và nhân dân. Các chủ thể này có trách nhiệm rất lớn đối với sự an nguy của chế độ, tính mạng, tài sản, quyền lợi của công dân. Họ dấn thân vào cuộc đấu tranh khốc liệt phòng chống tội phạm, là chủ thể chính trong các hoạt động tố tụng hình sự và phải chịu trách nhiệm pháp lý rất nặng nề.

Điều 10, Luật TTHS quy định: "Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo". Điều 12 nêu rõ: "Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Như vậy, pháp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của họ khác xa với các chủ thể khác trong hoạt động tố tụng hình sự.

Việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để coi các chủ thể nói trên là "một bên" hoặc là "trọng tài" trong cuộc chiến pháp lý với bên khác gồm luật sư, bị can, bị cáo… là hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn Việt Nam dẫn đến sự so sánh, khập khiễng và đòi hỏi "bình đẳng" cứng nhắc giữa chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng. Bình đẳng phải được hiểu là tất cả những chủ thể trong tố tụng đều được bình đẳng đưa ra tài liệu, chứng cứ làm sáng tỏ sự thật của vụ án và những giá trị chứng cứ không phụ thuộc vào địa vị pháp lý của các chủ thể trong tố tụng hình sự.

Bên cạnh kết quả, thành tích, trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng đã được khẳng định thì vừa qua, các chủ thể này còn bộc lộ những bất cập, hạn chế dẫn đến sai phạm gây tác hại trong hoạt động tố tụng. Tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài để quy định thêm quyền hạn, tăng cao tính độc lập theo mô hình "độc lập tác chiến" của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là không sát thực tiễn Việt Nam dễ dẫn đến tiêu cực, sai phạm, gây oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Cần đi theo hướng quy định chuẩn và đào tạo đạt chuẩn về phẩm chất, năng lực của các chủ thể này. Đồng thời tăng cường giám sát của các cấp có thẩm quyền cùng với đề cao chế độ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc những người vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ. Những nội dung này đã được ghi nhận trong pháp luật nhưng cần rà soát để bổ sung, sửa đổi cho sát hợp hơn với diễn biến của thực tế.

Về luật sư, hoạt động của chủ thể này có vai trò rất quan trọng trong việc chứng minh làm rõ tội phạm. Nước ngoài coi luật sư thuộc về bên "gỡ tội" là đối trọng trong cuộc chiến pháp lý với "bên buộc tội". Tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài về giá trị quan trọng của luật sư, nhiều ý kiến đã tuyệt đối hóa vai trò của luật sư, đòi mở rộng quyền thu thập chứng cứ của luật sư, "quyền im lặng" của người bị bắt, bị can, bị cáo khi không có luật sư v.v... Rõ ràng những ý kiến đó không xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Chúng ta luôn thấy rõ vai trò ngày càng quan trọng của luật sư trong xã hội phát triển, trong tố tụng hình sự vai trò của luật sư càng được đề cao vì tính nhân văn, nhân đạo của hoạt động nghề nghiệp này.

Tuy nhiên điều kiện thực tế ở Việt Nam và thực trạng chủ thể này có giải quyết được những nội dung như nêu trên hay không? Dù nghề nghiệp luật sư rất cao quý nhưng phải thấy rằng luật sư chủ yếu hoạt động theo hợp đồng kinh tế. Thân chủ trả tiền để luật sư hoạt động nhằm gỡ tội cho họ  theo hướng: bào chữa để được vô tội hoặc giảm nhẹ tội. Khác với các chủ thể tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm pháp lý có khi rất nặng nề, luật sư không chịu trách nhiệm pháp lý gì khi họ bào chữa không có kết quả thậm chí bào chữa sai. Có chăng chỉ ảnh hưởng đến uy tín mà thôi.

Nếu cho rằng: cần mở rộng quyền thu thập chứng cứ tạo điều kiện để cho luật sư có đủ tài liệu, chứng cứ phục vụ cho bào chữa đặc biệt là tranh tụng tại phiên tòa thì cần lưu ý Viện Kiểm sát, Tòa án cũng không trực tiếp thu thập chứng cứ. Tại sao các cơ quan này vẫn thực hiện được chức năng của mình. Các cơ quan này cũng nhận được những hồ sơ, tài liệu như luật sư đã nhận (kết luận điều tra Cơ quan điều tra cũng gửi đến luật sư như gửi đến Viện Kiểm sát và Tòa án nhận được cáo trạng từ Viện Kiểm sát).

Mặt khác hoạt động thu thập chứng cứ vừa là hoạt động tố tụng hình sự, vừa là hoạt động nghiệp vụ nên đòi hỏi có chuyên môn điều tra, có lực lượng, phương tiện nghiệp vụ là những yếu tố luật sư không có được. Trong lúc, mỗi năm Cơ quan điều tra của Bộ Công an thụ lý vài chục nghìn vụ án với hàng trăm nghìn bị can (như năm 2014 Cơ quan điều tra của Công an các cấp đã thụ lý 73.606 vụ án với 110.924 bị can) thì với số lượng luật sư hạn chế như hiện nay liệu đặt ra những yêu cầu trên có khả thi không? Vì vậy, thay vì đặt yêu cầu thêm quyền thu thập chứng cứ cho luật sư cần tập trung giải quyết nội dung cơ bản là: bảo đảm quyền tranh luận và giá trị tranh luận của luật sư trong phiên tòa cũng như quyền được tiếp cận hồ sơ, tài liệu của cơ quan tố tụng của luật sư ở giai đoạn kết thúc điều tra.

(Còn nữa)

Thiếu tướng Trần Trung Dũng - Nguyên Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an
.
.