“Công thức mang tính cách mạng nhất” giải quyết khủng hoảng Syria
- Nga – Thổ Nhĩ Kỳ chưa gặp nhau trong vấn đề Syria
- Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Bắt tay trong những bất đồng
- Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran liên kết diệt khủng bố ở Syria
Họp báo ở Moskva ngay sau cuộc họp diễn ra vào ngày 20-12, Ngoại trưởng 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất quan điểm: Sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết 3 nước đã nhất trí thông qua một tuyên bố chung mang tên “Tuyên bố Moskva” để cùng hành động phối hợp nhằm khởi động lại tiến trình đối thoại chính trị ở Syria.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Tuyên bố Moskva tái khẳng định sự tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, một quốc gia đa sắc tộc, dân chủ và có nhà nước thế tục.
Ngoại trưởng 3 nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng cơ chế ngừng bắn ở Syria sau cuộc họp ở Moskva, kèm theo đó là hoạt động cứu trợ nhân đạo không bị hạn chế và sự đi lại tự do tối đa cho người dân trên khắp Syria. “Chúng tôi sẵn sàng đóng góp vào xây dựng thỏa thuận đang được soạn thảo, và bảo đảm cho các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Syria và thành phần đối lập” - ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ họp báo sau cuộc họp 3 bên ở Moskva hôm 20-12. |
Trả lời báo chí về “công thức đàm phán” nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất trong việc giải quyết khủng hoảng Syria, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định rằng công thức hiện tại - bao gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ là hiệu quả nhất. Ông Lavrov nhấn mạnh thêm, cho đến giờ phút này thì Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ là công thức mang tính “cách mạng” nhất cho khủng hoảng Syria.
Việc Nga bắt tay với hai đối tác quan trọng trong khu vực là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để cùng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria mà không mời Mỹ tham gia đã khiến Washington cảm thấy “chạnh lòng”.
Ngày 20-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Ngoại trưởng John Kerry đã nói chuyện điện thoại với Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để bày tỏ “nghi ngờ nỗ lực mới sẽ thành công”. Ông Kirby cũng bày tỏ “không hy vọng” nỗ lực mới của 3 nước trên sẽ mang lại kết quả khác biệt nào.
Thực tế, sự hợp tác giữa Nga và Mỹ đang trở nên vô nghĩa do quan hệ giữa 2 nước đang trong tình trạng rất xấu. Và người Nga cũng đã không cần giấu giếm sự bực bội vì thái độ và cách hành xử của Mỹ trong vấn đề Syria. Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, việc Nga bắt tay hành động với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mà không mời Mỹ không có nghĩa là 3 nước không sẵn sàng tiếp xúc với các đối tác khác, hoặc cũng có thể mời họ tham gia tiến trình đàm phán của Chính phủ Syria. Nga không thể bỏ qua phần việc mà Nga và Mỹ đã làm cho Syria.
Nhưng ông Lavrov cũng cho rằng, làm việc trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận mở đường thoái lui cho phiến quân đối lập ở Aleppo đã mang lại hiệu quả nhiều hơn “những lần hợp tác không có kết quả với Mỹ”. Ông Lavrov dẫn chứng, những đối tác trong nhóm Hỗ trợ quốc tế dành cho Syria (ISSG) - do Nga và Mỹ thành lập và dẫn dắt từ năm 2015 - chỉ làm được mỗi việc là ban hành nhiều “văn bản quan trọng” mà không thể hiện được trên thực tế vai trò quan trọng của mình trong việc thực thi các quyết định quan trọng về Syria.
Vào tháng 9-2016, Nga và Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về Syria, nhưng Washington đã không thể xác nhận mình chắc chắn tham gia thực hiện những gì đã thỏa thuận. Khi các lực lượng quân Chính phủ Syria và các đồng minh đánh bật phiến quân đối lập ra khỏi các vị trí quan trọng ở Aleppo, Nga đưa ra đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình mới tại Kazakhstan để thay thế các cuộc đàm phán ở Geneva do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Và Nga đã mời Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tham gia liên minh tay ba với Nga và Iran để giải quyết vấn đề Syria cũng có phần lỗi của Mỹ. Kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, Tổng thống Mỹ Obama luôn phản đối việc trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria, với lập luận rằng việc đó không thể giúp cải thiện được tình hình, và rằng Syria không phải là lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Trung Đông.
Thỏa thuận sơ tán người ở Aleppo là thành công bước đầu trong sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. |
Khi Thổ Nhĩ Kỳ còn xem việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi, thì Tổng thống Obama lại không quyết liệt trong việc này. Thay vì thế, Mỹ lại gián tiếp can thiệp vào Syria bằng cách triển khai các chương trình bí mật cùng với các đồng minh cung cấp súng đạn, tiền bạc và tên lửa cho phiến quân. Thế rồi, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nổi lên thành thế lực mạnh nhất trong đám phiến quân, trở thành mối đe dọa an ninh cho cả Mỹ và phương Tây. Tình hình đó buộc Washington phải phá bỏ cam kết ban đầu, trực tiếp can thiệp quân sự, mở chiến dịch ném bom IS trên lãnh thổ Iraq và Syria.
Mấu chốt quan trọng là Mỹ đã bắt tay với người Kurd, dựa vào lực lượng vũ trang của người Kurd để chống IS trên mặt đất. Chính sách này đã chọc giận Ankara, vì những người Kurd liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn lâu nay đấu tranh đòi thành lập nhà nước độc lập Kurdistan bao gồm một phần rộng lớn ở vùng đông nam, là mối đe dọa lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng với việc Mỹ chứa chấp giáo sĩ Fethullah Gulen - “kẻ thù” của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người bị nghi đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016 - càng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi xa Mỹ và xích lại gần với Nga hơn.
Ankara bắt đầu thay đổi quan điểm đối với vấn đề Syria, không còn xem việc Tổng thống Assad “phải ra đi” là điều kiện tiên quyết của mọi giải pháp cho khủng hoảng Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng trân trọng các đóng góp to lớn của Nga trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở Syria, thông qua đàm phán thỏa thuận sơ tán ở Aleppo.
Mỹ không được mời tham gia, có nghĩa là sắp tới phiến quân đối lập tham gia vào tiến trình đối thoại chính trị sẽ phải tự mình chèo chống trong tình thế “đơn thương độc mã”. Tuy nhiên, Nga vẫn để ngỏ khả năng tham gia của Mỹ nếu Washington muốn tham gia. Điều này sẽ không sớm xảy ra, chí ít là cho tới sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống vào cuối tháng 1-2017.