Cú sốc nhân dân tệ
Tính đến ngày 13/8, đồng RMB đã mất giá đến 4,6%. Mức độ phá giá đồng RMB còn được cộng hưởng một phần do ảnh hưởng tâm lý trong giới đầu tư tiền tệ, phần khác do sự điều tiết ngầm của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC).
Phát biểu trước báo chí về khả năng điều hành tỉ giá đồng RMB trong thời gian sắp tới, Phó Thống đốc PBOC Yi Gang đã tuyên bố trấn an các thị trường tài chính châu Á và thế giới rằng, Trung Quốc sẽ không phá giá đồng RMB đến 10%. Ông Yi cũng khẳng định, PBOC không còn can thiệp thường xuyên vào tỉ giá hối đoái đồng RMB nữa và sẽ thực hiện các biện pháp quản lý thích hợp nếu xảy ra tình trạng biến động tiền tệ cực đoan.
Điều này có nghĩa là đồng RMB được thả nổi theo sự điều tiết của thị trường hối đoái, còn các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc chỉ đưa ra các động thái gián tiếp bằng cách mua vào đồng RMB và bán ra đồng USD hoặc ngược lại.
Những tác động ngay tức thì từ việc phá giá đồng RMB chính là việc các thị trường chứng khoán châu Á và thế giới đã đồng loạt mất điểm từ 1% (FTSE100 – Đức, ASX200 - Australia) đến trên 3% (Nikkei – Nhật, DAX – Đức, CAC40 - Pháp). Tuy nhiên, các thị trường châu Á đã mau chóng hồi phục khi nhà đầu tư đã bớt hốt hoảng sau “cú sốc”.
Tác động rõ nhất từ “cú sốc” xảy ra ở thị trường vàng thế giới. Việc Trung Quốc phá giá RMB đẩy đồng USD tăng giá và làm cho giá dầu thô tụt giảm thêm đã khiến các nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng, từ đó giá vàng thế giới nhảy múa, có lúc lên đến 1.126 USD một ouz.
“Cú sốc” phá giá cho thấy sức ảnh hưởng của đồng RMB trong nền kinh tế thế giới gia tăng. |
Ngay sau ngày đầu tiên Trung Quốc phá giá đồng RMB, đã có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang tạo ra nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” trên phạm vi toàn cầu. “Nguy cơ” đó càng được tô đậm lên sau ngày thứ hai liên tiếp phá giá đồng RMB. Tuy nhiên, cái gọi là “nguy cơ chiến tranh tiền tệ” đó đã mau chóng bị bác bỏ.
Hiện tại, chưa có cơ sở để khẳng định việc phá giá RMB sẽ dẫn đến một cuộc chiến tiền tệ mới cho dù việc phá giá RMB có tạo ra những tác động tiêu cực lên kinh tế nhiều quốc gia có liên quan và kinh tế thế giới nói chung. Người ta dự báo Washington sẽ phản ứng giận dữ trước hành động phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc vì những tác động tiêu cực của nó đối với kinh tế Mỹ, chẳng hạn như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau 7 năm để điều tiết tăng trưởng của kinh tế Mỹ khi mức lạm phát tăng lên trên 1,4%.
Giới phân tích đánh giá Trung Quốc đang “xuất khẩu” sức ép lạm phát và thất nghiệp ra bên ngoài nhằm ổn định tình hình trong nước sau thời gian liên tục đối mặt khó khăn. Hơn nữa, từ lâu nay Mỹ luôn phàn nàn việc Trung Quốc định giá thấp đồng RMB so với đồng USD khiến cho ưu thế giao thương luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay Washington chưa thể hiện thái độ phản ứng cụ thể nào trước hành động phá giá mới nhất này.
Theo giới phân tích tiền tệ thế giới, việc phá giá đồng RMB ngay thời điểm hiện tại có liên quan đến những chỉ số kinh tế u ám gần đây của Trung Quốc, cụ thể là kim ngạch xuất khẩu giảm đến 8,3% trong tháng 7/2015, mức giảm sâu nhất trong vòng 4 tháng, tiếp nối đà giảm trong nhiều tháng qua.
Sự tụt giảm xuất khẩu kèm theo những biểu hiện yếu kém khác tạo nên sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế nói chung (dự kiến dưới 7% trong năm 2015) là lý do hàng đầu thúc ép các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải “hành động ngay”, tạo ra một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ. Và phá giá đồng RMB được cho là một biện pháp vực dậy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc.
Hệ quả trước nhất là tạo ra lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, vì đồng RMB mất giá sẽ khiến cho giá thành hàng xuất khẩu Trung Quốc hạ xuống, do đó được bán ra với giá thấp hơn các đối thủ trong khu vực, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,... Xuất khẩu hồi phục sẽ kéo theo đà hồi phục tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Những quốc gia có quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do giá thành nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn, khó cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, nếu như các nhà xuất khẩu của Trung Quốc được hưởng lợi lớn thì những tập đoàn, công ty thuộc các lĩnh vực khác lại phải chịu thiệt thòi do phải gồng lưng với các khoản vay bằng đồng ngoại tệ USD hiện có tỉ giá tăng so với trước.
Động thái phá giá đồng RMB cũng được xem là đòn “nắn gân” các đối thủ, các định chế quốc tế và cả nền kinh tế thế giới nói chung. Kể từ khi thực hiện chính sách cải cách tiền tệ vào năm 2005, Trung Quốc bắt đầu nỗ lực đưa đồng RMB vào “rổ tiền” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đồng RMB trở thành một trong những đồng tiền dự trữ chính của thế giới (hiện bao gồm đồng USD, bảng Anh, Euro và Yen Nhật).
Việc Trung Quốc duy trì kiểm soát tỉ giá hối đoái đồng RMB là trở ngại chính khiến cho IMF quyết định không đưa đồng tiền này vào rổ tiền dự trữ chính. IMF tuyên bố Trung Quốc cần hoàn thiện thêm nhiều việc để thỏa mãn các yêu cầu nghiêm ngặt của tổ chức này trước khi tổ chức này mở phiên hợp xem xét yêu cầu của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, với động thái phá giá đồng RMB, Trung Quốc đang muốn cho IMF cũng như cả thế giới thấy sức ảnh hưởng đang lớn dần của đồng tiền nước này dựa vào quy mô và tầm ảnh hưởng lớn của kinh tế nước này trên phạm vi toàn cầu. Và một thông điệp được đưa ra là “IMF cần phải đưa RMB vào rổ tiền dự trữ chính”.