Cuba và phương Tây đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ
Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Abelardo Moreno nhận định, việc hủy bỏ hoàn toàn chính sách đơn phương và tàn tích của quá khứ này, đối nghịch với cơ sở bình đẳng, có đi có lại và tôn trọng mà La Habana và Bruxelles xây dựng quan hệ của mình từ năm 2008, là một yếu tố tối quan trọng.
Việc bãi bỏ văn kiện từng được đánh giá là đỉnh điểm của những bất đồng Cuba và châu Âu, đã được người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, bà Federica Mogherini đề nghị vào cuối tháng 9 vừa qua.
Quyết định của các nước châu Âu bật đèn xanh cho Bruxelles xóa bỏ văn kiện gây bất hòa được đưa ra trong bối cảnh từ tháng 3-2016, Ủy ban châu Âu và Cuba đã đúc kết một “thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác”, sẽ được chính thức ký kết ngày 12-12 tới.
Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác giữa EU và Cuba sẽ là văn bản đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho mối quan hệ EU-Cuba. Đây là cơ sở cho đối thoại chính trị sâu rộng, cải thiện quan hệ hợp tác song phương và thiết lập các hành động chung để phối hợp trong các mối quan hệ đa phương.
EU sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế và xã hội Cuba, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác, khuyến khích phát triển bền vững, và tìm ra các giải pháp chung trước các thách thức mang tính toàn cầu.
Cùng với việc châu Âu bãi bỏ bản “Quan điểm chung”, ngày 7-12, Ủy ban song phương Cuba-Mỹ họp lần thứ năm tại La Habana đã vạch ra một lộ trình nhằm củng cố tiến trình hòa dịu giữa hai bên. Theo đó, Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hối thúc các công ty Mỹ hoàn tất những hợp đồng mua bán bổ sung tại Cuba để đặt nền tảng vững chắc hơn cho chính sách của ông Obama trước khi người kế nhiệm ông bước vào Nhà Trắng ngày 20-1-2017.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm Havana của ông Obama hồi tháng 3-2016. |
Một số công ty lớn của Mỹ như General Electric đang trong giai đoạn cuối thương lượng các hợp đồng với Cuba. “Chúng tôi sẽ quyết định những việc cần làm trong những tuần tới để đào sâu tiến trình cải thiện quan hệ”- Bộ Ngoại giao Cuba cho biết. Theo AFP, những việc cần làm đó bao gồm các chuyến thăm cấp cao và các hiệp ước hợp tác trong những lĩnh vực đôi bên cùng có lợi.
Giới phân tích cho rằng Cuba và Mỹ càng siết chặt mối quan hệ nồng ấm thì khả năng các thoả thuận bị đảo ngược càng khó xảy ra.
Cuba tới nay vẫn chưa có phản ứng gì trước những phát biểu của ông Trump và dường như đang chờ xem liệu vị tổng thống đắc cử Mỹ có biến những luận điệu gay gắt thành những thay đổi chính sách hay không. Ông Trump đã tuyên bố sẽ tìm cách đảo ngược các bước tiến của chính quyền Obama trong mối quan hệ với Cuba. Nhiều đại biểu Ðảng Cộng hòa ở Mỹ không tin rằng sắp tới ông Trump sẽ có những thay đổi về chính sách với Cuba.
Dân biểu Chis Smith nói: “Tôi nghĩ ông Donald Trump có thể là bước ngoặt cho quan hệ Mỹ-Cuba. Trong quá khứ, chúng ta đã theo đuổi một chính sách đối với Cuba thiếu hiệu quả, ấu trĩ”. Rick Crawford, dân biểu Ðảng Cộng hòa tại bang Arkansas, coi trao đổi thương mại là giải pháp tốt hơn để giúp nhân dân Cuba. Ông nói: "Tôi không tin rằng sẽ có một phản ứng tự động thiếu suy xét đòi bãi bỏ tất cả những gì mà Tổng thống Obama đã làm cho tới nay".
Ông Crawford theo quan điểm cho rằng thương mại là một giải pháp hữu ích hơn để giúp nhân dân Cuba. Ông nói: "Theo tôi, đã tới lúc phải gạt sang một bên lăng kính Chiến tranh Lạnh và bắt đầu suy nghĩ về những cách tích cực và hiệu quả mà chúng ta có thể làm để vận động Cuba giữa lúc nước này đang ở bên bờ của một thay đổi lớn về chính trị xã hội và văn hoá”.
Sử gia người Pháp, Elizabeth Burgos, nhận định: “Cuba sẽ trở thành cầu nối đối thoại giữa Mỹ và châu Mỹ Latinh. Ông Trump là người của tình huống lý tưởng. Cùng với những thế hệ lãnh đạo tương lai, ông Trump sẽ biết cách thương lượng các thương vụ. Tôi khá tin rằng một ngày nào đó sẽ có Trump Tower tại La Habana. Người Cuba rất thích làm ăn với ông Trump”.
Với sự cởi trói của châu Âu và việc hối thúc đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ của Mỹ, các chuyên gia dự báo kinh tế Cuba trong những năm tới sẽ rất khác. Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba sau Venezuela, với 22% tổng giá trị trao đổi mậu dịch với bên ngoài. Năm 2013, Cuba nhập từ châu Âu khoảng 2,5 tỷ USD hàng hóa.