Cục Phòng vệ Nhật Bản: Thành lập lực lượng tình báo

Thứ Tư, 28/09/2005, 09:11

Trong khi dư luận đang quan tâm đến cuộc đấu tranh quyền lực giữa các chính đảng thì báo chí Nhật đưa tin, Cục Phòng vệ Nhật Bản dự định thành lập một lực lượng tình báo mới hoạt động ngoài nước nhằm phục vụ cho việc gìn giữ hòa bình...

Đơn vị tình báo này do Đội Địa lý trung ươngĐội Tư liệu trung ương trực thuộc lực lượng Lục quân của Cục Phòng vệ hợp thành. Theo nhiều nguồn tin, đơn vị sẽ chính thức thành lập và đi vào hoạt động cuối năm 2006, hiện nay kế hoạch thành lập đã nằm trong dự toán ngân sách năm 2006 của Cục Phòng vệ.

Khi triển khai hoạt động, nhân viên tình báo chủ yếu thông qua phương thức “tiếp xúc với người nước ngoài” để khai thác và thu thập các tin tức tình báo về đối tượng, mục tiêu mà quân Nhật tại các khu vực đang đóng quân đó xác định.

Theo biên chế, đơn vị tình báo đặc biệt sẽ chia thành các tổ, mỗi tổ có 10 chuyên gia với các nhiệm vụ, chức trách khác nhau và được trang bị đầy đủ các loại vũ khí, trang thiết bị cần thiết. Các chuyên gia này sẽ thông qua các chuyến “thăm viếng” những người dân bản địa và các chính khách tại những quốc gia mà lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang có mặt để tiến hành nhiệm vụ trinh sát chiến thuật và thu thập tin tức tình báo tin cậy cho lực lượng phòng vệ của Nhật ở đó, nhằm giúp cho các đơn vị có những sự điều chỉnh trong kế hoạch và hành động cho phù hợp đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn.

Đơn vị nữ trong lực lượng Phòng vệ Nhật Bản duyệt binh.

Theo một số nguồn tin thì lý do đầu tiên mà Cục Phòng vệ Nhật Bản quyết định thành lập đơn vị tình báo mới của Lục quân là nhằm chuẩn bị cho việc cải tổ phương thức đưa lực lượng phòng vệ ra nước ngoài trong những năm tới.

Trong tương lai lực lượng phòng vệ Nhật Bản được phái ra nước ngoài sẽ chia làm  2 bộ phận với quân số mỗi bộ phận khoảng 1.300 người và được phái cùng một lúc đến hai khu vực khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp. Như vậy, khi đơn vị tình báo mới của Lục quân được triển khai hành động tình báo, nó sẽ phối hợp cung cấp và bảo đảm các tin tức tình báo tốt hơn cho các binh sĩ Nhật Bản khi đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở các khu vực.

Kể từ năm 1992, khi lần đầu tiên Nhật Bản đưa quân ra nước ngoài để tham gia các hành động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, các đơn vị của lực lượng phòng vệ Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào các tin tức tình báo do các nước khác cung cấp khi triển khai hành động. Sau cuộc chiến tranh Iraq, lực lượng Lục quân của Cục Phòng vệ Nhật Bản được cử đến một số khu vực ở Iraq tham gia công cuộc tái thiết, nhưng do không được sự chi viện tình báo của các nước, nên các doanh trại của quân Nhật thường xuyên bị pháo kích, nhất là từ tháng 6/2005.

Do thiếu năng lực thu thập tin tức tình báo quân sự nên thân phận những kẻ bị tình nghi tiến hành các cuộc tập kích đều không được làm rõ. Chính điều này làm cho Cục Phòng vệ Nhật Bản đặt quyết tâm cao hơn cho việc phát triển năng lực tình báo tự chủ của mình với việc có trong tay một lực lượng tình báo quân sự ở nước ngoài.

Lý do thứ hai mà các cơ quan tình báo Nhật Bản nói chung và Cục Phòng vệ Nhật Bản nói riêng muốn đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống tình báo là nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc về mặt tình báo của Mỹ. Từ sau Thế chiến II, công tác tình báo của Nhật Bản vẫn luôn phụ thuộc vào nước Mỹ bằng việc luôn phải dựa vào tin tức tình báo và các báo cáo phân tích mà Mỹ cung cấp.

Dù là nước đã cùng ký Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo Mỹ - Anh, nhưng là phía thứ ba trong hiệp định vì vậy những tin tức tình báo mà Nhật Bản có được về mặt giá trị hay tính thời sự đều bị cắt xén. Mỹ - Nhật dù đã cùng ký Hiệp ước bảo đảm an ninh chung, nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật tất cả các tin tức tình báo một cách kịp thời, chính xác.

Hơn nữa, các tin tức tình báo của Mỹ khó tránh khỏi những lúc sai sót, chẳng hạn các tin tức tình báo mà Mỹ cung cấp cho Nhật Bản về các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên luôn có những sai sót và làm thót tim chính giới và dân chúng Nhật Bản.

Lý do thứ ba là từ sau Thế chiến II, môi trường, tình hình an ninh mà Nhật Bản phải đối mặt đã có sự thay đổi rất nhiều. Hơn nữa, Nhật Bản rất mong phát triển từ cường quốc về kinh tế thành cường quốc về chính trị và quân sự. Điều này đòi hỏi các cơ quan tình báo Nhật Bản, nhất là tình báo quân sự phải có năng lực thu thập các tin tức tình báo độc lập và hiệu quả trên các lĩnh vực

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.