Cục diện Syria thay đổi sau khi Nga rút quân

Thứ Tư, 24/01/2018, 09:14
Từ ngày 20-1, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới nhắm vào lực lượng người Kurdistan ở Syria. Nguyên nhân là vì từ sau khi Nga rút thành phần quân đội chủ lực khỏi Syria hồi cuối năm 2017, Mỹ muốn hồi sinh các lực lượng chống đối ở Syria, vốn trước đó bị quân đội Damas với sự yểm trợ của Nga đánh tan tác.

Điều khiến Ankara lo lắng hơn cả là thông tin Washington tính thành lập lực lượng an ninh mới, tập hợp những tàn quân chống đối trước đây ở Syria, trong đó nòng cốt là lực lượng người Kurdistan, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Ngày 20-1-2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức tung chiến dịch oanh kích “Nhành ô-liu” nhắm vào Lực lượng Bảo vệ nhân dân Kurdistan (YPG), luôn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố, hiện kiểm soát vùng Afrin trên lãnh thổ Syria. Afrin do đảng Liên hiệp Dân chủ Kurdistan và lực lượng YPG kiểm soát từ năm 2012, sau khi quân đội Syria rút lui trước đợt tấn công của IS.

Các cuộc đối đầu tập trung chủ yếu ở phía tây bắc của vùng Afrin. Mục tiêu của Ankara là giành quyền kiểm soát ốc đảo của người Kurdistan và thiết lập “vùng an toàn” sâu 30 km.  Cuộc chiến có nguy cơ kéo dài và gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng.

Lý do khiến Ankara nổi giận là thông báo của Washington, ngày 14-1-2018, huấn luyện một lực lượng “an ninh biên giới”, 30.000 quân, cho người Kurdistan-Syria mà nòng cốt là chiến binh YPG đã có kinh nghiệm chiến trường sau 5 năm chống cự và đánh bại IS với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố không lùi bước.

Mục tiêu công khai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là tiêu diệt lực lượng vũ trang Kurdistan-Syria bị xem là đồng minh khủng bố của đảng PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ, kiểm soát một vùng biên giới Syria. Thứ hai là đặt Mỹ vào thế khó xử: ai phê bình chiến dịch “Nhành ô-liu” sẽ trả giá nặng.

Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã cung cấp cho người Kurdistan-Syria những loại vũ khí tối tân kể cả tên lửa FGM-148 chống xe tăng mà Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, không có. Nhật báo Yenik Satak của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cung cấp vũ khí cho khủng bố là hành động tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định thành lập một lực lượng Kurdistan ở Syria có nguy cơ làm tổn hại quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới quan sát thời sự quốc tế, để mở màn chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn nhận được sự chấp thuận của Nga, mặc dù Moskva lên tiếng kêu gọi Ankara “kiềm chế” như một nghi thức ngoại giao chừng mực và hy vọng là chiến dịch nhanh chóng hoàn tất. Bởi vì trên thực tế, không phận Afrin do Nga kiểm soát và Nga có một căn cứ quân sự. Hiện Nga đã rút hết quân khỏi khu vực liên quan.

Theo nhà phân tích Ilter Turan, Đại học Istanbul, chiến dịch quân sự “Nhành ô-liu” cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ hơn. Không có sự đồng ý của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không thể oanh kích, pháo kích vào Afrin trong mấy ngày qua. Nhà phân tích Turan cho rằng cái mà Nga nhận được từ việc bật đèn xanh cho chiến dịch “Nhành ô-liu” của Thổ ở Syria là rất nhiều.

Thứ nhất là trừng phạt người Kurdistan “chọn đi theo Mỹ” và hai là xoa dịu Ankara đang bất bình chuyện Nga yểm trợ cho quân đội Damas tiến về Idlib “vùng xuống thang căng thẳng”, theo một thỏa ước giữa Damas và các tổ chức đối lập trong khuôn khổ các cuộc đàm phán do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Và cuối cùng là Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ dập tắt hy vọng của Mỹ muốn hồi sinh quân chống đối ở Syria mà Nga đã mất gần hai năm giúp chính quyền Damas bình định. Khi cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Afrin, Nga còn có dụng ý gây chia rẽ nội bộ đồng minh của NATO.

Theo bình luận của chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh Nihat Ali Ozcan trên báo Libération (Pháp), Moskva muốn ngăn chặn nguy cơ chính quyền Tổng thống Bachar al Assad bị đe dọa nếu một ngày kia sắc tộc Kurdistan đủ sức hùng cứ ở phương bắc.

Còn Ankara thì qua chiến dịch này muốn gửi Washington thông điệp bất bình: quan hệ hai bên xấu đi vì Mỹ chọn người Kurdistan làm đồng minh gây tổn hại cho quyền lợi của Thổ.

Ngày 22-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo mời các cường quốc thế giới và khu vực tới dự vòng đám phán mới về Syria tại Sochi vào cuối tháng này.

Trước sự phản đối của chính quyền Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 22-1 tuyên bố Ankara không “để mắt” tới các vùng lãnh thổ của Syria và chiến dịch quân sự đang diễn ra ở vùng Afrin thuộc Syria sẽ kết thúc ngay khi Ankara đạt được các mục tiêu của mình. Tổng thống Erdogan khẳng định chiến dịch “Nhành ô-liu” ở Afrin không chỉ nhắm đến những tay súng người Kurdistan mà còn nhằm vào những phần tử khủng bố ở khu vực.

Vấn đề đặt ra là khi nào Thổ Nhĩ Kỳ mới “đạt được các mục tiêu của mình”? Một điều chắc chắn hiện nay là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không hề có ý định dừng lại. Theo tin mới nhất, Tổng thống Erdogan khẳng định không lùi bước trước các đợt phản công của người Kurdistan. “Sau Afrin, chúng ta sẽ tấn công Manbij, một thành phố khác bị lực lượng Kurdistan kiểm soát”, Tổng thống Erdogan nói rõ.

Cách nay 2 năm, chiến dịch “Lá chắn sông Euphrate”, sát biên giới Iraq, của quân đội Thổ gặp rất nhiều khó khăn. Chiến dịch “Nhành ô-liu” lần này sẽ ra sao khi mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu sau đợt thanh trừng hậu đảo chính trong khi đối phương, với 10.000 quân thiện chiến, có lợi thế địa hình? Theo AFP, 500 chiến binh Syria đầu tiên thuộc lực lượng “an ninh biên giới” trong đó đa phần là những thành phần YPG do Mỹ huấn luyện đã tốt nghiệp ngày 20-1 ở thành phố Al-Hasaka, đông bắc Syria.

Trên bình diện quốc tế, ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công Afrin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson đã thảo luận qua điện thoại về “tình hình tại Syria, kể cả những vấn đề liên quan đến giải pháp nhằm đảm bảo sự ổn định ở miền bắc nước này”, theo đề xuất từ phía Mỹ. Hai lãnh đạo ngoại giao cũng nhắc đến “tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Syria dưới sự bảo trợ của LHQ”.

Trong khi đó, ngày 22-1, Ngoại trưởng Lavrov đã mời các cường quốc toàn cầu và khu vực tới dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra tại thành phố Sochi của Nga vào tuần tới. Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng thông báo người Kurd đã được mời tham dự.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Lavrov nhấn mạnh: "Vai trò của người Kurd trong tiến trình chính trị tương lai tại Syria cần được đảm bảo.

M.T. (tổng hợp)
.
.