Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á

Thứ Hai, 21/06/2021, 13:23
Những năm gần đây, các cấp lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị của cả Trung Quốc và Nga thường miêu tả quan hệ hai nước đã đạt được “mức độ cao chưa từng có”. 2021 cũng là năm hai nước kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện, một trong những nền tảng trọng tâm để Nga và Trung Quốc cải thiện mối quan hệ trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Nhưng, còn vấn đề Trung Á thì sao?

Bên cạnh nhiều vấn đề còn tồn tại được phân tích trong mối quan hệ này, thì một trong những vấn đề được đánh giá là tác động rõ nhất là sự hiện diện về kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Á. Chẳng hạn như ở khu vực Á - Âu này, sức mạnh Trung Quốc trỗi dậy sẽ khiến Nga phải cảnh giác, đặc biệt là khi trạng thái đa cực trong khu vực dường như không còn sau khi Washington quyết định rút hoàn toàn binh lính Mỹ khỏi Afghanistan. Việc cùng phản đối sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan là điều đã đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn. Và, khi Mỹ không còn ở đây nữa, người ta cho rằng sức mạnh khu vực thậm chí đang nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn.

Theo các nhà phân tích, Moscow đang cẩn trọng quan sát nước láng giềng Trung Quốc và nhận thức được sự bất cân xứng về sức mạnh ngày càng tăng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Trung Quốc và Nga cũng đã đạt được một dàn xếp. Nhà phân tích Alexander Gabuev thuộc Trung tâm Carnegie Moscow gọi sự hợp tác này là “phân chia nhiệm vụ” ở Trung Á. Hiểu biết thông thường là điều này đồng nghĩa với việc Moscow cung cấp đảm bảo an ninh, trong khi Trung Quốc hướng đến sự phát triển kinh tế. 

Nga đang bán chiến cơ Sukhoi Su-35 cho Trung Quốc.

Một nghiên cứu của tiến sĩ người Nga Alexander Korolev đã chỉ ra rằng dù hợp tác Trung - Nga đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu nhằm chống lại điều được nhìn nhận là trạng thái đơn cực của Mỹ nhưng hai nước có đủ quyền tự do để theo đuổi các chính sách khu vực đôi khi mang tính cạnh tranh nhau. 

Nga theo đuổi hình thức bá quyền hợp tác bên trong các khuôn khổ khu vực ở Trung Á mà không có sự tham gia của Trung Quốc - cụ thể là Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSSTO). Mặc dù được coi là giữ vai trò đảm bảo an ninh nhưng rõ ràng Moscow đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động của mình. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này không chuyển thành trạng thái đối đầu. Năm 2015, hai bên đã ký tuyên bố chung về hợp tác giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường và EAEU.

Tương tự, trong lĩnh vực an ninh, Nga chú trọng vào việc từng bước phát triển CSTO gắn liền với những quan ngại về khả năng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mở rộng vai trò của họ. Dù Nga cũng là thành viên trong tổ chức này nhưng nhiều người coi đây là một dự án của Trung Quốc. Moscow tìm cách phối hợp hoạt động của hai tổ chức nhằm theo dõi sự phát triển của SCO và cản trở tổ chức này thay thế CSTO ở Trung Á.

Về mặt kinh tế và ảnh hưởng chính trị là khá rõ ràng, tuy nhiên, nhìn chung, trong lĩnh vực an ninh, Nga và Trung Quốc có quan hệ phối hợp chứ không cạnh tranh nhau và hai bên chia sẻ một tầm nhìn về Trung Á. Mặc dù truyền thông đưa tin nêu bật sự hiện diện quân sự được cho là của Trung Quốc ở những  nơi như Tajikistan - một nước thành viên của CSTO và SCO - nhưng có vẻ như nó không phải nhằm mục đích soán ngôi của Bắc Kinh đối với Moscow để trở thành bên đảm bảo an ninh chính ở Trung Á. 

Chính Nga, chứ không phải Trung Quốc, mới là nước đang dẫn đầu liên minh quân sự thực sự trong khu vực và triển khai một lực lượng quân sự đa quốc gia có năng lực được gọi là Lực lượng phản ứng nhanh tập thể. Hơn nữa, Moscow có các thỏa thuận đóng quân và đặt căn cứ cụ thể và lâu dài với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Armenia, cũng như các trạm vô tuyến và các đơn vị ở Belarus và Azerbaijan.

Hai nước phối hợp sản xuất dòng máy bay chở khách mới CR929.

Gác lại những bất đồng chiến lược, trong một vài năm qua, Moscow và Bắc Kinh đã nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Nga đang bán một số vũ khí tối tân nhất của họ như chiến cơ Sukhoi Su-35 cho Trung Quốc. Việc này có thể được thúc đẩy một phần bởi những tính toán kinh tế thực dụng, tuy nhiên, rõ ràng động thái này đã góp phần thể hiện sự khăng khít của mối quan hệ Trung - Nga. 

Hơn nữa, dưới sự khích lệ của các lãnh đạo hàng đầu ở cả hai nước, quan hệ hợp tác Trung - Nga đã bước vào những lĩnh vực mới, trong đó có các dự án công nghệ cao chung như việc công ty Nga Rosatom xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở các nhà máy điện Tianwan và Xudapu. Hai nước cũng sẽ phối hợp sản xuất dòng máy bay chở khách mới CR929 và hướng tới việc xây dựng một trạm vũ trụ trên mặt trăng. Thật khó để tưởng tượng một sự đảo chiều đột ngột của những diễn biến này, vốn phải mất nhiều năm mới đạt được.

Và điều quan trọng mấu chốt nhất, đó là những cạnh tranh này sẽ đem lại lợi ích tích cực cho các quốc gia Trung Á, ít nhất là về mặt cải thiện cuộc sống. Vấn đề còn lại là họ (các quốc gia Trung Á) tìm ra cho mình hướng đi thích hợp giữa “hai dòng nước” để gặt hái được nhiều nhất những đặc lợi mà bản thân yếu tố địa chính trị đã đem lại cho họ như hiện nay.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.