Tuy nhiên, tình trạng "lờn thuốc" từ phía Iran luôn khiến các nhà quan sát phải đặt câu hỏi: Mỹ và các đồng minh sẽ còn những "món võ" gì mới để có thể giải quyết được bài toán khó này? Tehran về phần mình sẽ đối đầu với áp lực ngày càng tăng này như thế nào?
Tehran trước sau vẫn giữ chiến thuật "lúc mềm lúc rắn" trong cuộc đối đầu với phương Tây. Sau tuyên bố về những thành công mới trong việc làm giàu uranium, Tổng thống Ahmadinejad trong cuộc họp báo hôm 16/2 vừa qua lại khẳng định: Tehran sẵn sàng ngừng làm giàu uranium nếu như có thể trao đổi lượng uranium làm giàu thấp của mình lấy số nhiên liệu đã được chuẩn bị sẵn ở nước ngoài.
Tuy nhiên, giải pháp trên cũng được Ahmadinejad khẳng định chỉ là "tạm thời", khiến Mỹ và các đồng minh ngay lập tức lên tiếng bác bỏ điều kiện trên.
Trong chuyến công du Trung Đông 3 ngày vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố, việc Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những "vấn đề đặc biệt nguy hiểm", đồng thời gọi những hành động của Iran gần đây là trái với những cam kết về một chương trình hạt nhân mang tính hòa bình.
Xa hơn nữa khi phát biểu tại Qatar, bà Clinton còn kêu gọi các nhà hoạt động tôn giáo và chính trị Iran cần nổi dậy chống lại Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC). Động thái mới này khiến tờ The New York Times phải bình luận rằng: "Từ trước tới nay, chưa bao giờ các quan chức cao cấp của Mỹ lại thể hiện thái độ khuyến khích hành động nổi dậy chính trị rõ ràng đến như vậy tại Iran".
Phát biểu đáng chú ý này được đưa ra ngay sau khi bà Clinton lên án Iran đang trở thành một quốc gia độc tài quân sự, được lãnh đạo bởi các thành viên chủ chốt từ IRGC. Cụ thể theo như đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ Gordon Duguid, IRGC trong thời điểm hiện nay đang kiểm soát tới 9 trên tổng số 22 chiếc ghế bộ trưởng trong nội các Iran, một tỉ lệ chưa từng có kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập năm 1979.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manochehr Mottaki lập tức phản đòn, chỉ trích thẳng bà Clinton, đồng thời tuyên bố: bản thân nước Mỹ đang hành xử như một "nhà độc tài quân sự" tại Trung Đông, khi nạn nhân của họ đã và đang là rất nhiều dân thường tại Iraq và Afghanistan. "Chúng tôi khuyên bà Clinton cùng các quan chức chính quyền Mỹ hãy mở to mắt nhìn lại tình hình thực tế trong khu vực" - ông Mottaki phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng Iran.
Trên một khía cạnh khác, tờ Die Tageszeitung của Đức đánh giá rằng, mục đích chuyến công du Trung Đông mới đây của bà Clinton không chỉ nhằm thuyết phục các quốc gia trong khu vực chống lại chương trình hạt nhân của Iran, mà sâu xa hơn là lôi kéo Trung Quốc về phía mình, cụ thể là đạt được sự chấp thuận của nước này tại Hội đồng Bảo an về các giải pháp tăng cường biện pháp trừng phạt Tehran.
Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn có một chính sách riêng tránh đối đầu với Tehran. Họ đang là một bạn hàng lớn mua của quốc gia này khoảng 400 ngàn thùng đầu mỗi năm. Bà Clinton đang muốn Arập Xêút thay thế cho Iran trở thành nhà cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc. Nếu điều này trở thành sự thực, Washington hy vọng sẽ có được cái gật đầu của Bắc Kinh một cách dễ dàng hơn.
Một "đối tác" quan trọng không thể không nhắc tới trong vấn đề hạt nhân Iran chính là Israel. Cũng chỉ vài ngày trước, chính Iran đã tung ra thông tin khẳng định, Israel đang chuẩn bị một đòn tấn công quân sự vào mùa xuân hoặc mùa hè năm nay, nhưng không nói rõ đối tượng của đòn tấn công này sẽ là ai. Ngay sau đó, Thủ lĩnh Nazrallah của Hezbollah đã cảnh báo, nếu như Israel tấn công Beirut, các tay súng của họ sẽ tấn công vào Tel-Aviv. Đại diện Bộ Quốc phòng Israel lại giải thích về thông tin do Tehran tung ra rằng, Iran chẳng qua chỉ muốn gây căng thẳng thêm ở khu vực biên giới phía bắc Israel nhằm làm sao nhãng mối quan tâm của phương Tây về các biện pháp cấm vận cũng như về chương trình hạt nhân của mình.
Gần đây nhất chuyến thăm Nga của Thủ tướng Netanyahu được coi là có mục đích thuyết phục nước này không bán cho Syria và Iran một số vũ khí quan trọng có thể phá vỡ cán cân chiến lược trong khu vực.
Bản thân Moskva cũng tỏ ra "mệt mỏi" với những hành vi thiếu nhất quán của Tehran. Tờ The Washington Times dựa trên nguồn tin từ Hãng AP khẳng định: Nga - Mỹ - Pháp đã thống nhất về một bản tuyên bố chung, trong đó kêu gọi Iran ngừng làm giàu uranium tới mức 20%, cũng như công khai bày tỏ mối nghi ngờ về quyết tâm chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.
Vấn đề hạt nhân của Iran cho đến nay vẫn chỉ quanh quẩn ở những trò "mèo vờn chuột".
Trước hết phương Tây sẽ không đạt được bước tiến đáng kể nào khi đánh giá không đúng mức sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ Ahmadinejad, trong đó lòng tự hào dân tộc vẫn là yếu tố chính duy trì tỉ lệ ủng hộ cao này.
Bản thân nước Mỹ vẫn đang lúng túng trong mớ bòng bong của những mối quan hệ chính trị phức tạp với Trung Quốc. Bắc Kinh rất có khả năng sẽ lại phong tỏa những biện pháp trừng phạt mới tại Hội đồng Bảo an vì những căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung trong thời gian qua. Tình hình chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn, nếu như Tổng thống Obama vẫn tham gia cuộc gặp với Thủ lĩnh ly khai Đạt lai Lạt ma.
Riêng đối với Iran, Syria luôn được coi là cánh cửa giúp họ bước vào thế giới Arập và là một đối tác chủ chốt. Đó là lý do khiến Tehran khó có thể tiếp cận nhanh chóng với Washington, nếu như họ không muốn làm mếch lòng Damascus