Cuộc chiến thương mại đầu tiên giữa Mỹ - Trung Quốc dưới thời TT Obama

Thứ Tư, 30/09/2009, 23:55
Cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington về việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với lốp xe của Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn kịch tính mới sau khi ngày 14/9 vừa qua, Trung Quốc chính thức đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tố cáo những biện pháp bảo hộ mậu dịch của Mỹ.

Mọi chuyện bắt đầu từ quyết định ngày 11/9 vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc áp đặt mức phạt thuế mậu dịch đối với lốp xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã hành động theo một điều khoản trong thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh gia nhập WTO, sẽ cho phép Washington hãm bớt đà gia tăng hàng nhập khẩu của Trung Quốc để công nghiệp Mỹ có thời gian điều chỉnh.

Vào tháng 4/2009, Liên đoàn công nhân ngành thép của Mỹ đưa vụ lốp xe nhập khẩu ra khiếu nại, tố giác rằng gần đây Trung Quốc đã ồ ạt đổ thêm sang Mỹ lốp xe hơi. Nghiệp đoàn này cho hay, có hơn 5.000 công nhân làm việc trong ngành sản xuất lốp xe của Mỹ bị mất việc từ năm 2004, khi lốp xe của Trung Quốc bắt đầu tràn ngập thị trường Mỹ.

Văn phòng đại diện mậu dịch Mỹ cho biết, 4 nhà máy sản xuất lốp xe hơi đã bị đóng cửa trong 2 năm 2006 - 2007, và có thêm 3 nhà máy khác cũng chịu chung số phận trong năm nay. Trong thời gian đó, chỉ có thêm một nhà máy sản xuất mới ra đời. Từ năm 2004 đến năm 2008, số lượng lốp xe hơi làm từ Trung Quốc nhập vào Mỹ tăng gấp 3, trong khi số lượng hàng tương tự mà Trung Quốc mua của Mỹ chỉ bằng 47% trong năm 2004, và giảm xuống còn 16,7% vào năm 2008.

Phải đợi đến ngày 11/9, Tổng thống Obama mới quyết định chấp thuận một bản điều lệ của Ủy ban về mậu dịch quốc tế của Mỹ, theo đó nhận định việc gia tăng nhập lốp xe hơi làm từ Trung Quốc gây nguy hại đến các nhà sản xuất ở Mỹ. Ban đầu ủy ban trên đưa ra đề nghị một giá biểu thuế quan là 55% cho năm đầu tiên, 45% cho năm thứ hai và 35% vào năm thứ ba. Khi sang đến tay Tổng thống Obama, giá biểu này được điều chỉnh lại còn 35% cho năm đầu, 30% năm thứ hai và năm thứ ba là 25%.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm điều lệ mậu dịch quốc tế, trong khi ở Mỹ việc trừng phạt thuế quan này có thể lấy lòng được giới công nhân nghiệp đoàn, là lực lượng quan trọng giúp Tổng thống đẩy mạnh được chương trình cải tổ y tế.

Bộ trưởng Ngoại thương Trung Quốc Chen Deming nói rằng việc trừng phạt thuế quan sẽ gây thương tổn cho mối quan hệ với Mỹ. Ông nói: "Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì quyền lợi chính đáng của nền công nghiệp trong nước và có quyền hành động tương xứng". Ngay sau tuyên bố trên, Bắc Kinh đã không mất nhiều thời gian để trả đũa quyết định của Mỹ.

Trong thông báo tối ngày 13/9, Bắc Kinh quyết định tiến hành các biện pháp chống bán phá giá đối với phụ tùng xe hơi và thịt gà xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Với Bắc Kinh, quyết định mới nhất này của Mỹ được coi là một biện pháp bảo hộ mậu dịch nặng nề. Một biện pháp làm cho Trung Quốc bị mất đi khoảng 100.000 việc làm, và làm cho ngành công nghiệp sản xuất lốp xe thiệt hại 1 tỉ USD.

Cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã được tuyên bố. Trung Quốc trách cứ cá nhân Tổng thống Mỹ Obama không tôn trọng các cam kết, khi tiến hành một loạt các biện pháp tăng thuế lên hàng Trung Quốc. Bắc Kinh đã cảnh báo Mỹ không nên sử dụng các phương thức như thế.

Một ngày sau tuyên bố tiến hành các biện pháp chống bán phá giá đối với phụ tùng xe hơi và thịt gà xuất khẩu của Mỹ, Bắc Kinh đã nộp đơn khiếu nại lên WTO về các thuế suất mới của Mỹ đánh vào lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc, gia tăng áp lực lên Washington trong vụ tranh chấp mới nhất về mậu dịch. Đơn khiếu nại của Trung Quốc với WTO đã khởi động một tiến trình kéo dài 60 ngày, trong đó hai bên sẽ cố gắng giải quyết cuộc tranh chấp qua những cuộc thương lượng. Nếu điều đó thất bại, Trung Quốc có thể yêu cầu một ủy ban của WTO mở cuộc điều tra và đưa ra quyết định. WTO xác nhận rằng Trung Quốc đã nộp một "yêu cầu tham vấn" về vấn đề này.

Mỹ và Trung Quốc, các nền kinh tế lớn hàng đầu và hàng thứ ba của thế giới, đã vướng vào những cuộc tranh chấp về vấn đề tiếp cận các thị trường hàng hóa của nhau, kể cả ống thép, phụ tùng xe hơi, gà vịt, phim ảnh và âm nhạc. Tháng trước, Bắc Kinh đã bị buộc phải thay đổi các thuế suất của họ về phụ tùng xe hơi nhập khẩu sau khi thua kiện trước một vụ khiếu nại bởi Mỹ, Liên minh châu Âu và Canada. Những nước này khiếu nại chính sách của Bắc Kinh đòi hỏi các nhà sản xuất xe hơi phải sử dụng ít nhất 40% các bộ phận do Trung Quốc chế tạo nếu không sẽ phải trả hơn gấp đôi thuế suất bình thường về các đồ phụ tùng nhập khẩu.

Ngày 12/8 vừa qua, WTO đã quyết định Trung Quốc phải mở cửa thị trường, đón nhận phim ảnh, đĩa hát và sách báo của Mỹ. Đồng thời Bắc Kinh phải nỗ lực chống nạn sao chép trái phép các sản phẩm văn hóa của nước ngoài.

Với quyết định trên, nhiều nhà quan sát nhận định không biết chính sách ưu tiên của Tổng thống Obama lúc này là gì? Khi lấy lòng giới nghiệp đoàn để tiếp tục chính sách cải cách y tế, ông Obama lại làm mất lòng Bắc Kinh trong khi Mỹ đang cần Trung Quốc giúp đỡ về những vấn đề như thay đổi khí hậu, thương thuyết về vũ khí hạt nhân với CHDCND Triều Tiên và Iran vẫn còn trì trệ, và vấn đề kinh tế toàn cầu.

Vụ xung đột có thể gây khó chịu giữa lúc Washington và Bắc Kinh chuẩn bị tham dự một cuộc họp thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới ở Pittsburgh, Mỹ, vào ngày 24 và 25/9, để thảo luận các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng suy sụp kinh tế toàn cầu tệ hại nhất kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.