Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đang thành hình

Thứ Tư, 21/03/2018, 15:22
Tất cả các bên tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang khẩn trương tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi sau khi đề xuất đàm phán trực tiếp của Bình Nhưỡng đã được Washington chấp thuận. Những kết quả bước đầu cho thấy, một cuộc gặp mặt đối mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thành hình.

Những bước chuẩn bị tích cực

Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia, ông Chung Eui-yong đã tới Mỹ cuối tuần trước để thảo luận với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại sắp tới với Bình Nhưỡng.

Phát biểu với báo giới ngày 19-3, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết cuộc thảo luận 3 bên nói trên được tổ chức tại thành phố San Francisco, với sự tham gia của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster và Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shotaro Yachi. Chuyến đi Mỹ của ông Chung Eui-yong diễn ra ngay sau cuộc gặp hồi đầu tháng 3 giữa ông với lãnh đạo Kim Jong-un và được ông Kim chuyển lời muốn đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ về vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân.

Chính phủ Mỹ ngày 8-3 công bố quyết định của Tổng thống Trump chấp nhận lời mời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ để đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.

Song song với chuyến đi trên của phái đoàn Hàn Quốc, các quan chức cao cấp Triều Tiên và Thụy Điển ngày 17-3 đã kết thúc cuộc trao đổi tại Stockholm, nhưng không đưa ra một thông báo cụ thể nào. Trong một thông cáo ngắn gọn, được AFP trích dẫn, Bộ Ngoại giao Thụy Điển, cho biết ngoại trưởng hai nước “đã thảo luận về những cơ hội và thách thức” đặt ra cho các nước có liên quan “trong nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho căng thẳng” trên Bán đảo Triều Tiên.

Vẫn theo thông cáo trên, hai bên có đề cập đến chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, cũng như có bàn đến “các chương trình hợp tác khu vực và vấn đề an ninh cho các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Mỹ”. Thụy Điển là quốc gia đại diện cho các quyền lợi của Mỹ, Canada và Úc do việc nước này vẫn duy trì mối quan hệ cấp đại sứ với Bình Nhưỡng.

Mục đích chuyến đi Thụy Điển của Ngoại trưởng Triều Tiên là nhằm bàn về khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim.

Còn theo thông tin từ truyền thông Phần Lan và Hàn Quốc, ông Choe Kang Il, Vụ phó Tổng cục Đối ngoại của Triều Tiên, phụ trách khu vực Bắc Mỹ hôm 18-3 đến Phần Lan. Quan chức Triều Tiên này gặp cựu Đại sứ Mỹ tại Seoul, bà Kathleen Stephens và một số một số cựu quan chức về an ninh của Hàn Quốc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Helsinki.

Giới chức Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết cuộc gặp tại Helsinki mang tính chất “đánh giá học thuật” tình hình trên Bán đảo Triều Tiên “từ quan điểm chính trị quốc tế”.

Ngày 16-3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Ngoại trưởng Hàn Quốc và Ngoại trưởng Nhật Bản tại Washington nhằm phối hợp quan điểm trong việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Buổi tối cùng ngày, thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm dài 35 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thảo luận về những chuyển động mới trên như các nước nhất trí tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều tới đây. Hai tổng thống nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong từng giai đoạn để khuyến khích Triều Tiên có hành động cụ thể hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho tại Thụy Điển ngày 15-3.

Địa điểm cuộc gặp vẫn trong vòng bí mật

Hiện có nhiều nguồn tin khác nhau về địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh này. Truyền thông Thụy Điển ngày 16-3 thông tin rằng nước này có thể đóng vai trò trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được lên kế hoạch. Theo hãng tin Reuters, thủ đô Việt Nam nằm trong số ít những thành phố ở châu Á, cùng với Bắc Kinh và Singapore, được coi là địa điểm có tiềm năng cho cuộc gặp mặt lịch sử này.

Truyền thông quốc tế còn điểm qua một số địa điểm khả dĩ khác như làng Bàn Môn Điếm ở khu vực phi quân sự giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên và đảo Jeju của Hàn Quốc... Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có gì là rõ ràng cả về thời gian và địa điểm của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.

Thử thách trước mắt cho cuộc gặp lịch sử này theo AFP là khả năng Triều Tiên trả tự do cho 3 công dân Mỹ bị cầm tù. Đài Truyền hình Hàn Quốc MBC, trong bản tin ngày 18-3 cho biết Bình Nhưỡng và Washington “sắp hoàn tất thỏa thuận” trả tự do cho 3 công dân Mỹ gốc Hàn đang bị cầm tù tại Triều Tiên.

Hai bên đang sắp xếp lịch trình thả các ông Kim Dong Chul, Kim Hak Song và Tony Kim. Kim Dong Chul là giáo sĩ Tin lành bị kết án 10 năm khổ sai vào năm 2016. Hai người kia là nhà giáo làm việc tại Đại học Khoa học Công nghệ Bình Nhưỡng, bị giam từ năm 2017 với cáo buộc có “hành động thù nghịch”.

Trước khi diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thì ngay trong tháng này Bình Nhưỡng và Seoul có thể sẽ có thêm một cuộc đàm phán để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng về nội dung cuộc gặp gỡ giữa ông Kim với phía Hàn Quốc.

Liên quan đến nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên vào tháng 5-2018, báo Le Monde của Pháp ra ngày 16-3 có bài phân tích những cách hiểu rất khác nhau giữa hai bên xoay quanh thuật ngữ chung “phi hạt nhân hóa” Bán đảo Triều Tiên, mà hai bên tạm thời đồng ý.

Nếu như đối với ông Donald Trump, phi hạt nhân hóa có nghĩa là Bình Nhưỡng phải từ từ dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân, trong khi đó, với Triều Tiên, việc phi hạt nhân hóa rất có thể sẽ phải đi kèm với việc Mỹ triệt thoái 30.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, cũng có nghĩa là “giải trừ quân bị” song phương. Le Monde hoài nghi khả năng lèo lái của ông Donald Trump.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.