Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung: Đã đến gần nhau, nhưng khó thực chất

Thứ Hai, 10/04/2017, 16:00
Ngày 6-4 (ngày 7/4 giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida bằng nụ cười và cái bắt tay, cùng lời chúc hai nước sẽ có mối quan hệ tốt đẹp.

Phát biểu trước báo giới trước bữa cơm thân mật với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump nói: “Tôi nghĩ về lâu dài chúng ta sẽ có mối quan hệ rất rất tuyệt vời và tôi kỳ vọng vào điều này”.

Những hồ sơ hóc búa đang chờ đợi hai nhà lãnh đạo. Và với thực tại hai nước, dự báo về kết quả thực chất là khó. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là hai nước đã đến gần nhau.

Ông Trump và ông Tập Cận Bình. Ảnh: The New York Times.

Sự trọng thị của Tổng thống Mỹ

Rạng sáng ngày 7-4 (giờ Hà Nội), chiếc máy bay Boeing 747 chở ông Tập Cận Bình cùng phái đoàn Trung Quốc đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Palm Beach.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida với những cử chỉ thân mật thay vì lời lẽ chống Trung Quốc cứng rắn trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo.

Tối 6-4 theo giờ Mỹ, và là sáng 7-4 theo giờ Hà Nội, hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có một số cuộc gặp riêng trước khi cùng ăn tối với các vị phu nhân và đoàn tùy tùng, tại dinh thự Mar-a-Lago. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và bà Ivanka, con gái ông Trump, người mới được bổ nhiệm làm nhân viên không nhận lương, trợ lý đặc biệt cho Tổng thống cũng có mặt tại Palm Beach. Bà Ivanka cùng với ba người con đến Florida trên cùng máy bay Không lực Một chở Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Melania Trump.

Hiện có rất ít thông tin chi tiết được công bố liên quan đến chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo này, ngoại trừ kế hoạch hai ông dùng bữa tối trong cùng ngày trước khi tiến hành một loạt cuộc gặp vào ngày 7-4. Sự kiện này được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác lập và định hình lại tính chất quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới.

Giới quan sát nhận định những “điểm nóng nhất” tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo vẫn là vấn đề chính sách thương mại và tiền tệ cũng như tình hình bán đảo Triều Tiên và an ninh tại Đông Bắc Á liên quan tới các khu vực tranh chấp, các hệ thống phòng thủ tên lửa... Chỉ có một điều chắc chắn rằng, hai bên sẽ không thể nhượng bộ nhau. Bởi một điều rất chung giữa hai nhà lãnh đạo, họ có những nguyên tắc, và với họ sự nhượng bộ về những vấn đề lớn có tính nguyên tắc là không thể.

Với Trung Quốc đó là những nguyên tắc về “lợi ích cốt lõi”, thì với ông Trump, đó là những nguyên tắc về “nước Mỹ trên hết”. Do đó, sự trịnh trọng bề ngoài và những kết quả mang tính tượng trưng, chung chung cho dù không khiến hai nhà lãnh đạo thực sự hài lòng thì họ vẫn phải chấp nhận nhau bởi không nước nào muốn làm “mất mặt” nước nào trong những cuộc gặp cực kỳ quan trọng như thế này.

Thổng thống Trump và Phu nhân đón Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân. Ảnh: Reuters.

Can dự cấp cao trong quan hệ Mỹ-Trung

Điểm tích cực nhất ở cuộc gặp này rất dễ nhận thấy là cả Trung Quốc và Mỹ đều chấp nhận tìm đến nhau và mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua chủ trương can dự cấp cao.

Quan điểm này được báo chí Trung Quốc dẫn lời quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton khẳng định: “Mỹ mong muốn có sự can dự cấp cao với Trung Quốc”. Tuyên bố trên được bà Thornton đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo bà Thornton “đây là cơ hội để hai nhà lãnh đạo hiểu nhau hơn. Chúng tôi muốn hai lãnh đạo thiết lập một mối quan hệ hợp tác hữu hảo để họ có thể tiếp cận lẫn nhau, kể cả trong những thời điểm thuận lợi lẫn khủng hoảng”.

Như vậy là có thể thấy rõ thiện chí để có cuộc gặp này giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia và trách nhiệm của hai nước lại quá lớn trong những vấn đề mà họ can dự, do đó, thật khó để hai bên có thể nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Nhất là khi mỗi bên theo đuổi, tiếp cận với các vấn đề theo những cách khác nhau.

Lấy ví dụ như vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng hành động đơn phương để giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên, rõ ràng rất nhiều năm qua, vấn đề này ngày càng phức tạp hơn cũng bởi những nhân tố, trong đó có phần không nhỏ là tác động từ bên ngoài. Và điều này ông Trump hay ông tập Cận Bình đều hiểu rõ.

Trả lời phóng viên khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng đơn phương hành động trong vấn đề Triều Tiên hay không, Tổng thống Mỹ khẳng định: “Chắc chắn tôi sẽ sẵn sàng. Tuy nhiên tôi nghĩ Trung Quốc sẽ muốn giúp đỡ”.

Ngoài hồ sơ Triều Tiên, hàng loạt vấn đề liên quan tới việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc và tới đây là Nhật Bản hay việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hoặc vấn đề Biển Đông đều là những vấn đề vô cùng phức tạp, nhạy cảm và không dễ nhượng bộ nhau, dù bất cứ khía cạnh nào.

Tính cách khác thường nhưng kết quả chưa chắc đã khác thường

Trước đây, khi nguyên thủ Trung-Mỹ gặp gỡ, hai bên đều cử một nhóm quan chức tiến hành đàm phán, hiệp thương trước còn lãnh đạo tối cao rất hiếm khi ra mặt thể hiện thái độ. Nhưng ông Donald Trump là một ngoại lệ. Trước cuộc gặp thượng đỉnh, nguyên thủ hai nước đã trực tiếp tham gia, hơn thế còn ra giá trong vấn đề thương mại song phương và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Việc tổng thống trực tiếp “xung trận”, bước ra tuyến trước có thể nói là hiện tượng hoàn toàn mới trong lịch sử quan hệ Trung-Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ vài giờ, chính Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump liên tiếp lên tiếng, lúc thì nói hội đàm với người Trung Quốc rất khó khăn, lúc lại nói nếu Trung Quốc không chịu kìm hãm Triều Tiên, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ đơn phương hành động. Dường như ông Donald Trump “thực thực hư hư” không biết sẽ chơi “bài” như thế nào với Trung Quốc. Mặc dù cách làm này của ông Donald Trump bề ngoài giống như hành động theo cá tính nhưng trên thực tế là quyết sách được đưa ra sau khi đã suy nghĩ kỹ càng.

Dư luận chung đều biết ông Donald Trump luôn rất “tự tin” với năng lực đàm phán của mình, thường xuyên có cách làm “đột phá” trên bàn đàm phán, với những “chiêu thức” thực thực hư hư, đưa đối phương vào tầm kiểm soát của mình với hi vọng lấy đó để khuất phục đối phương. Để thực hiện mục tiêu, ông Donald Trump kiên trì sách lược chủ động tấn công, tấn công và tấn công liên tiếp, không ngừng thách thức giới hạn chịu đựng của đối phương.

Lại lấy ví dụ về vấn đề Triều Tiên, điểm lại lịch sử, hãng tin AP nhận xét rằng, nếu tân Tổng thống Mỹ có được “một giải pháp táo bạo” cho vấn đề Triều Tiên thì đó phải là một giải pháp “rất thông minh” bởi vấn đề “rất phức tạp”. Năm 1994, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Clinton đã từng dự định tấn công phủ đầu Triều Tiên để ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này. Do quá mạo hiểm, cuối cùng ông Clinton đã chọn giải pháp thương lượng. Tuy nhiên, giải pháp này cũng đã thất bại trong cả hai đời tổng thống tiếp theo.

Ngoại trưởng Rex Tillerson đón Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: ABC.

Theo AP, ông Donadl Trump hiểu rằng nếu không có sự tham gia của Trung Quốc và đặc biệt là Nga trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, thì đều có thể dẫn đến “sự đối đầu giữa Mỹ với hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân này”.

Nhìn chung, tuyên bố của ông Trump được một số nhà quan sát đánh giá như là một “đòn cân não” nhằm gây ảnh hưởng đến lãnh đạo Trung Quốc và để tạo lợi thế trong mặc cả nhiều hơn là thể hiện một đối sách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để giải quyết một trong các vấn đề được coi là gai góc nhất đối với Washington.

Phân tích vấn đề Triều Tiên để thấy rõ, đây là nút thắt lớn nhất, có khả năng lớn nhất sẽ được hai bên bàn thảo và có thể đi đến thống nhất được nhằm từng bước giải quyết hồ sơ về vũ khí hạt nhân trên bán đảo này. Tuy nhiên, để Trung Quốc đồng ý “giúp”, vấn đề THAAD chắc chắc cũng sẽ được đưa lên bàn hội nghị? Vậy Mỹ có chấp nhận hy sinh lợi ích chiến lược của mình, hy sinh đồng minh để “chiều lòng” Trung Quốc?

Phân tích của CBC News nhấn mạnh rằng việc giải quyết được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ là “chìa khoá” giải quyết các vấn đề khác trong quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington. Bởi vấn đề thương mại đã được giải quyết trước chuyến thăm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (Anh) ngay trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, ông Donald Trump khẳng định tạm thời chưa muốn nói về vấn đề thuế với Trung Quốc. Như vậy, có thể nói “ngòi nổ” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã được gỡ.

Nhà phân tích chính trị Bruce Campbell cho rằng đây có thể là bước khởi đầu cho một mối quan hệ dựa trên hiện trạng “bình thường mới” theo cách của Mỹ, ám chỉ một cuộc chơi sẽ do cả hai bên định hình chứ không nghiêng nhiều về Trung Quốc như dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trong cuộc chơi mới này, Trung Quốc sẽ vẫn phải thừa nhận vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong tổng thể cục diện quốc tế và còn lâu mới đạt được “quan hệ nước lớn kiểu mới” theo cách Bắc Kinh lâu nay hằng theo đuổi.

Việc ông Trump chọn Mar-a-Lago thay vì Nhà Trắng làm nơi tiếp đón ông Tập Cận Bình cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang thử áp dụng “chiến thuật” đàm phán của giới kinh doanh vào cuộc chơi chính trị. Ông muốn mang lại cho đối tác cảm giác thoải mái hơn trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên, để qua đó có thể “phá băng” quan hệ, thăm dò và đạt được những mục tiêu đề ra theo cách riêng.

Tất nhiên về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không phải “vừa”. Ông đã, đang và sẽ tiếp tục có rút ra từng “quân bài” phù hợp trong cuộc chơi “cân não” với Tổng thống Trump. Đối với ông Tập Cận Bình, mục tiêu tối thượng của chuyến thăm không hẳn là các thỏa thuận làm đẹp lòng hai bên, mà là tránh để bị mất mặt trước hàng triệu con mắt đang dõi theo “nhất cử, nhất động” của cả hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới cũng như mối quan hệ sẽ định hình các luồng chuyển động địa kinh tế, địa chính trị và địa năng lượng thế giới trong tương lai.

Muốn như vậy, ông Tập Cận Bình phải luôn nắm quyền chủ động trong tay. Bắc Kinh đã thông qua 38 đơn đăng ký thương hiệu của Tập đoàn Trump tại Trung Quốc với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, mở đường cho các mặt hàng mang thương hiệu Ivanka nhanh chóng tràn ngập thị trường, nơi có tới hơn 100 triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Đây rõ là ràng là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc đối với Mỹ thông qua chiêu bài “lạt mềm buộc chặt”. Không chỉ “trói” về kinh tế, Trung Quốc cũng đã chuẩn bị sẵn quân bài Triều Tiên. Không phải vô cớ mà gần đây Bình Nhưỡng liên tiếp cho tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

 Nói tóm lại, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này sẽ là một cuộc thử nghiệm lớn cho cả hai bên. Trong đó, sẽ không bên nào được để cho mình bị mất mặt, hay cố tình làm cho đối phương mất mặt nếu như không muốn rơi vào một cuộc đối đầu thực sự trên nhiều mặt trận.

Cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều là những người đủ khôn ngoan để hiểu rằng họ cần phải thực hiện thành công vai diễn đầu tiên của mình trước đối thủ “ngang cơ” và không thể để “hở sườn” trong một cuộc đấu mà cả hai bên đều đã tự trang bị cho mình rất nhiều vũ khí sắc bén.

Nguyễn Hòa
.
.