Cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 19 của NATO: Hướng tới những mục tiêu mới

Thứ Năm, 30/11/2006, 08:00

Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, các quan chức hàng đầu của NATO đã công khai khẳng định, mục tiêu biến Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương trở thành một tổ chức toàn cầu sẽ là trọng tâm của Hội nghị tại Riga.

“Mục đích của chúng tôi là NATO cần phải đảm trách được những sứ mạng trên phạm vi toàn cầu, có các đối tác và nguồn tài nguyên mới đủ để hoàn tất những sứ mạng này,” Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicolas Berns tuyên bố hồi cuối tháng 10 vừa qua tại Đức. Cũng theo lời ông này, NATO đã định hướng lại những vấn đề cơ bản của mình từ thời chiến tranh lạnh và ngày nay sẽ “phát triển thành một hệ thống rộng lớn hơn nhằm giải quyết được những vấn đề toàn cầu”.

Rõ ràng là từ thời điểm kết thúc chiến tranh lạnh, NATO vẫn đang “loay hoay” trong một giai đoạn “tự nhìn nhận” lại chính mình, thể hiện qua vô số những lời kêu gọi kiểu như “xác định những nhiệm vụ mới”, “chấn chỉnh lại”, “biến đổi”, “tìm vị trí của mình trong hệ thống an ninh quốc tế” v.v... vẫn thường xuyên được nhắc đi nhắc lại trong nhiều kỳ họp ở các cấp độ khác nhau.

Không chỉ mở rộng ở phạm vi châu Âu, NATO đang tìm cách vươn xa hơn nữa ra các phạm vi ngoài địa bàn ảnh hưởng cũ của mình. Cụ thể như liên minh này đang đảm trách chiến dịch quân sự tại Afghanistan. Bất chấp những bất đồng nội bộ về vấn đề Iraq, NATO vẫn giúp đào tạo 1.500 sĩ quan người Iraq, đồng thời cung cấp trang thiết bị quân sự cần thiết cho các lực lượng an ninh địa phương tại đây. NATO cũng tham gia lập cầu hàng không để tung 5.000 quân thuộc Liên minh châu Phi vào Dafur, thúc đẩy việc xoay vòng bố trí quân đội tại đây.

Theo Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer, tổ chức này cần phải được cải tổ để có thể sẵn sàng trên bình diện toàn cầu chống lại mọi mối đe dọa trong tương lai. Những nhiệm vụ trọng tâm theo xu hướng này đã được tuyên bố chính là củng cố vai trò của liên minh tại các khu vực có những nguồn năng lượng triển vọng, cũng như giành được những vị thế chiến lược có lợi trước các cường quốc khác được coi là có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện những nhiệm vụ này.

Một mặt, NATO cần tập trung nâng cao khả năng tác chiến của khối, trong đó ưu tiên thành lập các đơn vị cơ động tinh nhuệ, lực lượng phản ứng nhanh, cũng như thành lập một hệ thống những căn cứ quân sự tại những quốc gia mới tham gia liên minh. Mặt khác, NATO tập trung vào việc tăng cường quan hệ với các quốc gia quan trọng khác nằm ngoài liên minh, ban đầu trên cơ sở đối tác toàn cầu trước khi bật đèn xanh mời họ gia nhập. Cụ thể theo một số tờ báo Đức, giới lãnh đạo NATO đã đẩy mạnh một số cuộc đàm phán về vấn đề này với các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản v.v...

Nhu cầu biến đổi NATO trên phạm vi toàn cầu được đặt ra cấp thiết đầu tiên từ phía Mỹ, vốn từ lâu đã có ý sử dụng liên minh này như một công cụ “phổ biến các giá trị dân chủ của mình trên khắp thế giới”. Cụ thể là các đại diện từ Washington đã nhiều lần tuyên bố, nếu NATO không chuyển trọng tâm chiến lược của mình về khu vực Trung Đông và xem xét lại sứ mạng chống lại mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tổ chức này sẽ có nguy cơ đánh mất vai trò thiết yếu của mình.

Việc mở rộng và tăng cường sức mạnh của NATO theo Mỹ là một yêu cầu cấp thiết, do liên minh này hiện giờ vẫn chưa đủ lực để ổn định tình hình tại Afghanistan, cũng như thực thi một loạt các sứ mạng khác tại Sudan, Congo và nhiều quốc gia tại châu Phi.

Còn một nhiệm vụ quan trọng nữa được các nhà lãnh đạo NATO đặt ra trong cuộc họp sắp tới chính là việc kiểm soát các nguồn năng lượng trên toàn cầu. “Cuộc họp Thượng đỉnh tại Riga cần phải bàn bạc về vai trò của NATO trong việc giải quyết vấn đề này. NATO không phải là EU, cũng không phải là một tổ chức năng lượng quốc tế, nhưng nó có thể đóng góp trong việc giải quyết một loạt vấn đề. Hơn nữa, việc bảo đảm cung cấp năng lượng tự do luôn là một trong những ưu tiên cần phải được xem xét tại Riga” - Tổng thư ký Jaap de Hoop Scheffer đã tuyên bố như vậy.

Cần phải thừa nhận rằng, không phải tất cả các thành viên trong NATO đều có cùng quan điểm về những kế hoạch trên. Một số cho rằng, việc mở rộng cả về quy mô và phạm vi ảnh hưởng của NATO sẽ dẫn tới nguy cơ làm suy yếu vị thế của LHQ và bản thân EU, những tổ chức không có các tiềm năng quân sự hùng hậu như của NATO. Thậm chí còn có ý kiến lo ngại NATO đang cố gắng trở thành một LHQ thứ hai. Tiền lệ này không phải là chưa từng xảy ra. Chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng Kosovo giai đoạn 1998-1999, NATO không cần sự phê chuẩn của LHQ vẫn đơn phương mở một cuộc chiến chống lại chính quyền Nam Tư. Nước Pháp mới đây đã tuyên bố không ủng hộ việc xây dựng NATO thành một tổ chức quân sự có phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Theo tờ Independent, Paris lo ngại Mỹ đang cố gắng biến liên minh này thành một công cụ phục vụ cho mục đích riêng của họ tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Quan điểm này cũng đang có được sự ủng hộ của nước Đức, một thành viên quan trọng trong NATO

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.