Cuộc tranh chấp xung quanh tên gọi “Macedonia” tiếp diễn

Thứ Hai, 18/06/2018, 11:42
Ngày 12-6, tại cuộc họp thương thảo lần cuối với sự trung gian hòa giải của Liên Hiệp Quốc để thảo luận giải quyết tranh chấp kéo dài 27 năm qua xung quanh tên gọi chính thức nước Cộng hòa Macedonia trùng với vùng Macedonia của Hy Lạp, Thủ tướng Macedonia đã đồng ý đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia để phân biệt với vùng Macedonia Hy Lạp.

Tuy nhiên, để thỏa thuận trở thành quyết định chính thức vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua.

Vùng đất mang tên Macedonia nằm ở miền Bắc Hy Lạp, giáp ranh với Cộng hòa Macedonia ở phía Bắc. Tên gọi vùng Macedonia của Hy Lạp đã có từ thời cổ đại, cách đây hàng ngàn năm. Còn tên gọi “Macedonia” của Cộng hòa Macedonia hiện nay xuất hiện muộn hơn.

Vùng lãnh thổ của Cộng hòa Macedonia đã trải qua lịch sử giành giật giữa các đế chế cổ đại và trung cổ, từ Đế quốc La Mã cho đến Đế quốc Ottoman. Xưa kia vùng đất này mang tên Vương quốc Paeonia, đến khoảng thế kỷ 4 sau Công nguyên đổi tên thành Macedonia Salutaris (Macedonia Nhì, còn Macedonia Nhất là vùng đất thuộc Hy Lạp ngày nay).

Sau cuộc Chiến tranh giải phóng nhân dân Nam Tư (1941-1944), Macedonia trở thành Nhà nước liên bang dân chủ Macedonia, và sau Chiến tranh Thế giới lần II, đổi tên thành Cộng hòa Nhân dân Macedonia, thành viên Liên bang Cộng hòa Nhân dân Nam Tư. Năm 1963, lại đổi tên thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Macedonia khi Nam Tư đổi tên thành Liên bang Cộng hòa XHCN Nam Tư.

Cuộc tranh chấp tên gọi “Macedonia” bắt đầu xuất hiện sau khi Nam Tư tan rã lần thứ nhất vào năm 1991, Macedonia tách ra khỏi Liên bang Nam Tư và trở thành nước Cộng hòa Macedonia. Sự ra đời nhà nước Macedonia ngay sát vùng lãnh thổ cùng tên thuộc miền Bắc Hy Lạp khiến người Hy Lạp nổi giận, phản đối quyết liệt.

Người Hy Lạp lo ngại một sự tái diễn sáp nhập hai vùng đất cùng mang tên Macedonia như cách đây gần 2.000 năm. Hàng triệu người Hy Lạp xuống đường biểu tình phản đối vào năm 1992 đã gây chấn động dư luận khu vực, và sự phản đối đó đã làm trì hoãn việc Macedonia gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Ngày 7-4-1993, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết số 817 chấp thuận cho Cộng hòa Macedonia gia nhập LHQ, và ngay sau đó đã đề xuất lên Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 225 vào ngày 8-4-1993 kết nạp Cộng hòa Macedonia.

Hai Thủ tướng Zoran Zaev của Macedonia và Alexis Tsipras của Hy Lạp sau khi ký kết thỏa thuận.

Trên thực tế, để phân biệt với tên gọi tỉnh Macedonia của Hy Lạp, các tổ chức chủ yếu của LHQ và Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Hội nghị Quốc tế về Nam Tư cũ đã cùng tên gọi Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ (FYROM). Tên gọi này không được giới chính trị trong nước Macedonia lẫn Hy Lạp chấp nhận vì nó không phản ánh ý nguyện của cả hai bên.

Đến năm 2005, khi Macedonia khởi sự tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu, Hy Lạp tiếp tục đưa ra tranh chấp về tên gọi khiến EU phải hoãn vô thời hạn việc kết nạp thành viên đối với Macedonia. Ba năm sau, năm 2008, Macedonia tiếp tục bị hoãn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tiến trình đàm phán để giải quyết tranh chấp tên gọi đã trầm lắng một thời gian.

Đến năm 2015, khi ông Tsipras lên nắm quyền ở Hy Lạp, vấn đề đàm phán tranh chấp tên gọi với Macedonia mới được đặt làm ưu tiên. Đàm phán do nhà hòa giải người Mỹ Matthew Nimetz làm trung gian bắt đầu được đẩy nhanh tiến độ từ đầu năm 2018, sau khi ông Zoran Zaev thuộc đảng cánh tả Dân chủ Xã hội lên làm Thủ tướng.

Thông tin về thỏa thuận Macedonia đổi tên để chấm dứt 27 năm tranh chấp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg là người đầu tiên gửi lời chúc mừng. Ông cho rằng thỏa thuận là bước tiến đáng kể vì lợi ích chung của khu vực và hai nước. Tương tự, các quan chức ở Brussels, London và Washington cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được.

Tuy nhiên, một ngày sau khi được ký kết, thỏa thuận “đổi tên” đã vấp phải sự phản đối gay gắt tại cả hai quốc gia, bất chấp những lời hoan nghênh của lãnh đạo thế giới. Tổng thống Macedonia Gjordje Ivanov tuyên bố dứt khoát rằng ông không chấp nhận một thỏa thuận đổi tên quốc gia như thế. Ông Ivanov cho rằng, việc đạt thỏa thuận như là nhượng bộ quá nhiều cho Hy Lạp, cho dù vì lý do gì, kể cả việc gia nhập EU và NATO.

Ông Ivanov cho rằng dù Macedonia không nhượng bộ, không được gia nhập EU và NATO thì Cộng hòa Macedonia vẫn được LHQ và hơn 140 nước thành viên công nhận. Trong khi đó ở Hy Lạp, các đảng phái hữu khuynh đối lập cũng không chấp nhận thỏa thuận vì nó đồng nghĩa với việc chấp nhận sự tồn tại một thực thể có tên gọi Macedonia và ngôn ngữ, dân tộc Macedonia bên ngoài Hy Lạp.

Lãnh đạo đảng Tân Dân chủ Kyriakos Mitsotakis đã chộp lấy cơ hội này để công kích liên minh cầm quyền của Thủ tướng Tsipras, tuyên bố sẽ kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Tsipras vì đã đưa đất nước đi theo hướng chưa từng có trước đây. Những sự phản đối như thế này là dấu hiệu cho thấy khó khăn đang chờ đón lãnh đạo cả hai quốc gia để thỏa thuận giữa họ được nhân dân hai nước chấp thuận.

Tuy nhiên, ông Tsipras tự tin cho rằng quyết định của ông hoàn toàn có lợi cho Hy Lạp và ông sẽ không chùn bước trước áp lực từ phía đối lập. Tương tự ở Macedonia, sự phản đối của Tổng thống Ivanov tuy có thể gây khó khăn trước mắt cho việc tạo đồng thuận chung trong cả nước Macedonia đối với thỏa thuận đổi tên, nhưng giới chuyên gia cho rằng theo hiến pháp Macedonia quyền hạn của ông có giới hạn và nhiệm kỳ cầm quyền của ông cũng không còn bao lâu nữa, sẽ chấm dứt vào tháng 4-2019.

Với sự can đảm chính trị, hai Thủ tướng Tsipras và Zaev đã đi một bước quan trọng tiến tới hòa giải giữa hai nước và mở ra hy vọng phát triển chung trong tương lai. Nhưng để đi đến cùng để thỏa thuận được chính thức thông qua, hai nhà lãnh đạo trẻ này cần thêm nhiều sự can đảm và những bước đi chắc chắn hơn nữa.

An Châu (tổng hợp)
.
.