Cuộc tranh giành ảnh hưởng tại WHO

Thứ Năm, 30/04/2020, 21:56
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang trở thành tâm điểm tranh cãi và tranh giành giữa các nước lớn kể từ khi Mỹ cắt đóng góp tài chính sau khi cáo buộc tổ chức thuộc Liên Hợp quốc (LHQ) này thiên vị và để dịch bệnh COVID-19 lan tràn. Trong khi Mỹ kêu gọi các đồng minh gây sức ép đòi cải tổ WHO thì một số nước khác, trong đó có Trung Quốc, sẵn sàng tăng viện trợ cho tổ chức này.

Ngày 26-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để bàn về đại dịch COVID-19 và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, Nhà Trắng cho biết. “Tổng thống Trump và Tổng thống Macron đã đồng ý về sự cần thiết phải cải tổ WHO”, Judd Deere, phó thư ký báo chí của Nhà Trắng cho biết.

Trước đó ngày 22-4, Chính phủ Canada kêu gọi tiến hành cuộc điều tra để đánh giá cách WHO ứng phó đại dịch. Ngoại trưởng Úc Marise Payne gần đây cũng kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập nhằm đánh giá phản ứng toàn cầu đối với đại dịch, bao gồm cách xử lý khủng hoảng của WHO. Ngoài ra, ngày 21-4, 3 công dân bang New York (Mỹ) đã khởi kiện WHO vì cho rằng tổ chức này lơ là trách nhiệm trong xử lý đại dịch COVID-19. New York là tiểu bang ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ. Tính đến nay, có hơn 250.000 ca nhiễm tại đây, trong đó hơn 18.000 người tử vong.

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Tổng thống Donald Trump đã buộc WHO quản lý yếu kém và che đậy sự lây lan của SARS-CoV-2 và đã không ép Trung Quốc cần phải minh bạch hơn. WHO là một trong những con đẻ của LHQ, có nghĩa vụ đưa ra các khuyến cáo cho các quốc gia. Mặc dù những khuyến cáo này không có tính ép buộc nhưng nếu một quốc gia không làm theo lời khuyên của WHO sẽ bị các nước thành viên gây sức ép nhất là khi việc không tuân theo những khuyến cáo của WHO gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến nước khác như lan truyền dịch bệnh.

Hiện nay WHO có tới 194 quốc gia thành viên. Nếu một quốc gia bị gần như cả thế giới quay lưng thì quốc gia đó sẽ gặp cả đống vấn đề. Trong trường hợp đại dịch COVID-19, ông Trump cho rằng nhẽ ra WHO cần phải khuyến cáo Trung Quốc không nên giao dịch với nước ngoài hoặc thành phố Vũ Hán hạn chế giao thương với thành phố hoặc quốc gia khác. Nếu WHO đã tuyên bố như vậy mà Trung Quốc không nghe, gây ra hậu quả như hiện nay thì lỗi là của Trung Quốc. Nhưng, WHO lại tuyên bố rằng dịch bệnh này không quá phức tạp và vẫn nên giao thương với Trung Quốc. Vậy nên giờ dịch bệnh mới lan ra cả thế giới.

Ông Trump cho rằng WHO đã đánh giá không đúng độ nguy hiểm của COVID-19, thiên vị cho Trung Quốc khiến dịch bệnh đến Mỹ và không kịp trở tay. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vài ngày sau tuyên bố của ông Trump, Trung Quốc đã sửa đổi số người chết ở Vũ Hán thành 3.869, tăng 50%. Trung Quốc khẳng định điều này là do báo cáo thiếu thay vì che giấu.

Mỹ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, chiếm 14,67% ngân sách. Tiền đóng góp của các thành viên chỉ bằng chừng một phần tư số tiền Mỹ hiến tặng cho WHO; khoản tiền này được tính tương đối căn cứ trên sự giàu có và dân số. Số còn lại đến từ các đóng góp tự nguyện và số lượng có thể thay đổi theo từng năm. Trong năm 2019, Mỹ đóng góp khoảng 553 triệu USD. Ngân sách của WHO khoảng 6,3 tỉ USD trong hai năm 2018-2019. Quyết định đình chỉ đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO trước mắt là trong thời gian chờ điều tra khoảng từ 60 đến 90 ngày.

Quyết định ngừng đóng góp tài chính cho WHO là bước tiếp theo trong chiến lược “thay đổi triệt để” hoạt động của WHO, theo phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Theo ông Pompeo, “lần này, WHO đã không làm hết sức và chúng ta cần phải làm gì đó gây sức ép để thay đổi triệt để vấn đề này”. Đúng là “WHO hoạt động không tốt”, theo nhận định trên Twitter của Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại (một tổ chức tư vấn Mỹ) nhưng theo ông này, lỗi là do chính “các cường quốc, trong đó có Mỹ, đã để cho cơ quan đó trở nên như vậy”.

Có cùng quan điểm trên, ông Nicholas Burns, một nhà cựu ngoại giao, hiện tham gia vào đội ngũ tranh cử của ứng viên Dân chủ Joe Biden, cho rằng “WHO không phải là không có lỗi nhưng chúng ta có thể truy xét vấn đề này sau khi vượt qua đại dịch”, vì ngừng viện trợ cho WHO vào thời điểm căng thẳng này chẳng khác gì cắt ngân sách của “lính cứu hỏa đang chữa cháy”.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 23-4, Trung Quốc thông báo sẽ góp thêm 30 triệu USD cho WHO để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch. Một ngày sau, phái đoàn thường trực Mỹ tại LHQ khẳng định Washington sẽ không tham gia sáng kiến toàn cầu về phòng chống dịch COVID-19 do WHO phát động vì muốn tìm hiểu thêm. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25-4 đã nhận xét rằng, một số quốc gia đang cố gắng biện minh cho các biện pháp ứng phó với đại dịch một cách muộn màng và không đầy đủ của họ.

Một trong các cách là đổ lỗi cho WHO về phản ứng chậm trễ trước dịch bệnh. Dù không trực tiếp nhắc tới nhưng tuyên bố của Ngoại trưởng Nga mang nhiều hàm ý tới Mỹ. Trả lời phỏng vấn của báo tài chính Australian Financial Review ngày 26-4, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra, Cheng Jingye cảnh báo: du khách và sinh viên Trung Quốc sẽ tẩy chay Úc nếu chính quyền Canberra yêu cầu mở điều tra về COVID-19.

“Trong tương lai, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đầy căng thẳng và xung đột, không có nhiều cơ hội để thỏa hiệp và điều chỉnh. Nếu đại dịch cho ta bài học gì thì có thể nói là virus sẽ giết chết bất kể người ta quốc tịch gì, ý thức hệ và niềm tin gì, điều quan trọng hơn là các quốc gia chia sẻ thiện chí cũng như kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn và bảo vệ toàn thể nhân loại. Trung Quốc và Hoa Kỳ nên đi đầu trong nỗ lực này thay vì phá hủy dần bất kỳ điểm chung nào”, Chuyên gia Vương Lập Tư từ Đại học Bắc Kinh bày tỏ quan điểm.

Không ai biết WHO sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin lần này trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang lên ngôi trên trường quốc tế. Nhưng, theo báo Le Monde của Pháp, cuộc khủng hoảng lần này cho thấy trong một thế giới mà các nước phụ thuộc lẫn nhau, sức khỏe, y tế là một thách thức toàn cầu và cần phải củng cố vai trò điều phối của WHO. Và đây chính là bài học cho các nước thành viên, bởi WHO, nếu bị suy yếu, sẽ càng khó có khả năng đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.