Đám cháy chiến tranh Syria tiếp tục lan rộng

Thứ Tư, 29/05/2013, 23:50

Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria kéo dài hai năm qua, ngọn lửa chiến tranh tại quốc gia này đã và đang bắt đầu lan sang khu vực.

Những tín hiệu đáng lo ngại

Ngày 26/5, chỉ một ngày sau khi thủ lĩnh phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah cam kết sẽ đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad đi tới chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria, hai quả tên lửa đã được bắn vào thành trì của nhóm này ở phía nam thủ đô Beirut của Liban.

Vụ tấn công hôm 26/5 là lần đầu tiên dường như nhắm mục tiêu vào cứ địa của nhóm Hezbollah, từ khi cuộc xung đột bùng phát trong hai năm qua ở Syria. Cuộc xung đột đã làm gia tăng sự chia rẽ phe phái ở Liban. Vụ tấn công này cho thấy một sự phản ứng mạnh mẽ đối với nhóm Hezbollah vì đã gắn bó với sự tồn vong của chế độ Assad. Màn dạo đầu này cũng đe dọa sẽ lôi nước láng giềng Liban can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Syria.

Bất chấp những nguy cơ đó, thủ lĩnh nhóm Hezbollah Hassan Nasrallah tỏ rõ rằng sẽ không quay đầu trở lại. Trong phát biểu ngày 25/5 trên truyền hình, ông này nói Hezbollah sẽ tiếp tục chiến đấu bên lực lượng của ông Assad cho tới khi chiến thắng, không cần quan tâm tới cái giá phải trả. Với Hezbollah, đây có thể là một trận chiến sống còn. Nếu ông Assad bị lật đổ, tuyến đường cung cấp vũ khí cho Hezbollah từ Iran qua lãnh thổ Syria sẽ bị cắt đứt và nhóm này có thể ngày càng bị cô lập tại khu vực.

Nhóm Hồi giáo dòng Shiite này đang làm gia tăng cuộc đua tranh phe phái ở Liban khi tuyên chiến với quân nổi dậy ở Syria, phần lớn trong số đó là người Hồi giáo dòng Sunni. Trong cuộc chiến với phe nổi dậy, ông Assad phải dựa vào sự hậu thuẫn của người Hồi giáo thiểu số dòng Shiite, người Thiên Chúa giáo, và người Alawite.

Vụ tấn công bằng tên lửa sáng 26/5 vào Beirut là một kiểu tấn công bất thường. Theo các quan chức an ninh, hệ thống phóng tên lửa sau đó được tìm ra ở trong rừng thuộc khu vực phía đông nam Beirut, nơi người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo Druse chiếm đa số. Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ bắn tên lửa, song vụ này được cho là sự trả đũa trước phát biểu đầy thách thức của Nasrallah và sự tham gia của nhóm Hezbollah vào một cuộc tấn công hồi tuần trước của chính quyền vào thị trấn Qusayr của Syria do quân nổi dậy nắm giữ ở gần Liban. Chính quyền Syria đã đẩy lùi được quân nổi dậy nhưng chưa đánh bật được họ ra khỏi Qusayr. Tuy nhiên, ánh mắt nghi ngờ cũng dồn về Israel.

Và cũng chỉ vài giờ sau khi địa bàn của Hezbollah bị tấn công, một quả tên lửa được xác nhận phóng đi từ phía Liban hướng vào lãnh thổ của Israel. Theo truyền thông và các nguồn tin quân sự Liban, một quả đạn pháo có thể được phóng đi từ thị trấn Marjayoun của nước này, cách biên giới Israel khoảng 10km, hướng thẳng về phía Israel.

Trong một đoạn băng video được đưa lên mạng vài ngày trước, một chỉ huy quân nổi dậy Syria đã đe dọa sẽ tấn công vào các mục tiêu Hezbollah ở phía nam Beirut để trả đũa cho sự tham dự của nhóm này trong trận chiến ở Qusayr. Một số người cho rằng vụ bắn tên lửa chỉ là một tín hiệu cho thấy Liban đang trở thành một trận địa.

Nadim Koteich, nhà báo làm việc cho Đài Truyền hình trung ương Liban, nói: "Nasrallha tuyên bố ông ta là một thành phần trong cuộc nội chiến ở Syria. Ông ta không cho người Liban biết tại sao ông ta cho rằng, cuộc nội chiến này sẽ không lan sang Liban". Hezbollah vẫn là phong trào mạnh nhất ở Liban, được một nhóm quân sự hậu thuẫn với hàng chục nghìn tên lửa của Iran. Mặc dù có nguy cơ bị suy yếu do tham gia hoạt động tại Syria song Hezbollah vẫn được sự ủng hộ của người Shiite ở Liban, những người được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội rộng rãi của nhóm này.

Kheikh Nabil Kaouk, Chỉ huy phong trào Hezbollah ở Nam Liban hôm 26/5 đã phát đi một tín hiệu cứng rắn khi phát biểu tại buổi họp của lực lượng này: "Nếu những quả rốckét nhằm đe dọa và gây áp lực lên chúng tôi, buộc chúng tôi phải thay đổi quan điểm ở Syria thì chúng đã vô tác dụng".

Không rõ có bao nhiêu tay súng đã được Hezbollah cử tới Syria nhưng những tay súng được huấn luyện chu đáo này vô cùng cần thiết đối với quân đội của Assad vì quân đội của Syria bị thiếu hụt do một số binh lính đảo ngũ ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu và do chỉ những người trung thành với Tổng thống Assad mới được cử ra chiến trường.

Nhà phân tích Peter Harling thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế băn khoăn hiện không rõ chiến lược mới của Hezbollah sẽ như thế nào. Ông nói: "Họ (Hezbollah) thấy rằng có thể phải xem xét lại “luật chơi" trong khu vực, họ đang tập trung lực lượng để giành chiến thắng. Tuy nhiên, điều đáng nghi ngờ là liệu với chỉ lực lượng của mình họ có thể giành chiến thắng được không khi mà thể chế sụp đổ".

Không chỉ có Liban bị ngọn lửa chiến tranh từ Syria lan sang, một số quốc gia láng giềng khác của Syria cũng đang lo ngại. Jordani thông báo là đang đàm phán về việc cho phép một số nước triển khai tên lửa Patriot trên lãnh thổ của mình, phòng ngừa xung đột từ Syria tràn sang. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định xây hàng rào trên một phần đường biên giới chung với Syria sau khi xảy ra vụ khủng bố ở Reyhanli, ngày 11/5 vừa qua, làm 51 người thiệt mạng. Ankara hiện đang cưu mang khoảng 400.000 người tị nạn Syria.

Quốc tế hối hả tìm giải pháp hòa bình cho Syria

Hôm 27/5, Liên minh châu Âu (EU), một nhóm các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nga và Pháp, và liên minh đối lập chính ở Syria đã thảo luận riêng rẽ về 3 sáng kiến nhằm chấm dứt hơn 2 năm xung đột ở Syria.

Theo tin mới nhất, tối 27/5, các ngoại trưởng EU đã nhất trí dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria, sau các cuộc hội đàm kéo dài ở Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh rằng: "Chưa có quyết định tức thời nhằm cung cấp vũ khí" cho phe nổi dậy Syria và các lệnh cấm vận khác vẫn có hiệu lực.

Cuối ngày 27/5 tại Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội kiến các ngoại trưởng Nga và Pháp trong nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình về Syria. Theo sáng kiến của Moskva, Hội nghị quốc tế về Syria - được gọi là Hội nghị Genève 2 sẽ được tiến hành vào đầu tháng 6 tới, thúc đẩy chính quyền Damascus và phe đối lập đối thoại với nhau các điều khoản về chính phủ chuyển tiếp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này.

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Kerry gặp gỡ tại Paris ngày 27/5 bàn về vấn đề Syria.

Trong khi đó, ngày 26/5 Chính phủ của ông Assad khẳng định Syria đã đồng ý về nguyên tắc sẽ tham gia đàm phán kết thúc xung đột với các đại diện của phe đối lập do LHQ tổ chức ở Geneve vào tháng tới. 

Trái bóng hiện nay đang ở trên sân của phe đối lập Syria. Từ 4 ngày qua, phe đối lập họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, không đạt được đồng thuận về việc lựa chọn thêm 22 thành viên tham gia ban lãnh đạo liên minh. Nhiều nhân vật đối lập lo ngại về hậu quả của sự chia rẽ bên trong liên minh và đến nay phe đối lập vẫn chưa cho biết liệu họ có tham gia Hội nghị Geneve 2 hay không.

Hiện tại, khó có thể cho rằng kịch bản Syria sẽ kết thúc với kết quả như thế nào. Nếu tình trạng xung đột tiếp diễn, việc mất kiểm soát an ninh tại Syria sẽ đe dọa tới toàn bộ khu vực. Giới quan sát đang trông đợi với ảnh hưởng của hai siêu cường Nga - Mỹ, Hội nghị quốc tế về Syria sắp tới có thể giúp chấm dứt bạo lực, tiến tới hòa giải dân tộc với sự tham gia của người dân Syria. Thế nhưng, hy vọng đó là hết sức mong manh trong bối cảnh hiện nay

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.